Chuyển biến tích cực ở vùng đồng bào dân tộc Mông
Với quyết tâm nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc Mông, cấp ủy, chính quyền các cấp đã và đang triển khai thực hiện hiện quả Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhờ đó, người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, loại bỏ những hủ tục lạc hậu, không tin, không nghe theo các hoạt động trái với phong tục tập quán của dân tộc mình, góp phần giữ vững ổn đình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Theo đoàn công tác của Công an xã Thái Sơn, chúng tôi có dịp trở lại xóm Khau Dè, xóm vùng cao của xã Thái Sơn (Bảo Lâm). Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới còn vương mùi gỗ, ông Giàng A Lềnh không giấu được niềm vui khi nhắc đến sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Đảng và Nhà nước. Nhờ vào nguồn hỗ trợ 44 triệu đồng từ Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, gia đình ông có được mái ấm vững chãi, không còn lo lắng mỗi khi mưa đến. Ông Lềnh chia sẻ: Người dân luôn tin tưởng và biết ơn sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với xóm Khau Dề. Nhờ đó mà tôi đã xây dựng được ngôi nhà mới. Sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và lực lượng Công an đã giúp cuộc sống của chúng tôi cải thiện hơn so với trước đây.
Xóm Khau Dề, xã Thái Sơn có 96 hộ, 538 nhân khẩu, 100% đồng bào Mông sinh sống; xóm từng là "điểm nóng" phức tạp về ANTT. Nhiều năm trước, cuộc sống của người dân rất khó khăn, nhiều hủ tục lạc hậu vẫn bủa vây, nhận thức, hiểu biết về xã hội, pháp luật còn hạn chế khiến bà con dân tộc Mông nơi đây dễ bị dụ dỗ, lôi kéo tin theo các phần tử xấu. Nhờ sự quan tâm sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực, trách nhiệm của lực lượng Công an, tình hình ANTT đã có những chuyển biến tích cực.
Trưởng xóm Khau Dề Ma A Tú cho biết: Thời gian qua, các ban, ngành, đoàn thể và lực lượng Công an luôn tạo điều kiện và hỗ trợ nhân dân xóm Khau Dề giúp chúng tôi xóa nhà tạm, nhà dột nát, hỗ trợ con giống và các loại giống cây trồng. Qua các buổi tuyên truyền trực tiếp, lực lượng Công an không chỉ phổ biến pháp luật mà còn xây dựng niềm tin vững chắc, khuyến khích người dân tự giác tham gia giữ gìn ANTT tại địa phương.
Việc áp dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc Mông đã góp phần cải thiện rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của người dân Khau Dề. Bà con không chỉ vươn lên trong cuộc sống mà còn chủ động xóa bỏ các hủ tục, xây dựng cộng đồng đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, từ đó góp phần quan trọng ổn định ANTT tại xóm vùng cao.
Tại xóm Văn Thụ, xã Nam Tuấn (Hòa An), 100% là đồng bào dân tộc Mông, trước năm 2020, tất cả các hộ dân ở xóm đều thuộc diện nghèo, chủ yếu do chưa biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, vẫn duy trì các giống cây truyền thống có năng suất thấp. Anh Lý Văn Sinh, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng xóm Văn Thụ chia sẻ: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp hỗ trợ xóm Văn Thụ nhiều chương trình an sinh xã hội, như: Đầu tư đường nông thôn điểm Lũng Bua dài hơn 900 m, tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ đồng; hỗ trợ 54.000 viên gạch cho 11 hộ dân làm nhà ở, lò sấy thuốc lá với tổng trị giá hơn 80 triệu đồng; hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, cây, con giống các loại. Qua thời gian thực hiện đã mang lại nguồn thu nhập cho nhân dân, đời sống ngày càng được nâng lên.

Cộng đồng dân tộc Mông biết giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Chủ tịch UBND xã Nam Tuấn Lê Bình Hải cho biết: Đảng ủy xã ban hành nghị quyết chỉ đạo và vận động người dân cùng triển khai thực hiện. Đồng thời, xã hợp tác với Viện Thuốc lá Chi nhánh Cao Bằng hỗ trợ bà con vay phân bón, cung cấp hạt giống thuốc lá và giống lai chất lượng cao, giúp nông dân gieo trồng đúng mùa vụ. Các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và sấy thuốc lá được tổ chức tại ruộng, giúp bà con hiểu rõ quy trình canh tác. Từ một hộ trồng thuốc lá ban đầu, đến nay, xóm Văn Thụ đã có 15 hộ tham gia trồng 6,8 ha thuốc lá.
Những năm qua, các cấp ủy Đảng và chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc, tôn giáo. Đặc biệt, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, giảm nghèo và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chú trọng đồng bào dân tộc Mông. Các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng được triển khai đồng bộ, góp phần thay đổi diện mạo các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2016 - 2024, nhiều công trình hạ tầng cơ sở như đường, điện, trạm y tế, trường học được đầu tư và nâng cấp. 100% xã có người Mông sinh sống đều có đường ô tô đến trung tâm, hơn 90% xóm có đường ô tô đến xóm, 100% xã có điện lưới quốc gia. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 5%/năm.
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát được thực hiện hiệu quả, ưu tiên các hộ nghèo ở các địa bàn từng bị ảnh hưởng bởi tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Từ năm 2022 đến nay, hơn 1.200 hộ dân tộc Mông được hỗ trợ xóa nhà tạm, trong đó có trên 70 hộ cam kết từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Các căn nhà mới được xây dựng đảm bảo "3 cứng" (nền, cột, mái cứng) phù hợp với điều kiện kinh tế từng gia đình. Trong 3 năm (2021 - 2023), Công an tỉnh phối hợp với Bộ Công an và Ủy ban MTTQ tỉnh xây dựng 11 căn nhà cho đồng bào Mông, tạo hiệu ứng tích cực, nhận được sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng.
Ngoài công tác đảm bảo ANTT, Công an tỉnh phối hợp với các ban, ngành, cấp ủy và chính quyền tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện, thăm, tặng quà các hộ gia đình vùng đồng bào dân tộc Mông. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tham gia hỗ trợ người dân làm đường, vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng nhà mới trong khuôn khổ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Các hoạt động thăm hỏi và hỗ trợ gia đình dân tộc Mông bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ cũng được triển khai kịp thời.
Nhờ sự phối hợp chặt chẽ và triển khai hiệu quả các chính sách, cùng với sự đồng lòng của người dân, cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông ở các địa phương từng bị ảnh hưởng bởi tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đã có những chuyển biến rõ rệt. Người dân không chỉ cải thiện đời sống vật chất mà còn biết gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xóa bỏ hủ tục, đoàn kết xây dựng cộng đồng vững mạnh, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo ANTT tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/chuyen-bien-tich-cuc-o-vung-dong-bao-dan-toc-mong-3176880.html