Chuyển biến tích cực sau hơn 10 năm triển khai BHXH tự nguyện trên tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW
Chính sách BHXH tự nguyện đã và đang được người dân đón nhận tích cực thời gian qua.
Tại buổi Giao lưu trực tuyến “Những lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội” ngày 18/10/2019 vừa qua, ông Đinh Duy Hùng - Phó Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) cho biết: “Theo Quyết định số 151 QĐBHXH ngày 30/1/2019, dự kiến số người tham gia BHXH trong năm 2020 phấn đấu tăng so với năm 2019 ít nhất là 240 nghìn người. Trong năm 2019, kế hoạch đặt ra là 490.779 người, cho đến nay đã đạt trên 463 nghìn người, nghĩa là kế hoạch của năm 2019 đang rất khả quan, nếu không muốn nói là vượt mức”. Có thể thấy, chính sách BHXH tự nguyện đã và đang được người dân đón nhận tích cực thời gian qua.
Thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển BHXH tự nguyện
Một trong những điểm quan trọng trong cải cách chính sách BHXH được đề cập tới trong Nghị quyết 28-NQ/TW là chú trọng đến lao động là nông dân, lao động khu vực phi chính thức. Thí dụ, một trong những mục tiêu đến 2025, trong số 45% lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi tham gia BHXH, nông dân, lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Việc Trung ương đưa ra các chỉ tiêu trong phát triển đối tượng tham gia BHXH nói chung và trong đó có đối tượng thuộc khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện nói riêng, thể hiện quan điểm rất rõ ràng trong việc cần phải đẩy mạnh phát triển phạm vi bao phủ của chính sách BHXH trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. “Khác với bảo hiểm thương mại, BHXH tự nguyện là một chính sách an sinh xã hội và để tăng tính hấp dẫn thì rất cần sự hỗ trợ, vai trò “bà đỡ” của Nhà nước. Chúng ta đã có chính sách BHYT toàn dân và theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cũng hướng tới BHXH toàn dân, vì vậy, việc hỗ trợ, tăng tính hấp dẫn của chính sách này là điều rất quan trọng” - Phó Tổng Giám đốc BHXHVN Trần Đình Liệu khẳng định.
Một trong những điểm quan trọng trong cải cách chính sách BHXH được đề cập tới trong Nghị quyết 28-NQ/TW chú trọng đến lao động là nông dân, lao động khu vực phi chính thức.
Thực tế, với sự nỗ lực lớn của ngành BHXH trong triển khai thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - xã hội, hiện đang có nhiều chuyển biến tích cực trong việc tổ chức thực hiện chính sách này… Ngay sau khi có Nghị quyết Trung ương 7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 8/10/2018 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; cùng với đó là Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 3/8/2018 về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các địa phương. Theo đó, giai đoạn 2019-2020 giao UBND các tỉnh, thành phố căn cứ thực tế địa phương mình để tự xác định chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, giao cho các địa phương triển khai thực hiện… Từ năm 2021 trở đi, Chính phủ sẽ quyết định giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội cho các địa phương. Bên cạnh đó, cơ quan BHXH cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thông qua các hệ thống phát triển mạng lưới thu, các đại lý thu BHXH, trong đó có phối hợp với Tổng Công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam để đẩy mạnh khai thác phát triển đối tượng này.
Theo Phó Trưởng ban Thu BHXH Việt Nam Đinh Duy Hùng cho biết, để mở rộng đối tượng tham gia, ngành BHXH đã chủ động phối hợp các bộ, ngành, đoàn thể… tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách BHXH tự nguyện để nhiều người dân hiểu và đăng ký tham gia. Mở rộng hệ thống mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện, phấn đấu mỗi thôn, bản, tổ dân phố đều có điểm thu BHXH tự nguyện, có nhân viên đại lý thu. Hướng dẫn, tập huấn chính sách BHXH tự nguyện cho các nhân viên đại lý thu, để lực lượng này phối hợp tuyên truyền, tư vấn đến từng người dân. Giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cho BHXH cấp huyện và từng đại lý thu. Đa dạng các hình thức, phương thức nhận hồ sơ, trả kết quả, thu tiền đóng, chuyển tiền đóng vào quỹ, tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với người tham gia BHXH tự nguyện...
Cùng với chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ đầu năm 2019, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp cùng với BHXH Việt Nam và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Kết quả ước tính đến hết Quý III-2019, số người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng lên hơn 450 nghìn người, chiếm khoảng 0,9% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Như vậy, mục tiêu 1% vào năm 2021 về cơ bản là hoàn toàn có thể đạt được vì hết năm nay chúng ta cơ bản hướng tới đạt được mục tiêu này. Như vậy có thể thấy mặc dù các chỉ tiêu cho các giai đoạn 2021-2025 hay 2030 với tỷ lệ bao phủ mở rộng các chính sách BHXH đòi hỏi sự vào cuộc, tham gia và có những biện pháp thích hợp để đẩy mạnh diện bao phủ này, khi các cơ quan cùng vào cuộc với nhau thì chỉ số cũng đã được cải thiện đáng kể. Cả ở góc độ chính sách, cả ở góc độ sự chỉ đạo, quan tâm của chính phủ, các địa phương, các mục tiêu này mặc dù khó nhưng sẽ thực hiện được.
Cánh cửa an sinh rộng mở - tiếp tục đồng bộ các giải pháp
Mặc dù số người tăng lớn so với những năm trước đây, nhưng số người tham gia BHXH tự nguyện so với tiềm năng, so với số người có khả năng tham gia BHXH còn khiêm tốn. Theo thống kê, hiện cả nước còn khoảng 30 triệu người chưa tham gia BHXH - đây là cơ hội để ngành BHXH tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc cũng như BHXH tự nguyện. Ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (BHXH) (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: Thời gian tới, BHXH có một số định hướng và giải pháp. Cụ thể là, thúc đẩy việc chuyển dịch lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức để tạo sự ổn định về công việc, thu nhập và là cơ sở cho việc tham gia BHXH; Cải cách thủ tục hành chính, đa dạng các phương thức thu nộp BHXH; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện; Tiếp tục thực hiện việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tới các địa phương. Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật, cụ thể thực hiện lộ trình để giảm dần điều kiện thời gian đóng góp hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới còn 10 năm để mở rộng cơ hội tiếp cận lương hưu. Nghiên cứu để bổ sung thêm các chế độ BHXH ngắn hạn, thực hiện các gói BHXH ngắn hạn linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của người dân; điều chỉnh chính sách hỗ trợ tiền đóng phù hợp, tạo động lực để khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện...
Đặc biệt, sự phối hợp của các cấp, các ngành trong nhiệm vụ này là rất quan trọng, đó là sự phối hợp của BHXH Việt Nam với ngành lao động - thương binh và xã hội cùng Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cũng như sự hỗ trợ trực tiếp từ các địa phương. Theo đánh giá của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, những nỗ lực triển khai Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH đã có hiệu quả trong thực tiễn, với sự vào cuộc của các ngành, các cấp, mà trong đó nổi bật là bốn yếu tố: sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo các cấp ủy và chính quyền; đổi mới cách làm; đổi mới công tác tuyên truyền và xây dựng chính sách BHXH vì người dân..., cho thấy đó là kinh nghiệm, cách làm hay và hiệu quả trong phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Làm được điều này nên chỉ trong những tháng đầu năm 2019, đã nâng số lượng người tham gia BHXH tự nguyện lên bằng 10 năm qua.
Thiên Trường - Bảo Minh (Thực hiện)