Chuyển biến trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở Vĩnh Linh

Ngày 28/12/2016, HĐND huyện Vĩnh Linh ban hành Nghị quyết số 15-NQ/HĐND về phát triển ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề huyện Vĩnh Linh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 (Nghị quyết số 15). Sau 5 năm triển khai thực hiện, việc phát triển ngành công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề trên địa bàn huyện Vĩnh Linh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đưa nền kinh tế của địa phương ngày càng phát triển.

 Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tại Cơ sở sản xuất miến Loan Hảo, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh LinhẢnh: T.L

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tại Cơ sở sản xuất miến Loan Hảo, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh LinhẢnh: T.L

Nghị quyết số 15 được triển khai trong điều kiện thuận lợi do Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN ) và các làng nghề. Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của cấp trên, huyện Vĩnh Linh đã chỉ đạo các cấp, ngành xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển tại địa phương về các ngành nghề TTCN và các làng nghề. Cùng với đó, các sản phẩm tại huyện Vĩnh Linh khá đa dạng, phù hợp với nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh. Nhiều sản phẩm như hồ tiêu, dầu lạc, tinh dầu, nước mắm, cao su… có khả năng hướng tới xuất khẩu. Môi trường hoạt động, sản xuất của các ngành nghề phù hợp với nông thôn, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh đó, huyện Vĩnh Linh cũng có lợi thế về nguồn nguyên liệu sẵn có, nguồn lao động tại chỗ dồi dào, nhiều sản phẩm mang bản sắc văn hóa truyền thống và là sản phẩm đặc trưng, lợi thế của địa phương. Để thúc đẩy phát triển CN-TTCN và các làng nghề, huyện Vĩnh Linh đã chủ động trong công tác xúc tiến thương mại. Hằng năm, địa phương đã tổ chức các hội chợ và bố trí kinh phí để động viên các doanh nghiệp đưa sản phẩm của huyện đến với người tiêu dùng trong cả nước. Các hội thảo kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm cũng được tổ chức, qua đó đã có hàng chục hợp đồng được ký kết với các doanh nghiệp trên địa bàn.

Trên cơ sở những lợi thế sẵn có, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực phát triển CN-TTCN được huyện quan tâm, chú trọng đến cấp cơ sở, các hộ dân, các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp. Huyện Vĩnh Linh cũng tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư làm thủ tục thuê đất, phối hợp tổ chức giải phóng mặt bằng đảm bảo đúng tiến độ, ưu tiên doanh nghiệp lựa chọn địa điểm đầu tư xây dựng nhà máy trong các cụm, khu công nghiệp (KCN). Khuyến khích huy động các nguồn vốn tại các địa phương, trong Nhân dân, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế phục vụ cho phát triển sản xuất CN - TTCN và các làng nghề. Đồng thời xây dựng kế hoạch kiểm tra, khảo sát, lựa chọn những mô hình sản xuất công nghiệp mới để đề xuất hỗ trợ, đăng ký nhãn hiệu và tham gia các hội chợ.

Nhờ vậy, việc thực hiện các chỉ tiêu của Nghị quyết số 15 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, huyện Vĩnh Linh có 2 cụm công nghiệp (CCN) gồm CCN Cửa Tùng, Bến Quan và 1 KCN Tây Bắc Hồ Xá. Các ngành nghề CN- TTCN, dịch vụ trên địa bàn phát triển khá tốt, đã có nhiều cơ sở chuyển sang doanh nghiệp. Công nghiệp chế biến, sản xuất ngày càng được hiện đại, đáp ứng nhu cầu sản xuất của các đơn vị. Một số sản phẩm đã có nhãn mác đảm bảo theo quy định, sản phẩm đã được ký gửi tại các siêu thị trên toàn quốc, trên địa bàn đã có 4 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh…

Việc quy hoạch và xây dựng các CCN trên địa bàn là chủ trương thiết thực nhằm thu hút đầu tư, từ đó giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tăng nguồn thu cho ngân sách, đẩy mạnh việc phát triển ngành nghề tại nông thôn, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của từng vùng. Đồng thời, việc quy hoạch và xây dựng các CCN đã di dời được các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, đảm bảo môi trường, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, CCN Cửa Tùng được đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng với diện tích 2,5 ha, đã có 4 nhà máy đi vào hoạt động, tỉ lệ lấp đầy đạt 100%. Về hoạt động của các ngành CN-TTCN, huyện Vĩnh Linh đã phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư vào thực hiện tại KCN Tây Bắc Hồ Xá, đến nay đã có 8 nhà máy đi vào hoạt động, thu hút trên 2.000 lao động. Bên cạnh đó, hiện trên địa bàn huyện có trên 1.100 cơ sở sản xuất CN-TTCN, tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động gồm các ngành như chế biến cao su, nông sản, nước mắm, bột cá, dầu lạc, may mặc, mộc dân dụng và mỹ nghệ, sản xuất vật liệu xây dựng, bánh kẹo, miến và một số ngành nghề khác. Huyện Vĩnh Linh còn tổ chức, hướng dẫn đăng ký thành công nhãn mác tập thể được công nhận từ Cục Sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu ném Vĩnh Linh, dưa hấu Vĩnh Tú, đậu xanh Vĩnh Giang, nước mắm Cửa Tùng… Nhãn mác các cá nhân, doanh nghiệp như tinh bột nghệ Hùng Dung, miến Loan Hảo, nấm Linh Dương… và một số sản phẩm đạt chứng nhận VietGap như thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh Vĩnh Thủy.

Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư phát triển ngành nghề mới, có công nghệ cao cũng được địa phương quan tâm thực hiện tốt. Nhờ vậy, trên địa bàn đã thu hút được một số dự án ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ cao như các nhà máy chế biến gỗ, may công nghiệp, chế biến cao su. Một số cơ sở đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như cơ sở xay xát, đánh bóng gạo; dây chuyền sản xuất miến Loan Hảo, máy ép dầu lạc… Công tác khuyến công, hỗ trợ, khuyến khích phát triển CN - TTCN sản xuất các ngành nghề có ứng dụng khoa học - công nghệ được địa phương quan tâm thực hiện thông qua các hoạt động như tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ kinh phí…

Trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện Vĩnh Linh đã hỗ trợ chính sách khuyến công cho 53 cơ sở sản xuất, kinh doanh với kinh phí trên 4,2 tỉ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đó là giảm dần tỉ trọng ngành nông- lâm- ngư nghiệp, tăng dần tỉ trọng ngành công nghiệp- xây dựng và thương mại- dịch vụ. Tỉ lệ lao động CN - TTCN và làng nghề qua đào tạo đạt trên 80%; tỉ lệ cơ sở ứng dụng máy móc hiện đại, tiên tiến vào sản xuất, chế biến đạt 80 - 85%. Các cơ sở sản xuất, làng nghề trên địa bàn ngày càng quan tâm đến khâu xử lý môi trường đúng quy định.

Với những kết quả đạt được, huyện Vĩnh Linh đã cơ bản hoàn thành các nội dung chỉ tiêu mà Nghị quyết số 15 đã đề ra theo lộ trình đến năm 2020. Trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như thu hút vốn đầu tư hoàn thành CCN Cửa Tùng giai đoạn 1, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, quan tâm xử lý môi trường, thu hút một số ngành nghề mới, đào tạo nghề cho lao động hằng năm, từ đó góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thanh Lê

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=160788&title=chuyen-bien-trong-phat-trien-cong-nghiep-tieu-thu-cong-nghiep-o-vinh-linh