Chuyển biến rõ rệt từ nhận thức đến hành động

Đánh giá về công tác dân nguyện của Quốc hội tại Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu khẳng định, kể từ khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét định kỳ báo cáo công tác dân nguyện tại phiên họp hàng tháng đã tác động tích cực, tạo sự chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động, rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Nhiều chuyển biến tích cực

Đánh giá về công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 10, tháng 11.2022, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ, công tác tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục được tổ chức thực hiện tốt. Cụ thể, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo có căn cứ pháp luật được nghiên cứu, chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết ngày càng tăng. Hiệu quả hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội ngày càng được nâng cao. Các cơ quan đã chủ động, tích cực hơn trong việc lựa chọn các vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể để tiến hành giám sát và theo dõi, đôn đốc đến cùng việc thực hiện kiến nghị giám sát.

“Một số Đoàn đại biểu Quốc hội đã triển khai giám sát và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương để giám sát và yêu cầu thực hiện kiến nghị tại các báo cáo về công tác dân nguyện hàng tháng, sau đó báo cáo kết quả đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, Trưởng Ban Dân nguyện chia sẻ.

Đối với công tác tổng hợp, báo cáo về công tác dân nguyện hàng tháng của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, theo Trưởng Ban Dân nguyện, đã được chú trọng hơn, với chất lượng báo cáo của nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội được nâng cao, phản ánh kịp thời nhiều vấn đề nổi bật, thời sự mà cử tri và công dân quan tâm, kiến nghị.

Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh, Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có tác dụng rất tốt. "Từ các địa phương cho đến các bộ, ngành đều đã quan tâm hơn tới công tác này. Đây là vấn đề cần phải đánh giá trong báo cáo công tác dân nguyện tháng 10, tháng 11 của Quốc hội", Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nói.

Trên thực tế, theo báo cáo của Ban Dân nguyện, đã có nhiều kiến nghị cụ thể của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các báo cáo công tác dân nguyện kỳ trước được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá sự cố gắng của Ban Dân nguyện trong việc theo dõi, đôn đốc, thống kê, tổng hợp, bảo đảm chất lượng các nội dung, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội có những nhận định, đánh giá sát thực với tình hình thực tế.

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình phát biểu tại phiên họp. Ảnh: L. Hiển

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình phát biểu tại phiên họp. Ảnh: L. Hiển

Quan tâm hơn đến tình trạng doanh nghiệp thiếu vốn

Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 10 và 11.2022 được các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá đã phản ánh khá đầy đủ ý kiến, kiến nghị và cả những lo lắng của nhân dân như: nhiều cây xăng dừng bán hàng, bán cầm chừng trong thời gian qua; vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học; nhiều người lao động bị cắt việc, thôi việc khi Tết Nguyên đán đã gần kề; nhiều người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần; mưa lớn bất thường tại các tỉnh miền Trung; thiếu thuốc chữa bệnh vẫn diễn ra trên diện rộng; học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe gắn máy phân khối lớn; các loại tiền chất ma túy, ma túy tổng hợp pha trộn bánh kẹo, nước trái cây, thuốc lá điện tử…

Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần bổ sung những ý kiến, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là tình hình doanh nghiệp thiếu vốn, thanh khoản trên thị trường chứng khoán đã được đề nghị lên các cấp có thẩm quyền. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế phân tích cụ thể, trong những ngày vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã nới room tín dụng thêm 1,5 - 2%, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các tổ công tác để giải quyết tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án về bất động sản. “Nhưng, các doanh nghiệp vẫn đang đề nghị tất cả các kênh trên thị trường bất động sản, tiền tệ, ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp phải sớm giải quyết. Nếu tình trạng này kéo dài một số doanh nghiệp sẽ rất khó khăn và có thể dẫn đến phá sản”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lưu ý.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu phản ánh của cử tri về việc nhận bảo hiểm một lần. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, vấn đề này không chỉ xuất hiện trong kỳ báo cáo về công tác dân nguyện lần này mà đã ghi nhận trong cả giai đoạn 2016 - 2021. Trong giai đoạn này, số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng năm sau tăng cao hơn năm trước. Đáng lưu ý là số năm bình quân đóng bảo hiểm xã hội đến khi nhận bảo hiểm xã hội 1 lần là chỉ có 7 năm.

Qua giám sát về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, trong cả giai đoạn 2016 - 2021 có tổng cộng khoảng 4,06 triệu lượt người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần, song chỉ phát triển thêm được 4,23 triệu người. Đây là vấn đề cần được quan tâm. Bên cạnh đó, số người tái tham gia bảo hiểm trong số những người đã rút bảo hiểm xã hội một lần chỉ có khoảng 140.000 người, chỉ chiếm tỷ lệ 3,5%. Trước tình trạng chưa có giải pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng, cần quan tâm phân tích khi xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội tới đây.

Những góp ý của nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giúp làm “dày thêm” báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội hàng tháng, phản ánh đầy đủ hơn ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời phân tích sâu sắc về nguyên nhân để xác định các biện pháp xử lý phù hợp. Như khẳng định của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, đã có sự chuyển biến rõ từ nhận thức đến hành động, rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành kể từ khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét định kỳ báo cáo công tác dân nguyện tại phiên họp hàng tháng.

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/chuyen-bien-ro-ret-tu-nhan-thuc-den-hanh-dong-i313005/