Chuyển biến tích cực trong chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

Năm 2017, ngay sau khi Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo 'thẻ vàng' về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) đối với thủy sản Việt Nam, cả hệ thống chính trị nước ta đã vào cuộc khẩn trương, quyết liệt với quyết tâm cao để gỡ được 'thẻ vàng' thủy sản của EC, đồng thời mong muốn xây dựng ngành thủy sản phát triển bền vững, có trách nhiệm. Sau hơn 6 năm, đến nay, công tác chống IUU đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Từ không đến có

Hành động cụ thể, quyết liệt đầu tiên của Việt Nam trong chống IUU chính là việc nội luật hóa-đưa vào Luật Thủy sản những điều khoản xử phạt rất nặng đối với hành vi khai thác bất hợp pháp của tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài, với mức phạt lên đến hàng tỷ đồng. Chế tài này được nhiều chuyên gia về lĩnh vực thủy sản đánh giá là “nặng tay” nhất từ trước đến nay.

Cùng với đó, Việt Nam đã triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ, quyết liệt để chống IUU. Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Có 5 điểm khác biệt so với trước đây trong công tác quản lý tàu cá, sản lượng khai thác lẫn việc nhập khẩu nguyên liệu thủy sản về phục vụ chế biến của doanh nghiệp. Điểm khác biệt đầu tiên, đó là trước ngày 23-10-2017, tàu cá của chúng ta chưa được quản lý chặt chẽ, chủ yếu trên giấy tờ mà không nắm được số liệu chính xác số lượng tàu. Tàu cá đi khai thác ở đâu không ai biết. Đến thời điểm hiện nay, chúng ta đã thực hiện quản lý bằng số hóa về cơ bản số lượng tàu trên cơ sở dữ liệu quốc gia dù chưa được 100%. Tất cả tàu có gắn thiết bị giám sát hành trình trên cơ sở dữ liệu quốc gia là có thật. Điểm khác biệt thứ hai là hiện 98% tàu cá của Việt Nam được gắn thiết bị giám sát hành trình, vị trí khai thác, do đó chúng ta giám sát được hành trình của tàu cá có vi phạm về khai thác ở vùng biển nước ngoài hay không. Đây là một điểm khác biệt rất lớn so với trước đây và so với một số các nước khác trong điều kiện kinh tế-xã hội của một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Khác biệt thứ ba chính là chúng ta thực hiện giám sát, quản lý được sản lượng tại 83 cảng cá, các tàu cá, giấy phép. Riêng đối với việc nhập khẩu thủy sản ở cảng biển, trước đây chúng ta chỉ thực hiện kiểm dịch mà không kiểm soát nguồn gốc thủy sản nhập khẩu. Hiện nay, tại 14 cảng nhập khẩu thủy sản vào Việt Nam đều được kiểm soát, bảo đảm không vi phạm IUU, thậm chí Việt Nam còn đi tiên phong trong việc kiểm soát cả hàng thủy sản trong công-ten-nơ. Thứ tư, việc kiểm soát nguồn gốc thủy sản ngay tại các doanh nghiệp cũng được thực hiện chặt chẽ. Thứ năm là việc kiểm soát thực thi pháp luật trên biển ở tất cả các vùng biển. Trong năm 2023, ngoài tuần tra kiểm soát, tuyên truyền, hướng dẫn tuân thủ pháp luật cho bà con ngư dân, các chủ tàu, các cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng kiểm ngư đã xử phạt hơn 100 tỷ đồng, tăng hơn 20 lần so với trước đây (riêng lực lượng kiểm ngư xử phạt khoảng 17 tỷ đồng). Điều này chứng tỏ các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam đã rất kiên quyết, xử lý nghiêm đối với các tàu cá vi phạm IUU. Đặc biệt, hiện nay, các lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh phối hợp mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát các tàu cá từ trong cảng lẫn khai thác trên biển, chống các hành vi vi phạm IUU. Đây là một thay đổi rất lớn đối với ngành thủy sản Việt Nam. Hiện Việt Nam đã ký tham gia hầu hết các điều ước, hiệp định quốc tế về nghề cá, chẳng hạn như: Hiệp định của Liên hợp quốc về đàn cá di cư; Hiệp định về biện pháp các quốc gia có cảng của FAO để kiểm soát nguyên liệu...

 Cảng cá Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Cảng cá Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Phấn đấu một nghề xanh, phát triển bền vững

Đây chính là sự khẳng định cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đối với các cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc kiên quyết xử lý các tàu cá của Việt Nam vi phạm quy định chống IUU. Người đứng đầu Chính phủ đã nhiều lần phát biểu nhấn mạnh tại các cuộc họp chỉ đạo về chống IUU: Vấn đề "thẻ vàng" không phải chỉ đơn thuần về kinh tế, con tôm, con cá mà là hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là vì mục tiêu xây dựng ngành thủy sản Việt Nam phát triển xanh, bền vững.

Theo ông Nguyễn Quang Hùng: Nếu chúng ta quyết tâm 200-300% nỗ lực, cùng những chuyển biến tích cực hơn nữa trong việc không để xảy ra tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm về khai thác ở vùng biển nước ngoài, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, hy vọng sẽ sớm gỡ được "thẻ vàng" của EC. Cùng với đó, cần chú trọng thực hiện công tác bảo tồn biển đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng: Việc Việt Nam kiên quyết thực thi các biện pháp không chỉ nhằm gỡ "thẻ vàng" của EC mà hướng tới xây dựng ngành thủy sản Việt Nam phát triển xanh, bền vững. Sau khi gỡ được "thẻ vàng", các cơ quan chức năng Việt Nam cần tiếp tục duy trì, triển khai các biện pháp chống IUU, tránh tâm lý chủ quan, buông lỏng, lơ là, quan tâm đến công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Cùng với việc cắt giảm số lượng tàu cá để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chúng ta cũng cần có những cơ chế, chính sách quan tâm đến đời sống, giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho ngư dân theo hướng hỗ trợ, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Như vậy, việc chống IUU mới phát huy hiệu quả lâu dài, góp phần xây dựng ngành thủy sản phát triển xanh, bền vững, có trách nhiệm với cộng đồng.

Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/chuyen-bien-tich-cuc-trong-chong-khai-thac-thuy-san-bat-hop-phap-782120