Chuyển biến trong quản lý trật tự đô thị

Với sự quyết liệt của các lực lượng chức năng, công tác quản lý trật tự đô thị trong năm 2023 trên địa bàn Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực, được Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Đây sẽ là tiền đề để xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.

Việc sử dụng những hình ảnh cụ thể, phân tích lỗi vi phạm trực tiếp vào tờ rơi đã giúp người dân nhận biết rõ hơn về hành vi vi phạm. Ảnh: Công Trình

Việc sử dụng những hình ảnh cụ thể, phân tích lỗi vi phạm trực tiếp vào tờ rơi đã giúp người dân nhận biết rõ hơn về hành vi vi phạm. Ảnh: Công Trình

Nhiều điểm nhấn

Trong năm qua, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn TP Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực. Tại nhiều tuyến đường, khu vực như đường Láng, Nguyễn Chí Thanh, Giảng Võ, Nguyễn Trãi… tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh giảm đáng kể; phương tiện được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, đảm bảo được nhu cầu đi lại của người dân.

Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương, nhằm tăng cường công tác phối hợp, hiệu quả trong công tác quản lý trật tự đô thị, những mô hình, cách làm hay đã được triển khai nhân rộng. Đơn cử, có một thời gian, tình hình hoạt động của đối tượng tội phạm ma túy, mại dâm và kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại khu vực cầu T11 bắc qua sông Tô Lịch – nơi giáp ranh giữa 4 phường gồm: Quan Hoa, Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) và Cống Vị, Vĩnh Phúc (quận Ba Đình) có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Nguyên nhân do tại đây, các đối tượng là gái mại dâm, nghiện ma túy, trộm cắp, bán trà đá lấn chiếm lòng đường, vỉa hè… thường lợi dụng đặc thù giáp ranh để tránh né, chạy sang địa bàn bên cạnh khi thấy lực lượng chức năng đi tuần tra, kiểm soát.

Kinh tế vỉa hè đang là một phần của ngành dịch vụ ở Hà Nội, là kế sinh nhai của không ít người dân. Do đó, Hà Nội cần phải nghiên cứu kỹ vỉa hè tuyến phố nào đủ điều kiện cho các tiểu thương buôn bán và đoạn nào, khu vực nào không được. Từ đó, TP Hà Nội có thể xây dựng đề án thí điểm cho buôn bán trên vỉa hè một cách hợp lý.
PGS.TS Bùi Thị An

Trước tình trạng trên, quận Cầu Giấy và quận Ba Đình đã triển khai thực hiện mô hình “Cụm liên kết Hoa – Đô – Phúc – Vị đảm bảo an ninh trật tự khu vực giáp ranh cầu T11” giai đoạn 2023 – 2024. Nhờ đó, tình trạng mất trật tự đô thị, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường… đã từng bước được xử lý.

Tiếp đó, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý trật tự đô thị, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho các hộ kinh doanh, Nhân dân trên địa bàn, phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) đã tập hợp các hình ảnh về hành vi vi phạm thường gặp, phân tích lỗi và mức xử phạt… Sau đó, in vào trong tờ rơi để phát đến các hộ kinh doanh.

Gần đây nhất, phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) - một trong những phường đầu tiên của TP Hà Nội tổ chức thí điểm lắp đặt hệ thống cấp nước phòng cháy, chữa cháy vách tường vào sâu trong các ngõ xóm nhỏ, khu vực làng xóm cũ đông dân cư, có nhiều nhà thuê trọ, nhà ở nhiều căn hộ tại Tổ 11, 15. Đây là những địa bàn có khả năng nguy cơ cháy nổ cao, xe ô tô chữa cháy không tiếp cận được trực tiếp.

Kỳ vọng vào Đề án quản lý lòng đường, vỉa hè

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý trật tự đô thị, hài hòa lợi ích Nhân dân, TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu, xây dựng Đề án quản lý lòng đường, vỉa hè với những tiêu chí nhất định như: việc kinh doanh phải được xác định cụ thể loại hình (ăn uống, giải khát...); thời gian được phép kinh doanh; các tuyến phố được lựa chọn thí điểm phải bảo đảm chiều rộng 5m trở lên và phải có thiết kế đô thị; phải bảo đảm tối thiểu 1,5m chiều rộng vỉa hè dành cho người đi bộ…

Về góc độ quản lý Nhà nước tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) Công Minh Tuấn cho biết, chủ trương cho thuê một phần vỉa hè phục vụ việc kinh doanh là cần thiết, cần được nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân, mỹ quan đô thị và nhu cầu đi lại của người dân… Dẫn chứng về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân nêu ví dụ, trên địa bàn phường hiện có 2 tuyến phố: Nhật Chiêu, Trịnh Công Sơn – nơi tập trung rất nhiều hộ kinh doanh, thu hút được lượng lớn du khách đến vui chơi giải trí. Tuy nhiên, những khu vực này chưa có điểm trông giữ phương tiện theo quy hoạch, hai tuyến phố chỉ có một bên có nhà dân… Do đó, đề xuất cho thuê vỉa hè nhằm mục đích kinh doanh là hết sức cần thiết.

Theo PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, việc cho thuê vỉa hè là cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch của Thủ đô. Tuy nhiên, để tránh những xung đột, hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra, các đơn vị chức năng cần phân cấp cho chính quyền cấp phường, xã tiến hành xác định đối tượng được phép thuê vỉa hè. Bởi, hơn ai hết, những cán bộ cơ sở mới là người nắm được địa bàn, hoàn cảnh của từng cá nhân.

Vân Nhi

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chuyen-bien-trong-quan-ly-trat-tu-do-thi.html