Dành nguồn lực để tiếp cận thị trường Trung Quốc theo vùng
Trung Quốc là một thị trường rộng lớn, trong đó mỗi tỉnh, thành lại có văn hóa và nhu cầu tiêu dùng khác nhau. Việc dành nguồn lực để tiếp cận thị trường Trung Quốc theo vùng là thực sự cần thiết.
Nhiều cơ hội
Tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 6/2024 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 2/7, ông Nông Đức Lai - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, những tháng đầu năm nay, thương mại Việt Nam - Trung Quốc tăng trưởng rất tốt. Xuất khẩu và nhập khẩu tăng trưởng trên 20%.
Không chỉ tăng trưởng cao mà còn rất cân bằng. Theo đó, các nhóm sản phẩm chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt là nhóm mặt hàng nông sản sang Trung Quốc và ngược lại. Cùng với sự đa dạng và phục hồi của các chuỗi sản xuất cung ứng tiếp tục tác động tích cực đối với các hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.
Công tác mở cửa thị trường cũng tiến triển rất tốt. Trong đó, mở cửa thị trường với sản phẩm sầu riêng đông lạnh hay dừa tươi và một số sản phẩm từ động vật như da trăn, sừng bò, sừng trâu... Trung Quốc đã thống nhất với Việt Nam về mẫu kiểm dịch động vật cho các sản phẩm này xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ngoài ra, việc đăng ký các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho doanh nghiệp Việt Nam đã tạo điều kiện cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này rất tốt.
"Kinh tế Trung Quốc ghi nhận sự khởi sắc rất tốt, sản xuất tăng trưởng ổn định, nhu cầu tiêu dùng phát triển tích cực, cán cân thương mại của Trung Quốc cũng tương đối tốt và cân bằng", ông Lai nhấn mạnh.
Cũng theo ông Lai, Trung Quốc vẫn theo xu hướng sản phẩm chất lượng cao và chuyển đổi xanh. Đặc biệt, tại hội nghị năm nay, Trung Quốc đề cập đến từ khóa: lực lượng sản xuất mới, tức là thúc đẩy công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường.
Về thương mại, xu hướng thương mại điện tử đang ngày càng được nâng cấp và hiện đại hóa, rõ nét nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới.
Về ngành hàng, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc cho rằng, sản phẩm chế biến sẵn phát triển rất tiềm năng và là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.
Đánh giá về cơ hội với thị trường Trung Quốc, Tham tán Nông Đức Lai cho hay, kết quả 6 tháng đầu năm sẽ tiếp tục tạo đà cho thương mại của Việt Nam trong những tháng cuối năm, đặc biệt từ nay đến cuối năm có rất nhiều kỳ nghỉ và lễ hội kéo dài khiến nhu cầu thị trường tăng lên. Các doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội này.
Với riêng nhóm hàng nông sản, hàng năm Trung Quốc nhập nhóm hàng này hơn 230 tỷ USD, và trong 5 tháng đầu năm nay, nhập khẩu nhóm mặt hàng này của Trung Quốc đã lên tới gần 100 tỷ USD.
Trong nhóm hàng nông sản có 10 nhóm mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu lên đến 20 tỷ USD như nhóm thủy sản, trái cây, ngũ cốc. Đây là nhóm mặt hàng Việt Nam có lợi thế, cần tận dụng những lợi thế này.
Thị trường Trung Quốc rộng lớn, mỗi một địa phương có văn hóa ẩm thực, nhu cầu tiêu dùng khác nhau. Ví dụ như Quảng Đông có nhu cầu về nông thủy sản, Sơn Đông có nhu cầu về cao su.
Dành nguồn lực tiếp cận thị trường theo vùng
Với những đặc điểm và cơ hội thị trường, ông Lai khuyến nghị, các địa phương trước khi thực hiện các đoàn xúc tiến thương mại nên cung cấp thông tin sớm cho thương vụ về tiềm năng, thế mạnh của địa phương để thương vụ có thể tư vấn cho tỉnh đi đến những địa phương nào phù hợp.
Đặc biệt, cần dành nguồn lực để triển khai chính sách tiếp cận thị trường theo vùng mà Bộ Công Thương đã đề ra trong những năm gần đây. Cụ thể, Bộ cần tăng cường các hoạt động thiết lập quan hệ kinh tế thương mại với các chính quyền địa phương để phát huy, khai thác thị trường.
Sau khi thiết lập được quan hệ, có sự ủng hộ của chính quyền địa phương, có thể thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm tại đây.
Các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng khi tham gia các đoàn xúc tiến thương mại thì nên tư vấn, trao đổi với các cơ quan liên quan như Cục Xúc tiến thương mại, các cơ quan đại diện hay Thương vụ Việt Nam tại các địa bàn để lựa chọn sản phẩm, địa phương có tiềm năng, phù hợp với sản phẩm tiềm năng của địa phương mình.
Với việc Trung Quốc có xu hướng thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới, doanh nghiệp nên xem xét, cân nhắc, tận dụng những chính sách này của Trung Quốc để thúc đẩy hoạt động hợp tác về logistics, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi nhấn mạnh về vấn đề chất lượng và thương hiệu sản phẩm. Theo ông Sơn, thời gian vừa qua Việt Nam đã cố gắng rất nhiều nhưng chất lượng hàng hóa hiện nay cũng đang gặp phải không ít khó khăn, đặc biệt là mặt hàng được Việt Nam rất quan tâm là nông sản.
Các địa phương cần cố gắng bảo đảm chất lượng nông sản xuất khẩu vì hiện nay thế giới phẳng, một thị trường xuất hiện vấn đề thì tất cả các thị trường khác đều đồng loạt áp dụng các biện pháp tương tự.
"Xúc tiến thương mại là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tuy nhiên, chúng tôi kiến nghị các thương vụ ở các địa bàn kinh tế quan trọng, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thực hiện báo cáo đánh giá tình hình thị trường, dự báo xu thế, những động thái giữa các nền kinh tế lớn thời gian qua.
Những báo cáo tham mưu là đầu vào rất quan trọng để các vụ thị trường phối hợp với các đơn vị trong nước tiến hành đánh giá, phân tích tình hình và đưa ra đối sách thích hợp. Từ đó lựa chọn ngành hàng, lựa chọn chiến lược, bước đi tiếp theo của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới", ông Sơn khuyến nghị.
Nhất trí với các đánh giá, đề xuất từ Vụ Thị trường châu Á, châu Phi cũng như Tham tán thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, "Trung Quốc là một thị trường vĩ đại, nước nào cũng muốn vào thị trường này, trong khi Việt Nam ở ngay bên cạnh mà không khai thác được là có một phần lỗi của chúng ta. Các đơn vị, doanh nghiệp cần tiếp tục tích cực phối hợp với nhau để công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường đạt nhiều kết quả".