Chuyến bơi cuồng loạn vào đời

Trong 1.000 chú rùa đi xuống biển, chỉ có một sẽ lớn đến tuổi trưởng thành, 20 - 30 năm sau, để quay trở về bãi biển đẻ trứng, mặc nhiên biết nguồn cội nơi bé rùa khi lần đầu mở mắt ra đi vào biển lớn.

Rùa con nhỏ bằng bốn ngón tay quẫy đạp trong chiếc vỏ gáo dừa, rồi trồi lên nhìn về phía gió thổi đến mùi biển mặn. Rùa con có thể ngửi thấy mùi biển ngay khi vỏ trứng vỡ, biết đâu là hướng để ra đi. Những chiếc lồng ấp bằng rổ nhựa nằm trên mặt cát. Hố trứng sụt xuống nhẹ nhàng và tinh vi, tiết lộ sự sống mới bắt đầu từ bức tường cát đầu tiên trôi xuống nơi những sinh linh mới ra đời.

Những cô gái trẻ dậy từ năm giờ sáng, lang thang trên bãi biển, vun vào những đụn cát có bàn tay bí mật nào đó đào xới đêm qua ủn lên thành đụn lớn. Bàn tay bí mật của rùa mẹ. Các cô cắm trên mặt cát những cành cây nhỏ, hoặc tìm đâu ra gần đó trên bãi cát dạt vào vài sợi dây nylon đủ màu, túi nhựa rách hay sợi vải cũ, cột thành dây bay phất phơ, báo hiệu bên dưới là những ổ trứng rùa mới đẻ. Người dắt chó đi dạo không cho chó lại gần. Xe vượt địa hình không lái qua chỗ có cành cây đánh dấu.

Nhiều tuần qua, vài tháng trôi qua. Những đụn trứng rùa sắp đẻ được gom về bãi ấp ngay bên cạnh, nơi những tình nguyện viên ghé mắt nhìn ra, đón những chiếc vây tay bé xíu bới cát trồi lên. Rùa con mới nở phải được thả cho đi ra biển ngay khi có thể, khi trời chiều bớt những bóng chim săn mồi, qua giờ đi ăn của cá gần bờ, bớt xe du khách đi lại trên bãi biển.

Rùa con phải tự đi bộ ra biển, cuộc viễn du đầu tiên có thể kéo dài chỉ hơn 100m hoặc 300m, tùy địa hình bãi biển. Nhưng đó là chuyến đi định mệnh. Rùa con có thể bị du khách dẫm phải, bị xe máy cán, bị trẻ con nhặt lên quăng chơi, bị chim săn cá chộp và nhai giòn tan như bánh quy. Nhưng rùa con vẫn phải đi bộ hết chặng đường đó, bờ cát dài sẽ bám lên da thịt, nhắc nhở chúng về bãi biển, nơi sẽ quay về, bến đậu, nơi tạo sinh những thế hệ kế tiếp.

Rùa con phải đi để nhớ nơi về. Vết chân tí hon trên cát trở thành dấu vết vĩnh viễn ở lại với cơ thể chúng. Dù đại dương có mở ra vĩnh viễn, xa tận chân trời nơi vây tay sẽ bơi đến, một ngày rùa con lớn và trở về, đi bộ lên khỏi bãi biển dốc, vùi trứng xuống, bí mật rời đi, để lại lời cầu nguyện cho thiên nhiên sẽ tiếp tục cho phép những sinh linh mới mẻ ra đời, tiếp nối trong hành trình của những mai rùa bơi khắp đại dương.

Đoàn quân rùa con chậm rãi, hăng hái, ngửi mùi gió biển hăng vị muối và đi về phía sự tồn tại khổng lồ.

Đoàn quân rùa con chậm rãi, hăng hái, ngửi mùi gió biển hăng vị muối và đi về phía sự tồn tại khổng lồ.

Những thân rùa đi về phía biển làm người du khách đứng nhìn lặng người đi. Thân thể bé bằng vài ngón tay cong lên, rồi bị quăng ra bởi một quãng sóng dữ dội. Vài người rùng mình. Thân rùa vừa bị lật ngang đã tự trở mình lại. Chiếc đầu tí hon ngóc lên, vây tay vung lên, quơ lấy từng đợt nước dâng. Thân thể vượt qua khối nước đặc sôi sục bong bóng, lượn vào làn nước màu xanh, tự nhiên biết biển thuộc về cơ thể mình. Cứ vậy, đoàn quân rùa con chậm rãi, hăng hái, ngửi mùi gió biển hăng vị muối và đi về phía sự tồn tại khổng lồ. Một người đàn bà lớn tuổi chậm nước mắt, nói cảnh tượng giống như lúc bà phải chia tay cho con vào đại học, thả đứa bé nhỏ xíu của mình vào đại dương, không biết điều gì chờ đợi ngoài kia, và ai sẽ bảo vệ chúng khỏi những bất định ập tới như con sóng bất thần của biển.

Ở khúc này, tôi nhớ đến cảnh tôi năm sáu tuổi ngồi thổn thức trong lớp học đầu tiên. Khi nhìn ra cửa sổ, mẹ tôi đội mũ đứng giữa trời nắng vẫy tay. Mẹ ngấm ngầm trấn an rằng mẹ ở đây, ngay ngoài khung cửa, chờ tôi tan học về. Đó là nỗi sợ phải chia ly của đứa trẻ trong tôi hay đó là nỗi sợ của mẹ không dám rời mắt khỏi đứa con mình vừa thả vào cuộc sống? Đó là nỗi sợ phải lớn lên hay nỗi sợ của mẹ sẽ mất tôi vì cuộc đời sẽ giành lấy đứa trẻ bà sinh ra?

Trong những đêm rằm thủy triều dâng cao, rùa mẹ đã vào bờ, để lại hàng ổ trứng, và lặng lẽ rời đi. Không có cuộc bịn rịn nào. Chỉ có con người vô tình hay cố ý gây ra thêm nhiều cái chết rùa trên bãi biển, hoặc cố ý nâng đỡ một chuyến vào đời đầy kịch tính.

Chuyến ra đi của rùa biển hùng dũng vì sự sống phải bắt đầu như vậy. Sau sáu giờ trứng nở, nếu không được ra biển, rùa con sẽ yếu dần, sức bơi giảm, dễ chết hơn. Lúc đó, người thả rùa bỗng nhiên nhớ đến tỷ lệ sống sót 1/1.000 hay 1/10.000 mà họ đọc trong sách. Họ trở nên gấp gáp và sợ hãi. Họ xem đồng hồ liên tục. Họ nhìn khắp bầu trời xem có bóng chim lướt qua không. Họ bỗng thấy chính mình yếu ớt như những cái mai tí hon đang từ rổ ấp trồi lên, đếm từng giờ để biết có được sống tới tuổi trưởng thành không.

Cuộc bơi của rùa biển khi chạm mặt nước là cuộc đi bơi cuồng loạn. Rùa con phải bơi ra xa khỏi bờ nhất có thể bằng tất cả năng lượng mà trứng rùa để dành cho rùa con vào khoảnh khắc này, đến nơi cá săn mồi gần mặt nước giảm, cá săn mồi ở đáy cạn cũng bớt dần. Hai mươi bốn giờ trong đời của một thân rùa biển, cuộc bơi đua sống chết cùng hàng trăm anh chị em bơi bên cạnh, cuộc hành quân đi về phía cuộc đời trưởng thành mà (con người) kỳ vọng được gặp. Lại một so sánh cũ, người canh rùa đẻ nói rùa con là một khối protein đặc, vỏ giòn tan, mọi loài săn mồi đều thích. Cuộc đi bơi đầu tiên chính là hành trình đến sự sống, hoặc trở thành sự sống - làm thức ăn cho các loài săn mồi gần bờ.

Có lần tôi gặp rùa biển mai to, thân thể dài hơn cánh tay người. Ồ, đó là cuộc gặp với một chú rùa đã sống sót sau 45 ngày ngủ yên trong cát, sáu giờ nở trứng, 24 giờ bơi cuồng loạn, và hàng chục năm viễn du khắp đại dương. Trong cuộc gặp gỡ đó, tôi ngưng thở trong chiếc kính lặn gần bờ của mình. Tôi muốn nói: “Xin chào!” Hay nói gì khác? Tôi bối rối và không thể mở miệng (vì ống thở), và tim tôi cũng không biết nghĩ gì khi gặp sự sống sót kỳ diệu, khi gặp một kẻ đã đi qua ngàn vạn dặm biển đến buổi gặp gỡ. Tôi nên ca ngợi? Hay cảm mến? Kính trọng? Hay bàng hoàng? Tôi vẫy tay, vẫy cùng nhịp với cái vây tay đang đảo từng nhịp nước và bơi xa dần. Tôi chỉ là một trong hàng triệu triệu gặp gỡ chú rùa đã và sẽ thấy trong chuyến đi dài giữa biển nhiều chục năm. Kẻ viễn du không hứa hẹn mà chắc chắn sẽ quay về, một đêm trăng nào đó.

Ở nhiều bãi biển khắp thế giới, việc thu hoạch trứng rùa hoặc bắt rùa biển ăn thịt đã bị cấm. Nhiều giống rùa gần như biến mất vì con người tràn ra bãi biển và nghiền nát con đường ra khơi của rùa con, hoặc bẻ gãy quy trình sinh sản, ra khơi, bơi đi, trưởng thành. Có bãi biển được đổ bê tông đến sát mép nước để chống sạt lở (và xóa đi dấu vết của bãi đẻ trứng).

Cách dân địa phương đánh dấu các ổ trứng rùa đẻ trên cạn, để người tránh đi vào.

Cách dân địa phương đánh dấu các ổ trứng rùa đẻ trên cạn, để người tránh đi vào.

Có nơi, con người nhận ra họ có thể sống cạnh rùa biển, như ở Cabo Mexico. Tất cả resort biển có bãi rùa đẻ đều phải để trống bãi biển, không kê ghế hay xây công trình trồi lấn ra. Resort phải có nhân sự đánh dấu bãi trứng và canh chừng không cho du khách hoặc chó nuôi nhà đi đào trứng.

Ở những bãi biển hoang, người dân sống gần bãi có thể tình nguyện làm việc canh rùa đẻ, được phép nhận tiền hỗ trợ của du khách khi tổ chức thả rùa về biển đúng cách, chỉ là không được phép bán hàng hay bia rượu kiếm lợi nhuận trong các buổi thả rùa. Ngay cả những bãi biển hoang chỉ dành cho dân cắm trại, du khách cũng không được thả chó chạy đi đào trứng vào mùa rùa đẻ.

Ở những nơi khác như Indonesia, nơi nghề đánh cá là cách mưu sinh của hàng trăm triệu ngư dân ven bờ, họ không được phép bắt rùa biển và các loài bị đe dọa. Tiền phạt thường nặng hoặc hình sự hóa nếu là sinh vật hiếm. Ở làng đánh cá tại Java nơi tôi ở, có những chiều lưới đánh cá kéo vào hai chú rùa to, ngư dân tháo lưới cho rùa ra rồi thả trở về mặt nước.

Những mai rùa bé con lăn nhiều vòng qua triền cát, theo đợt sóng kéo lùi ra khơi. Cát biển cũng là những hạt rất to so với bàn tay vây bé xíu. Những đứa trẻ theo mẹ đi thả rùa quỳ xuống vỗ tay phấn khích, cổ vũ cho chú rùa vừa thả đi nhanh hơn. Vậy là cuộc sống bắt đầu với những lệ thường ai cũng biết, hoặc đứa bé/con rùa sẽ cùng bước vào vạch xuất phát và khởi hành cuộc đua số mệnh vào đời, một định mệnh không ai làm khác đi được. Hoặc có những đứa bé ré lên khóc vì sinh vật bé nhỏ vừa chạm mặt đã ra đi không câu tạm biệt nào. Rùa con chần chừ đứng ở vạch xuất phát, cố gắng ngửi thấy mùi gió từ xa, lẳng lặng bước đi theo hướng không ai ngờ.

Tất cả sẽ đi về phía mẹ biển. Chúng ta là bước nào trong sự tồn tại này của chính mình và những sinh vật khác mình? Ta có cần cuộc bơi cuồng loạn để sống sót không? Bàn tay ta có đủ mạnh mẽ để nâng đỡ những sự tồn tại khác bên cạnh mình không? Ta có đủ can đảm để đưa tay thả tình yêu vào đời, như cách rùa mẹ rời đi giữa đêm trăng, để lại hàng trăm quả trứng, tạo ra sự sống và không hứa hẹn gì?

Ta có bao giờ gặp lại chú rùa đã bơi qua mình, trong một mùa đại dương rực rỡ?

Bài và ảnh: Khải Đơn

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/chuyen-boi-cuong-loan-vao-doi-46331.html