Chuyển biến tích cực trong thu gom, xử lý chất thải rắn

Thông tin từ UBND tỉnh Long An, đến nay, công tác quy hoạch và hoạt động xử lý chất thải rắn (XLCTR) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước khắc phục các hạn chế được HĐND tỉnh chỉ ra sau giám sát. Trong công tác XLCTR sinh hoạt, bảo vệ môi trường, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư nhà máy XLCTR sinh hoạt theo quy hoạch của tỉnh. Trong đó, tỉnh ưu tiên kêu gọi công nghệ xử lý theo định hướng xử lý rác có thu hồi năng lượng như đốt rác để phát điện nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, giữ ổn định môi trường đầu tư, tính bền vững trong XLCTR. Đặc biệt, đối với dự án Nhà máy XLCTR Tâm Sinh Nghĩa, mặc dù hoạt động của nhà máy góp phần quan trọng trong việc XLCTR trên địa bàn tỉnh với công suất xử lý khoảng 360-380 tấn/ngày nhưng trong quá trình hoạt động còn nhiều hạn chế như phát thải lượng khí thải trong quá trình đốt rác; việc thu gom, xử lý nước rỉ rác và quản lý rác thải thu gom tập trung về nhà máy gây bức xúc cho người dân. Từ kiến nghị, phản ánh của nhân dân, thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các ngành chuyên môn, chính quyền địa phương nhiều lần làm việc với nhà máy để có những giải pháp cải thiện môi trường, bảo đảm hoạt động XLCTR của nhà máy. Thực tế cũng cho thấy, năng lực của nhà đầu tư còn khó khăn.

 Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt có nhiều chuyển biến tích cực

Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt có nhiều chuyển biến tích cực

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm, hiện nay, nhà máy thay đổi chủ đầu tư mới. Qua kiểm tra, hiện tại, nhà đầu tư mới bắt tay khắc phục một số hạn chế như cải tạo hệ thống xử lý khí thải theo quy chuẩn môi trường cho phép, nâng cấp hệ thống thu gom nước thải do việc rỉ rác cũng như điều chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường để xin xây dựng thêm lò đốt rác với công suất 120 tấn/ngày đáp ứng việc xử lý rác tiếp nhận hàng ngày cũng như lượng rác tồn đọng tại nhà máy.

“Theo kế hoạch, nhà đầu tư sẽ xây dựng nhà máy rác phát điện giai đoạn 1 với công suất 500 tấn/ngày, giai đoạn 2 là 1.500 tấn/ngày, dự kiến công suất phát điện khi hoàn thành giai đoạn 2 là 38MW. Đến ngày 07/5/2024, Bộ Công Thương có văn bản trình Chính phủ phê duyệt, bổ sung, cập nhật vào Kế hoạch thực hiện phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để cập nhật dự án Nhà máy đốt rác Tâm Sinh Nghĩa vào Quy hoạch điện VIII. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư mới có kế hoạch, sẵn sàng khởi công dự án nhà máy đốt rác phát điện, kịp hoàn thành vào năm 2026" - ông Nguyễn Minh Lâm thông tin.

Bên cạnh đó, đối với kiến nghị bố trí các điểm thu gom chất thải rắn sinh hoạt, bảo đảm vệ sinh môi trường, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, quy định cụ thể việc phân loại rác sinh hoạt, điểm tập kết, trung chuyển rác, tuyến đường, thời gian, tần suất, phương tiện thu gom cũng như quy định trách nhiệm của UBND cấp huyện, xã trong việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung tuyên truyền, đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn và nhân rộng các mô hình thí điểm nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân. Qua đó, đưa công tác thu gom, XLCTR sinh hoạt vào nề nếp, bảo đảm yêu cầu về môi trường./.

Nhật Minh

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chuyen-bien-tich-cuc-trong-thu-gom-xu-ly-chat-thai-ran-a179415.html