Chuyển biến từ phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa'
Trong những năm qua, phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' được triển khai sâu rộng trong toàn tỉnh và cụ thể hóa bằng nhiều nội dung, việc làm thiết thực. Qua đó, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc và tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng được quan tâm đẩy mạnh trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, ban chỉ đạo (BCĐ) phong trào các cấp thường xuyên được kiện toàn và chủ động xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch đề xuất các chủ trương, giải pháp nhằm huy động mọi nguồn lực, tập trung đẩy mạnh việc thực hiện nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Cơ quan Thường trực BCĐ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh đã chủ động triển khai lồng ghép các nội dung, chỉ tiêu phong trào trong thực hiện công tác chuyên môn; tham mưu triển khai xây dựng các kế hoạch thực hiện phong trào theo từng năm và các văn bản liên quan chỉ đạo, hướng dẫn BCĐ các huyện, thành phố triển khai thực hiện.
Cụ thể, 5 nội dung: đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa; thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật; xây dựng môi trường văn hóa; xây dựng chương trình nông thôn mới và xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; xây dựng tư tưởng chính trị lành mạnh và 7 phong trào cụ thể gồm: “Xây dựng gia đình văn hóa”; “Xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa”; “Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; học tập, lao động, sáng tạo; xây dựng “Người tốt việc tốt” các điển hình tiên tiến được BCĐ phong trào các cấp tăng cường triển khai sâu rộng.
Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 166.189/192.685 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa (đạt 86,2%, tăng 5,9% so với năm 2021); 1.420/1.676 thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa (đạt 84,7%, tăng 2,7% so với năm 2021); 108/200 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa (đạt tỷ lệ 54%, tăng 4% so với năm 2021); 1.664/1.676 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa (đạt 99,3%); tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới là: 85/181 xã…
Xây dựng và lan tỏa các điển hình tiên tiến
Trong thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, nhiều nơi đã có các cách làm hay, hiệu quả và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn. Đơn cử, huyện Lộc Bình là đơn vị điển hình có chuyển biến rõ nét trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Bà Hoàng Thị Thúy, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng BCĐ phong trào TDĐKXDĐSVH huyện Lộc Bình cho biết: Bên cạnh việc chỉ đạo phòng chuyên môn hướng dẫn sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước của các khu dân cư trên địa bàn quy định rõ nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, hằng năm, huyện lựa chọn các xã, thị trấn làm điểm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/HU, ngày 14/4/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, trong đó chú trọng vai trò nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, từng bước tạo chuyển biến trong toàn huyện.
Nếu như trước năm 2017, tại các xã, thị trấn của huyện Lộc Bình vẫn còn tồn tại những hủ tục rườm rà, lạc hậu như: để linh cữu người mất quá 48 giờ, làm hiếu riêng, đám cưới mời khách tràn lan… thì từ năm 2017 đến nay, tình trạng này đã giảm đáng kể. Năm 2022, toàn huyện có 453 đám tang, trong đó có 413 đám thực hiện tốt nếp sống văn minh chiếm tỷ lệ 91,2% (tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2021); 444 đám cưới, trong đó có 431/444 đám thực hiện tốt nếp sống văn minh, đạt tỷ lệ 97,1%.
Bên cạnh việc xây dựng nếp sống văn minh, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc cũng được chú trọng. Trong đó điển hình là việc phát huy vai trò của các hạt nhân tích cực và tiêu biểu trong phong trào, các hoạt động văn nghệ, thể thao quần chúng để hình thành các tổ, nhóm, câu lạc bộ; tổ chức truyền dạy văn hóa, văn nghệ dân gian. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 1.000 CLB văn hóa, văn nghệ, thể thao ở cơ sở; trung bình mỗi năm có khoảng 250 giải thể thao được cấp cơ sở tổ chức thu hút trên 9.000 người dân tham gia… giúp cho đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ngày một phong phú và lành mạnh. Hết năm 2022, toàn tỉnh có 30% dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên (tăng 4% so với năm 2021).
Sự tích cực của người dân trong thực hiện các nội dung, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” còn được thể hiện qua việc phát huy vai trò trong xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa trên địa bàn. Trong năm 2022 vừa qua, Nhân dân đã hiến trên 55.917m2 đất để làm đường và công trình công cộng, đóng góp 115.844 ngày công tham gia xây dựng nông thôn mới.
Với những nỗ lực trong thực hiện các phong trào thi đua, phấn đấu đạt nhiều thành tích trong công tác, học tập, lao động sáng tạo, năm 2022, toàn tỉnh có 17 tập thể, cá nhân được khen thưởng cấp Nhà nước; 1.862 tập thể, cá nhân được khen thưởng cấp tỉnh.
Có thể khẳng định, với chất lượng, hiệu quả không ngừng được nâng cao qua các nội dung cụ thể, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao nhận thức của người dân trong xây dựng lối sống văn hóa lành mạnh, văn minh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, tạo nền tảng để phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.