Chuyển biến tích cực trong công tác tiếp công dân

Tiếp công dân tại bộ phận “một cửa” UBND TX Sông Cầu (chụp trước khi dịch COVID-19 bùng phát). Ảnh: TRẦN HƯNG

Năm 2021, công tác tiếp công dân (TCD) tiếp tục được quan tâm và duy trì thường xuyên từ tỉnh đến cơ sở; sự phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước với MTTQ và các đoàn thể trong giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) được tăng cường…

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tình hình KNTC trên địa bàn tỉnh trong năm 2021, tăng so với năm trước. Tuy nhiên ít vụ việc khiếu nại gay gắt, đông người, không có vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo tiêu chí của Thanh tra Chính phủ, không có đoàn khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương. Các khiếu nại về lĩnh vực đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội thuộc thẩm quyền giải quyết của chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chiếm tỉ lệ cao, vẫn tập trung ở TX Đông Hòa, TX Sông Cầu và TP Tuy Hòa.

Giải quyết ngay tại cơ sở

Ông Nguyễn Ngọc, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, cho biết: Để kịp thời tiếp nhận, xử lý những ý kiến phản ánh, kiến nghị của công dân gửi đến HĐND theo quy định, Thường trực HĐND tỉnh thiết lập đường dây nóng, mở hộp thư điện tử tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của công dân. Đây là một trong những hình thức TCD để kịp thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân và xử lý những vấn đề phát sinh. “Thời gian qua, tôi thấy công tác TCD được các cấp ngành chú trọng, những vụ việc có KNTC được giải quyết kịp thời; hình thức TCD cũng đa dạng hơn trước”, ông Trần Thành Hà ở thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, nhìn nhận.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ, thời gian qua, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc chế độ TCD theo quy định, trực tiếp đối thoại với công dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công dân để kịp thời hướng dẫn, giải quyết đúng chính sách, pháp luật.

Những vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền giải quyết của thủ trưởng các cấp, ngành đã được xem xét, giải quyết đúng pháp luật. Nhiều vụ việc KNTC mới phát sinh được tập trung giải quyết dứt điểm từ cơ sở, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, hạn chế tối đa việc khiếu kiện vượt cấp.

Các cấp, ngành đã chú trọng chỉ đạo tăng cường theo dõi, nắm chắc tình hình KNTC của công dân trong phạm vi thuộc thẩm quyền quản lý, kịp thời chỉ đạo giải quyết ngay từ khi phát sinh tại cơ sở, không để xảy ra tình huống phức tạp, bị động. Quá trình giải quyết các vụ việc KNTC đã chú trọng thực hiện tốt việc tổ chức đối thoại với công dân; vận dụng linh hoạt, phù hợp các chính sách, pháp luật để bảo đảm giải quyết dứt điểm vụ việc.

“Việc tiếp nhận và xử lý đơn được các cơ quan hành chính xử lý đúng quy định của pháp luật. Riêng những trường hợp TCD định kỳ của UBND tỉnh, sau mỗi đợt TCD đều có thông báo yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết từng vụ việc cụ thể và có báo cáo UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo”, ông Đào Mỹ cho biết.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước với MTTQ và các đoàn thể được tăng cường. Công tác hòa giải, thực hiện quy chế dân chủ, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được quan tâm. Việc tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật được thực hiện nghiêm túc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác TCD, giải quyết KNTC trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế. Một số đơn giải quyết chậm; có vụ việc giải quyết chưa sát nội dung hoặc chưa đúng thẩm quyền, sai sót về quy trình, thủ tục giải quyết. Việc sử dụng Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về TCD, giải quyết KNTC trên toàn tỉnh chưa đồng bộ; chế độ thông tin, báo cáo tổng hợp về kết quả TCD, tình hình KNTC và giải quyết KNTC từ cấp xã lên cấp huyện chưa đầy đủ, kịp thời, chính xác, ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết KNTC ở các địa phương.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về TCD, giải quyết KNTC nói riêng, tuy được thực hiện nhưng chưa thường xuyên, liên tục, nội dung, hình thức chưa phong phú, hiệu quả chưa cao. Vai trò của các tổ chức tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý chưa được phát huy đúng mức.

Việc tiếp nhận và xử lý đơn được các cơ quan hành chính xử lý đúng quy định của pháp luật. Riêng những trường hợp TCD định kỳ của UBND tỉnh, sau mỗi đợt TCD đều có thông báo yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết từng vụ việc cụ thể và có báo cáo UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ

Tăng cường hoạt động giám sát

Theo UBND tỉnh, thời gian tới, thủ trưởng các cấp, ngành phải xác định vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong việc TCD, xem công tác TCD là một khâu quan trọng của công tác quản lý, nhằm đưa chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trở thành hiện thực, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong nhân dân. Theo đó, cần cân nhắc, dự đoán những vấn đề có thể phát sinh trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để yêu cầu các chủ dự án có giải pháp phù hợp trước khi cấp phép đầu tư, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với quyền lợi của công dân khi bị thu hồi đất.

Nắm chắc tình hình và tập trung phối hợp giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở và từ khi mới phát sinh khiếu kiện, hạn chế thấp nhất tình trạng khiếu kiện vượt cấp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về TCD, giải quyết KNTC đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Thường xuyên tuyên truyền, giải thích pháp luật, nhất là pháp luật liên quan đến công tác TCD, giải quyết KNTC để cán bộ, nhân dân nắm vững và nghiêm chỉnh chấp hành. Công khai và tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết KNTC đã có hiệu lực pháp luật.

Thời gian tới, trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai các dự án; việc giải phóng mặt bằng, thi công công trình sẽ ảnh hưởng đến vấn đề đất đai, bồi thường, hỗ trợ tái định cư nên dự báo tình tình KNTC của công dân có thể phát sinh tăng. “UBND tỉnh đã kiến nghị HĐND tỉnh tăng cường giám sát công tác TCD, giải quyết KNTC của các địa phương nhằm phát huy hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật về TCD, giải quyết KNTC, nhất là Chỉ thị 35 và Quy định 11 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là việc nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác TCD; thực hiện nghiêm túc việc tổ chức đối thoại với công dân; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc KNTC, phấn đấu đạt tỉ lệ trên 85%”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ cho biết.

Một số giải pháp được UBND tỉnh đưa ra là tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ KNTC phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Tăng cường hơn nữa hoạt động thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực thi pháp luật TCD, giải quyết KNTC và hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về TCD, KNTC.

Thường xuyên liên hệ với Trụ sở TCD Trung ương tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để theo dõi, nắm tình hình khiếu kiện của công dân, kịp thời báo cáo, tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ về TCD, giải quyết KNTC cho cán bộ làm công tác TCD, giải quyết KNTC. Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông vào các hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trên các lĩnh vực có nguy cơ phát sinh KNTC…

PHẠM THÙY

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/412/268730/chuyen-bien-tich-cuc-trong-cong-tac-tiep-cong-dan.html