Chuyển biến từ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại huyện Vĩnh Lộc

Những năm qua, huyện Vĩnh Lộc đã ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị với hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân, tổ hợp tác, HTX với các doanh nghiệp thu mua, chế biến sản phẩm.

Mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu theo chuỗi giá trị của HTX dịch vụ và sản xuất rau an toàn Tùng Anh, xã Vĩnh Thịnh.

Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển nông nghiệp, UBND huyện Vĩnh Lộc đã chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động tham gia với vai trò là cầu nối để doanh nghiệp và bà con nông dân thực hiện liên kết, bao tiêu sản phẩm, nhằm bảo đảm lợi ích hài hòa cũng như quyền lợi chính đáng giữa doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra, huyện còn đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, như: Tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách, quỹ đất, miễn thuế năm đầu tiên... Nên việc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã có chuyển biến tích cực, nhiều mô hình thông qua hợp đồng liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân không những được duy trì mà còn nhân ra diện rộng. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Vĩnh Lộc, từ năm 2016 đến hết tháng 6-2019, tổng diện tích cây trồng tham gia liên kết bao tiêu sản phẩm trên địa bàn huyện đạt 2.493,55 ha. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, huyện đã có khoảng 620,4 ha cây trồng có liên kết với các doanh nghiệp thông qua ký kết hợp đồng cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm, tăng 190 ha so với cùng kỳ. Một số mô hình liên kết hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm ngô ngọt, đậu tương rau của HTX dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Vĩnh Quang với Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; mô hình liên kết sản xuất lúa giống của HTX DVNN Tân Phúc với Công ty CP Giống cây trồng Trung ương; mô hình liên kết và bao tiêu sản phẩm ớt xuất khẩu của các HTX DVNN Vĩnh Ninh, Vĩnh Hưng, Vĩnh Hùng với Công ty TNHH Tình Cầm... Bên cạnh đó, huyện còn chú trọng khuyến khích, phát triển nông nghiệp an toàn, nông nghiệp sạch với diện tích 23 ha rau quả an toàn, 27.000m2 rau quả an toàn trong nhà lưới và hình thành được 27 chuỗi cung ứng lúa, gạo, rau quả, thịt gia súc, gia cầm và thủy sản an toàn...

Ông Đỗ Xuân Hưởng, thôn Tân Phúc, cho biết: Từ khi HTX DVNN Tân Phúc thực hiện liên kết sản xuất lúa giống và lúa gạo thương phẩm, hiệu quả kinh tế từ trồng lúa tăng 15-20%. Người trồng lúa được doanh nghiệp liên kết, HTX tập huấn về kỹ thuật chăm sóc nên chất lượng, sản lượng tăng lên. Ngoài ra, vấn đề ổn định thị trường tiêu thụ chính là động lực lớn để người dân gắn bó với nông nghiệp, hướng tới sản xuất quy mô lớn.

Hiện nay, 15/15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc đều thực hiện liên kết sản xuất nông nghiệp. Qua đó, hiệu quả kinh tế đối với diện tích được liên kết cao hơn so với những cây trồng truyền thống. Tuy nhiên, đa phần các cây trồng thực hiện liên kết sản xuất hiện nay vẫn nhỏ, lẻ, chưa hình thành được vùng sản xuất tập trung, nên việc áp dụng cơ giới hóa và các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng của cây trồng chưa thực sự hiệu quả. Các doanh nghiệp đầu tư thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp chưa nhiều, quy mô đầu tư hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển nông nghiệp của huyện. Vì vậy, để tiếp tục đẩy mạnh việc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và bà con nông dân, cùng với việc tiếp tục thu hút doanh nghiệp, huyện sẽ chú trọng tích tụ ruộng đất, đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ canh tác cho lao động nông nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp mở rộng quy mô đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho các vùng sản xuất nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất.

Bài và ảnh: Thanh Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/chuyen-bien-tu-lien-ket-san-xuat-tieu-thu-san-pham-tai-huyen-vinh-loc/104268.htm