Chuyển biến tích cực của giáo dục vùng cao tại Thái Nguyên

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự góp sức của cộng đồng, diện mạo giáo dục vùng cao tại Thái Nguyên đã có những chuyển biến tích cực.

Quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao.

Quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao.

Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất

Thời gian qua Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi, trong đó có lĩnh vực giáo dục đào tạo, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, cơ sở vật chất phục vụ giáo dục tại các trường học ở vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn của tỉnh Thái Nguyên đã được đầu tư, nâng cấp, nhờ đó đã góp phần khởi sắc cho giáo dục vùng cao.

Tại huyện Định Hóa, năm học 2024 – 2025 toàn huyện có 69 trường và 40 điểm trường. Triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, huyện đã quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, quy mô trường, lớp được sắp xếp theo hướng tinh gọn, nhờ đó chất lượng giáo dục trên địa bàn được củng cố và nâng lên.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoài - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Trong giai đoạn từ năm 2023 – đến tháng 5/2024, huyện đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học.

Đến nay, toàn huyện đã hoàn thành 4 công trình và tiếp tục thi công 6 công trình trong đó xây mới trường mầm non Sơn Phú và trường mầm non Thanh Định với tổng giá trị trên 107 tỷ đồng…100% các phòng học, trường học trên địa bàn được kiên cố hóa, không còn phòng học tạm, phòng học bán kiên cố.

Hàng năm, huyện duy trì 23/23 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS đạt mức độ 3 và xóa mù chữ đạt mức độ 2.

 Trường Mầm non Thanh Định, huyện Định Hóa, tỉnh Thái nguyên được khánh thành và đưa vào sử dụng trong năm học 2024-2025.

Trường Mầm non Thanh Định, huyện Định Hóa, tỉnh Thái nguyên được khánh thành và đưa vào sử dụng trong năm học 2024-2025.

Tính đến tháng 5/2024, có 67/69 trường đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 97, %, trong đó cấp Mầm non có 23/23 trường đạt chuẩn quốc gia; cấp tiểu học có 22/22 trường đạt chuẩn quốc gia và cấp THCS có 22/24 đạt chuẩn quốc gia.

Còn tại huyện Võ Nhai năm học 2024 – 2025 toàn huyện có 11.946 học sinh, trong đó có 1.225 học sinh huy động vào lớp 1 và 1.444 học sinh vào lớp 6, tỷ lệ huy động đạt 100%.

Ông Nguyễn Văn Mùi – Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Trước khi bước vào năm học mới, toàn huyện đã tổ chức sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất cho 5 trường từ các nguồn như: Chương trình quốc gia nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, nguồn sự nghiệp giáo dục, xã hội hóa giáo dục với tổng kinh phí trên 22 tỷ đồng.

Thực hiện tốt các chế độ chính sách

Có mặt tại trường PT DTBT THCS Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên diện mạo của một ngôi trường khang trang, với khuôn viên xanh - sạch - đẹp, phòng học đạt chuẩn, các phòng chức năng như tin học, thí nghiệm đầy đủ trang thiết bị, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh. Thành quả này là nhờ sự đầu tư có trọng tâm của huyện Võ Nhai.

Song song với quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trường còn thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, nhờ đó các em học sinh, đặc biệt là học sinh người DTTS có thêm động lực đến trường.

Cô Đinh Thị Phương Hằng – Hiệu trưởng trường PT DTBT THCS Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Thần Sa, huyện Võ Nhai hiện có trên 150 học sinh với tỷ lệ 100% học sinh là người dân tộc thiểu số. Trong đó, 70% học sinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo, khoảng 2/3 học sinh đang ở bán trú tại trường.

 Cơ sở vật chất trường PT DTBT THCS Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên được quan tâm đầu tư đồng bộ.

Cơ sở vật chất trường PT DTBT THCS Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên được quan tâm đầu tư đồng bộ.

Các em học sinh thuộc đối tượng hưởng chính sách được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và gạo với mức hỗ trợ như: Về hỗ trợ tiền ăn, mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh; mỗi học sinh được hỗ trợ 15 kg gạo/ tháng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.

Ngoài ra, các em còn được hỗ trợ chi phí mua sắm bổ sung, sửa chữa dụng cụ thể dục, thể thao, nhạc cụ, máy thu hình, phục vụ sinh hoạt văn hóa và các vật dụng khác cho học sinh bán trú với mức 100.000 đồng/học sinh bán trú/năm học; Tủ thuốc dùng chung cho khu bán trú, mua các loại thuốc thông thường với cơ số thuốc đủ đáp ứng yêu cầu phòng bệnh và xử lý những trường hợp cấp cứu đột xuất với mức hỗ trợ 50.000 đồng/học sinh bán trú/năm học.

Như vậy, với sự quan tâm đầu tư đồng bộ, đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm mà chất lượng dục vùng cao tại Thái nguyên đã được nâng lên rõ nét. Đến nay, 100% các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú được xây dựng kiên cố; gần 85% trường phổ thông có học sinh bán trú đạt chuẩn quốc gia; Tỷ lệ trẻ mẫu giáo và học sinh dân tộc thiểu số đến lớp đều đạt trên 98%...

Phương Thảo

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuyen-bien-tich-cuc-cua-giao-duc-vung-cao-tai-thai-nguyen-post704920.html