Thoát nghèo, thành chủ xưởng may sau khi học nghề miễn phí

Được đào tạo nghề may miễn phí, chị H'Quỳnh, bon Đắk Sắk, xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) mạnh dạn vay vốn ngân hàng, mở xưởng may, đồng thời tạo việc làm cho 10 lao động địa phương.

Những ngày này, xưởng may của chị H’Quỳnh tại bon Đắk Sắk, xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil không khí rất khẩn trương và nhộn nhịp. 10 thợ may của xưởng làm việc hết công suất để bảo đảm đáp ứng nhu cầu của một doanh nghiệp chuyên cung cấp đồng phục tại TP. Hồ Chí Minh. Từ cắt, vắt sổ, may ráp đến hoàn thiện sản phẩm…, tất cả đều được phân công cụ thể cho từng thợ, tạo thành một dây chuyền sản xuất hiệu quả nhất.

Chị H'Quỳnh (người đứng), chủ xưởng may tại xã Đắk Sắk

Chị H'Quỳnh (người đứng), chủ xưởng may tại xã Đắk Sắk

Chị H’Quỳnh cho biết, trước đây gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã. Đã có thời điểm rơi vào cảnh chạy ăn từng bữa nên chị quyết tâm tìm cách thoát nghèo, để con cái có cuộc sống tốt hơn. Sau khi tìm hiểu nhiều công việc, chị H'Quỳnh lựa chọn đi học nghề may.

“Năm 2016, tôi có đi học nghề may tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp (GDTX-GDNN) huyện Đắk Mil. Đến năm 2018, tôi tiếp tục xuống TP. Hồ Chí Minh để học, nâng cao tay nghề. Cuối năm đó, tôi mở xưởng may. Công việc chủ yếu là nhận sửa chữa đồ, may trang phục từ thổ cẩm M’nông cho bà con trong vùng”, chị H’Quỳnh kể.

Theo chị H' Quỳnh, do thuộc diện hộ nghèo, lại là người dân tộc thiểu số nên chị được đào tạo nghề miễn phí. Sau khi tốt nghiệp, chị Quỳnh mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư máy may công nghiệp, nhận các đơn hàng từ Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai về may hoàn thiện.

3 năm sau đó, xưởng may phát triển, chị Quỳnh nhận 5 phụ nữ trong bon vào làm việc. Tuy nhiên, năm 2021, chịu tác động của dịch Covid-19, xưởng may của chị Quỳnh không có đơn hàng, từ đó ảnh hưởng tới hoạt động, thu nhập của nhiều người lao động trong xưởng.

Cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, chủ xưởng may 40 tuổi chia sẻ: “Xưởng hoạt động cầm chừng cho đến đầu năm 2023. Lúc này các hoạt động kinh tế trở lại bình thường, xưởng nhận được nhiều đơn hàng hơn. Cùng thời điểm, huyện Đắk Mil tổ chức các lớp dạy nghề may miễn phí cho người dân, xưởng của tôi được chọn làm nơi cho học viên thực tập. Sau đó, 10 học viên của lớp may công nghiệp đã đến xưởng của tôi làm việc cho đến ngày hôm nay”.

Xưởng may của chị H'Quỳnh hiện có 10 lao động, đều đã được đào tạo nghề may miễn phí

Xưởng may của chị H'Quỳnh hiện có 10 lao động, đều đã được đào tạo nghề may miễn phí

Chị H’Lên, bon Đắk Sắk chia sẻ: “Trước đây tôi chỉ đi làm rẫy, thu nhập không ổn định nên vẫn thuộc hộ nghèo của xã. Sau khi được học nghề, có việc làm tại xưởng may, mỗi tháng tôi có thu nhập khoảng 6,5- 7 triệu đồng. Hiện gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo và phấn đấu thoát nghèo trong năm nay”.

Theo chị H’Quỳnh, hiện nay xưởng may bảo đảm công việc thường xuyên cho 10 thợ may, thu nhập bình quân khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Người lao động có thu nhập cao nhất là 8,5 triệu đồng/tháng.

“Tất cả thợ may của xưởng đều là người M’nông ở bon Đắk Sắk, một số người thuộc diện hộ nghèo của xã. Thấu hiểu những khó khăn khi tôi đã từng là hộ nghèo nên tôi mong muốn sẽ giúp được chị em trong bon thoát nghèo. Trong thời gian tới, tôi rất mong muốn được các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất, tiếp nhận thêm nhiều lao động địa phương vào làm việc”, chị H’Quỳnh nói.

Các lao động đều có công việc và thu nhập ổn định sau khi được đào tạo nghề may và trở về làm việc tại xưởng may của chị H'Quỳnh

Các lao động đều có công việc và thu nhập ổn định sau khi được đào tạo nghề may và trở về làm việc tại xưởng may của chị H'Quỳnh

Theo ông Nguyễn Xuân Long, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đắk Mil, hai năm qua, đơn vị đã phối hợp với các địa phương, tiến hành khảo sát nhu cầu và xây dựng kế hoạch, mở các lớp đào tạo nghề may cho lao động nông thôn. Sau quá trình học, nhiều học viên đã tự tạo việc làm, tạo sản phẩm bán ra thị trường và vươn lên thoát nghèo.

Đánh giá về mô hình giúp nhiều học viên có việc làm của chị H’Quỳnh, ông Long cho biết: “Xưởng may của chị H’Quỳnh đã góp phần giải quyết việc làm, mang lại thu nhập cho nhiều lao động nông thôn. Đến thời điểm này, có thể đánh giá đây là mô hình hiệu quả sau khi được đào tạo nghề từ Chương trình phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện”.

Đặng Dương

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/thoat-ngheo-thanh-chu-xuong-may-sau-khi-hoc-nghe-mien-phi-228717.html