Thanh Liêm tăng cường bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp

Huyện Thanh Liêm có 1 khu công nghiệp (KCN), 2 cụm công nghiệp (CCN). Hiện nay, các doanh nghiệp trong các khu, CCN hoạt động ổn định, tạo việc làm cho khoảng 5 nghìn lao động trên địa bàn. Nhờ đó, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, đóng góp ngân sách cho địa phương. Những năm qua, các doanh nghiệp sản xuất đều cơ bản tuân thủ nghiêm quy định về bảo vệ môi trường (BVMT).

KCN Thanh Liêm được quy hoạch trên diện tích hơn 292 ha do Công ty cổ phần Capella đầu tư xây dựng hạ tầng. Đến nay, tỷ lệ lấp đầy đạt 98%, thu hút 34 doanh nghiệp, trong đó có 14 doanh nghiệp đang hoạt động. Hiện tại KCN đã được đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thu gom nước thải và xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 2.000 m3/ngày đêm. Theo đánh giá của ngành chức năng, toàn bộ lượng nước thải phát sinh được quản lý, thu gom và xử lý bảo đảm yêu cầu về BVMT. Chất lượng nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn (QCVN40:2011/BTNMT- Cột A) trước khi xả thải ra môi trường. Hiện, KCN đang tiếp tục triển khai xây dựng trạm xử lý nước thải (giai đoạn 2) với công suất 5.600 m3/ngày đêm nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp. Để tăng cường công tác quản lý môi trường, từ tháng 8/2022 đến tháng 6/2024 Ban quản lý các KCN tỉnh đã có 2 văn bản yêu cầu các doanh nghiệp trong KCN thực hiện đầy đủ chương trình quan trắc định kỳ theo quy định; quá trình thực hiện có sự tham gia giám sát của các sở, ngành liên quan, UBND huyện, chính quyền các địa phương bảo đảm công khai, minh bạch ở từng doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp chủ động đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải, bố trí trang thiết bị để phân loại, thu gom, lưu giữ tạm thời các loại chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại. Đến nay, các cơ sở đều tuân thủ lắp đặt công trình, có biện pháp xử lý khí thải theo cam kết tại báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, nâng cao năng lực cảnh báo, kiểm soát ô nhiễm đối với hệ thống xử lý khí thải tại doanh nghiệp.

Đường vào CCN Thanh Liêm.

Đường vào CCN Thanh Liêm.

Tại CCN Thanh Hải và CCN Thanh Lưu, hiện đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết đối với quỹ đất xây dựng hạ tầng dùng chung như: đường giao thông, vỉa hè rãnh thoát nước, cây xanh. Các doanh nghiệp tập trung sản xuất các ngành nghề: vật liệu xây dựng, nước sạch, may mặc, cơ khí. Do vậy, nước thải sinh hoạt là chính vì thế tại các CCN trên địa bàn huyện Thanh Liêm chưa bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải. Tại đây các doanh nghiệp tự đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong khuôn viên nhà máy, nước thải được xử lý sơ bộ bằng hố lắng và thoát trực tiếp ra hệ thống thoát nước chung của cụm. Rác thải phát sinh từ sản xuất và sinh hoạt thông thường được thu gom thông qua hợp đồng với tổ dịch vụ thu gom rác của UBND xã, thị trấn. CCN Thanh Hải có diện tích 16,5 ha với 6 doanh nghiệp đầu tư và đang hoạt động ổn định. Những năm qua các đơn vị đã đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ bản đồng bộ và bảo đảm theo quy hoạch. CCN Thanh Lưu có diện tích 5,7 ha đến nay tỷ lệ lấp đầy đạt 100% với 6 doanh nghiệp hoạt đông. Ông Nguyễn Văn Toản, Chủ tịch UBND thị trấn Tân Thanh cho biết: Trong quá trình sản xuất khi phát hiện bụi, nước thải ảnh hưởng đến môi trường trong khu vực, UBND thị trấn yêu cầu doanh nghiệp nghiêm túc áp dụng các biện pháp khắc phục kịp thời. Hiện CCN có 2 doanh nghiệp may mặc còn lại là doanh nghiệp sản xuất cấu kiện bê tông. Từ năm 2022 các đơn vị đã tự huy động vốn đầu tư xây dựng hệ thống hố ga ven đường dùng chung để thu gom, xử lý trước khi xả nước thải ra kênh mương. Toàn bộ rác thải được thu gom, vận chuyển theo quy định. Đến nay CCN Thanh Lưu không phát tán bụi, nước thải ảnh hưởng đến môi trường trên địa bàn.

Tuy vậy, hiện tại 2 CCN ở Thanh Liêm còn một số hạn chế chưa được khắc phục như: chưa bố trí quỹ đất xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung; một số doanh nghiệp chưa thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết BVMT, kiểm soát tiếng ồn, bụi, khí thải, nước thải. Bên cạnh đó, chất thải rắn chưa được phân loại và xử lý theo quy định. Những hạn chế này cần sớm khắc phục nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với công tác BVMT.

Ông Đinh Việt Cường, Phó Chủ tịch HĐND huyện Thanh Liêm cho biết: Hiện nay, các cấp, ngành của huyện đang tập trung tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về BVMT cho các doanh nghệp, cơ sở sản xuất, đặc biệt là tại các khu, CCN. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc tuân thủ quy định của pháp luật về BVMT, xử lý nghiêm các vi phạm đối với những đơn vị không áp dụng biện pháp BVMT đã cam kết. Thực hiện tốt việc thẩm định dự án, kiên quyết không phê duyệt đối với dự án sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Xây dựng kế hoạch đầu tư, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hạ tầng các CCN nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp. Cùng với việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm, huyện Thanh Liêm chủ động tham mưu với các ngành của tỉnh lựa chọn thu hút đầu tư đối với các dự án giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vào các khu, CCN trên địa bàn.

Phùng Thống

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/moi-truong-do-thi/thanh-liem-tang-cuong-bao-ve-moi-truong-tai-cac-khu-cum-cong-nghiepa-135199.html