Chuyển biến từ công tác dân vận

Năm 2023, Cà Mau là tỉnh dẫn đầu trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) về phong trào thi đua yêu nước. Ðạt được kết quả này là nhờ hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các đoàn thể chính trị - xã hội và các cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện tốt công tác dân vận, tạo được sự đồng thuận trong xã hội, củng cố và tăng cường niềm tin trong Nhân dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Quyết định số 322-QÐ/TU, ngày 16/5/2022, về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Cà Mau. Theo đó, 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thực hiện công tác dân vận hằng năm, theo hướng “gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân”. Ðồng thời, tăng cường nắm tình hình Nhân dân, nhất là các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách; tích cực đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc phát sinh.

Trong năm 2023, tỉnh giảm 871 đơn thư khiếu nại, giảm 18 đơn tố cáo; các vụ việc khiếu nại giải quyết đạt 87,7%, các vụ việc tố cáo giải quyết đạt 84,8%. Ðiểm nổi bật là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đã thực hiện tốt công tác dân vận trong tiếp dân, đối thoại với dân, nhất là những vấn đề có đông người khiếu kiện, bức xúc, kéo dài.

Ông Nguyễn Minh Phụng, Chánh Thanh tra tỉnh, cho rằng, trong quá trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải coi trọng công tác dân vận, công tác hòa giải. Người cán bộ tiếp dân phải có cử chỉ nhẹ nhàng, đúng mực, nghiêm túc, chú ý lắng nghe dân trình bày và có cách xử lý phù hợp với từng tình huống. Các đề xuất, kiến nghị, phản ánh của dân phải được tiếp nhận, xử lý, giải quyết đầy đủ, kịp thời.

Bệnh viên đa khoa Cà Mau được đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh nhân dân.

Bệnh viên đa khoa Cà Mau được đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh nhân dân.

Trên lĩnh vực y tế, công tác dân vận được gắn với đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Ông Vương Hữu Tiến, Phó giám đốc Sở Y tế, chia sẻ một số mô hình dân vận khéo mà các đơn vị đã triển khai thực hiện trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân như: tuyên truyền, vận động người dân phòng, chống dịch bệnh; vận động nhà hảo tâm đóng góp quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo; hỗ trợ sản phụ sử dụng app hướng dẫn chế độ dinh dưỡng cho mẹ và bé; niềm nở, khéo léo, tận tình với người bệnh; không phân biệt đối xử, không gây phiền hà cho người bệnh... Ðến nay, có 100% người dân được tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử; triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại 18 cơ sở y tế công lập, ngoài công lập.

Tỉnh Cà Mau dẫn đầu cả nước về giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) toàn trình trên môi trường điện tử, gắn với đó là tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không ngừng được nâng cao. Ðến nay, số TTHC đang thực hiện tại các cấp là 1.940 thủ tục, trong đó cấp tỉnh 1.487 thủ tục, cấp huyện 299 thủ tục và cấp xã 154 thủ tục (không tính TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết các cơ quan ngành dọc). Tỉnh thực hiện thí điểm tiếp nhận TTHC tại nhà (78 thủ tục) và tiếp nhận TTHC không phụ thuộc vào địa giới (83 thủ tục), tiếp tục phát huy hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, có 590 hồ sơ được tiếp nhận tại nhà; 2.459 hồ sơ tiếp nhận không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

Tỉnh Cà Mau dẫn đầu cả nước về giải quyết thủ tục hành chính toàn trình trên môi trường điện tử. (Trong ảnh: Bộ phận Một cửa xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời).

Tỉnh Cà Mau dẫn đầu cả nước về giải quyết thủ tục hành chính toàn trình trên môi trường điện tử. (Trong ảnh: Bộ phận Một cửa xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời).

Hệ thống dân vận, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Dân vận khéo”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tổ chức nhiều hoạt động vì cộng đồng, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội... Ðến nay, tỉnh có 60/82 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 11/19 phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 1,60%, phấn đấu đến cuối năm 2024 giảm còn 1,20% (mức giảm tối thiểu 0,4%). Trong năm nay, MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội đăng ký giúp đỡ 2.162 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn.

Hệ thống dân vận, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. (Trong ảnh: Diện mạo nông thôn xã Tân Hưng Ðông, huyện Cái Nước).

Hệ thống dân vận, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. (Trong ảnh: Diện mạo nông thôn xã Tân Hưng Ðông, huyện Cái Nước).

MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, thực hiện góp ý vào dự thảo của cấp ủy, chính quyền các cấp liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân.

Ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: “Công tác dân vận có mục tiêu hướng đến là sự yên dân, mà muốn yên dân thì phải phát huy tốt quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở. Ðể tạo đồng thuận xã hội, công tác dân vận cần tạo thêm dấu ấn, điểm nhấn, nhân rộng nhiều mô hình hiệu quả, tác động tích cực đến đời sống xã hội”.

Ông Lưu Văn Vĩnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy, lưu ý, hệ thống dân vận, hệ thống chính trị, các cơ quan Nhà nước tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với triển khai các phong trào thi đua, các cuộc vận động và nhiệm vụ chuyên môn của các ngành, địa phương. Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội hướng về cơ sở, sâu, sát địa bàn dân cư; kịp thời nắm tình hình Nhân dân, dân tộc, tôn giáo để tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo giải quyết những vấn đề phức tạp, phát sinh từ cơ sở; tăng cường công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước, nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ Nhân dân của cán bộ, đảng viên./.

Mộng Thường

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/chuyen-bien-tu-cong-tac-dan-van-a33744.html