Chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo ở Cam Lộ

Những năm qua, cùng với đẩy mạnh đầu tư phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nông thôn mới (NTM), công tác giảm nghèo của huyện Cam Lộ có nhiều chuyển biến tích cực và hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, đưa địa phương trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Trị đạt chuẩn huyện NTM.

 Trồng cây chè vằng đem lại hiệu quả kinh tế cao ở Bản Chùa, xã Cam Tuyền, Cam Lộ - Ảnh: K.N

Trồng cây chè vằng đem lại hiệu quả kinh tế cao ở Bản Chùa, xã Cam Tuyền, Cam Lộ - Ảnh: K.N

Theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo chuẩn tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020, cuối năm 2015 toàn huyện Cam Lộ có 1.324 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 10,98%; hộ cận nghèo có 628 hộ, chiếm tỉ lệ 5,21%. Trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 61/73 hộ, chiếm tỉ lệ 83,6% tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại Bản Chùa, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ. Số hộ nghèo có mức thu nhập trên chuẩn nghèo nhưng thiếu hụt 3 chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản trở lên 292 hộ, chiếm tỉ lệ 22,05% so với tổng số hộ nghèo; số hộ nghèo có mức thu nhập dưới chuẩn nghèo 1.032 hộ, chiếm tỉ lệ 77,95%. Hộ nghèo phân theo chủ hộ là thành viên các đoàn thể như: Hội nông dân chiếm 28,5%; hội phụ nữ chiếm 21,8%; đoàn thanh niên chiếm 1,5%; hội cựu chiến binh 2,5%; hội người cao tuổi chiếm 40%; hộ nghèo khác chiếm 5,7%.

Để thực hiện đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cam Lộ khóa XV đề ra cho giai đoạn 2016-2020 bình quân mỗi năm giảm 1,5- 2% hộ nghèo, huyện Cam Lộ củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo giảm nghèo huyện, phân công trách nhiệm phụ trách địa bàn cho các thành viên ban chỉ đạo và các cơ quan chức năng trong việc tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo. Đồng thời, UBND huyện tổ chức ký kết trách nhiệm phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp lồng ghép các chính sách, chương trình hỗ trợ giảm nghèo bền vững với các tổ chức chính trị- xã hội huyện; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn ký kết chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo với các tổ chức chính trị xã hội cùng cấp. Phát động phong trào hộ nghèo, hộ cận nghèo tự nguyện đăng ký vươn lên thoát nghèo bền vững và cá nhân, tổ chức nhận đỡ đầu, hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.

Thông qua cách làm sáng tạo như đối thoại, gặp gỡ của lãnh đạo huyện với các hộ nghèo đăng ký thoát nghèo để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất cần sự giúp đỡ, từ đó huyện có chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp, nên 5 năm qua đã có 50 hộ nghèo người cao tuổi được sự trợ giúp của con cháu và người thân tự nguyện đăng ký thoát nghèo. Bằng những chính sách cụ thể với quyết tâm cao, UBND huyện phối hợp với UBMTTQVN huyện tập trung chỉ đạo kêu gọi, vận động các tổ chức giúp đỡ nâng cao mức sống cho hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công; hỗ trợ nguồn kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, trên địa bàn huyện Cam Lộ không còn hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công; không còn hộ gia đình sinh sống trong nhà tạm bợ dột nát.

Thực hiện các chính sách hỗ trợ người nghèo nâng cao thu nhập, UBND huyện Cam Lộ chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các tổ chức chính trị- xã hội hướng dẫn người nghèo cách làm ăn phát triển kinh tế, tập huấn phát triển sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi… Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Giai đoạn 2016- 2020, huyện Cam Lộ đã mở 69 lớp đào tạo nghề cho 2.147 học viên; trong đó có 39 học viên thuộc hộ nghèo, 60 học viên đồng bào dân tộc thiểu số, 28 học viên cận nghèo.

Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nguồn ngân sách địa phương, UBND huyện Cam Lộ chỉ đạo các xã, thị trấn hỗ trợ cây, con giống; hướng dẫn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thực hiện các mô hình kinh tế hiệu quả như trồng cây ăn quả, nuôi bò sinh sản, nuôi gà thả vườn, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho Nhân dân. Chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi cho người nghèo vay để phát triển sản xuất, kinh doanh được quan tâm thực hiện, đã huy động được nhiều nguồn vốn như: Chương trình hộ nghèo, chương trình giải quyết việc làm, vốn từ hội, đoàn thể… Có trên 90% số hộ nghèo đã vay vốn, bình quân mỗi hộ vay từ 15 - 30 triệu đồng.

Nhờ chính sách tín dụng ưu đãi, đa số người nghèo đều có vốn để phát triển sản xuất, ý thức trách nhiệm cũng như kinh nghiệm sử dụng vốn vay được nâng lên, tạo chuyển biến tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương. Đến cuối năm 2020, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Cam Lộ giảm xuống còn 2,85%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Những chuyển biến tích cực trong tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, đặc biệt là thành tích nổi bật xây dựng thành công huyện đạt chuẩn NTM là dấu mốc quan trọng để huyện Cam Lộ tiếp tục đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Khánh Ngọc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=155735