Chuyện buồn ở tuyến dân cư vượt lũ
Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL hướng tới mục đích lớn nhất là bố trí được chỗ ở an toàn cho các hộ dân trong khu vực ngập lũ và sạt lở nguy hiểm, Thế nhưng ở một số cụm tuyến dân cư những năm qua tồn tại nhiều vấn đề bất cập.
Cơn mưa tháng 8 vẫn rả rích giữa trưa, khi lất phất nhưng thỉnh thoảng lại ào ào nặng hạt khiến những lối đi trong khu dân cư vượt lũ ở thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang càng thêm vắng vẻ. Bên trong căn nhà nhỏ diện tích chừng 32m2, chị Kiều Hồng Liên cũng nghẹn ngào: "Cuộc sống của em rất là khó khăn. Em được nhà ở nhà nước cấp cho em, em rất là mừng luôn, em vừa đi em vừa mừng, vừa khóc luôn tại vì em đâu có nhà ở, nhỏ lớn, giờ đâu có nhà đâu. Ở với cậu, ngoại khổ lắm cho nên là chính quyền địa phương mới cấp cho em. Em chỉ mong Nhà nước xem xét cấp lại cho em thôi chứ em không có đòi hỏi gì hết trơn á. Lúc nào em cũng bức xúc tại vì em có chỗ ở duy nhất thôi chứ không có chỗ ở nào khác, cha mẹ mất hết rồi, không có nương tựa được vào ai".
Chị Liên là công nhân, còn chồng chị làm hồ. Cả 2 vợ chồng đều chăm chỉ làm thuê, làm mướn quanh năm vừa để trang trải cuộc sống, xoay sở chuyện học hành cho đứa con lớn năm nay 16 tuổi và cũng vừa lo điều trị cho đứa con nhỏ 4 tuổi bị dị tật hở hàm ếch.
Nặng gánh mưu sinh, điều an ủi nhất của chị Liên là cả gia đình có được căn nhà nhỏ để che nắng, che mưa. Thế nhưng bao năm nay chị vẫn sống trong cảnh thấp thỏm khi địa phương đã xét duyệt chị là 1 trong 156 hộ được mua trả chậm nền nhà ở trong Khu dân cư vượt lũ xã Phú Hữu A theo diện hộ nghèo, hộ chính sách của Huyện từ năm 2005, nhưng sau đó lại có quyết định thu hồi với lý do xét chọn đối tượng không đúng quy định.
Đưa tay lau vội những giọt nước mắt trên khuôn mặt tảo tần cùng sắp giấy tờ chứng minh hoàn cảnh gia đình, chị Liên trải lòng: "Cấp hồi năm 2005, 2006, 2007 là người ta đã ở rồi. Hồi đó cũng đâu có tiền đâu, cất để nhà lợp lá lợp cây không à chứ không có được lợp tôn nữa, cất được cái nhà rồi có nhiêu tiền mình tu bổ vào từ từ. Rồi năm 2008 là mới quyết định thu hồi nhưng mà vẫn ở. Có quyết định thu hồi sai đối tượng, thu hồi đó bán đấu giá mà đâu có tiền đâu mà mua lại.
Gia đình em chính sách nè, đủ hết nè, liệt sĩ hết trơn luôn đó, không đất đai, ở đậu mé sông người ta luôn đó, mà không biết cấp sai đối tượng, nghĩ sao mà hoàn cảnh của em vậy mà sai đối tượng. Dân chúng người ta cũng ở bình thường, mỗi lần đi lên huyện hỏi cái là nói nhà chị hộ gốc mà, chị cứ ở yên tâm đi, có gì đâu mà sợ".
Cách nhà chị Liên chừng 200m, bà Thái Bạch Như (57 tuổi) cũng thuộc diện nhà bị thu hồi theo quyết định của địa phương. Tận dụng vị trí nhà ngay góc đường xe cộ thường xuyên qua lại, bà Như bày vài chiếc bàn, ghế tạm xem như quán cà phê để kiếm đồng ra đồng vào. Bà Như cho biết, năm 2008, UBND huyện Châu Thành đã ban hành quyết định về việc thu hồi nền nhà, nhà ở. Điều kỳ lạ là sau đó không thấy UBND thi hành quyết định này. Do đó, bà con nơi đây tiếp tục sinh sống, tích góp sửa sang nhà cửa.
Hơn chục năm trôi qua, đến tháng 12/2022, UBND Huyện lại tiếp tục ra thông báo về việc thu hồi và triển khai thực hiện các bước để tổ chức bán đấu giá các nền đất cấp sai đối tượng. Trước thông báo này, bà Như và hàng chục nhà khác trong diện bị thu hồi đứng ngồi không yên vì với tình hình hiện tại, người dân không đủ điều kiện tham gia đấu giá để giữ lại căn nhà; còn nếu nhận hỗ trợ 300 triệu đồng như địa phương thông tin thì bà con cũng không thể mua được nhà khác.
Bà Như bày tỏ: "Nếu mà đền bù 300 triệu cô không đồng ý, tại vì 300 triệu ra thì cô cũng không mua cái gì được, không mua đất được mà không có nhà được. Cô chỉ yêu cầu là giữ lại cái nhà cũ thôi, không mong muốn gì hơn. Nghe nói cái gì thu hồi là người nào cũng mất ăn, mất ngủ, lo lắng là sợ mất nhà, không có chỗ ở".
Tại cuộc họp được tổ chức vào tháng 07/2023, địa phương đã tiếp nhận ý kiến người dân; đồng thời thông tin trong số các hộ thuộc diện bị thu hồi có nhiều trường hợp hiện không ở trong khu dân cư, thay vào đó nhà họ đã cho thuê hoặc đã bán, chuyển nhượng cho người khác. Nói về nguyên nhân sang bán, chị Nguyễn Thị Nở- người dân địa phương cho hay: "Hồi xưa cấp cho người nghèo mà người ta không có tiền sửa, hoàn cảnh khó khăn quá nên người ta bán cho người khác. Sau này người ta xét lại nhà hộ đó đã bị thu hồi, người mua lại bị thiệt hại, người ta đâu có biết gì đâu. Mà thật sự người được cấp họ nghèo thật, họ không có tiền trả cho nhà nước, tới thời hạn trả 7 triệu đó. Vậy nên bắt buộc họ phải bán để xuất ra 7 triệu đó trả cho nhà nước rồi sau này cũng trả 10 triệu cho nhà nước. Hộ mua lại người ta rất hẹp vì họ cũng nghèo mà họ đâu biết gì đâu".
Mất ăn mất ngủ vì tiền thì đã trả xong nhưng nhà lại có thông báo thu hồi. Đó là tâm trạng của chị Nguyễn Ngọc Hằng trong nhiều tháng nay. Điều kiện kinh tế khó khăn nên khi nghe nền nhà trong khu dân cư vượt lũ được bán với giá 65 triệu đồng, năm 2008, chị đã mang số tiền bao năm dành dụm được để mua nhà với mong ước đơn giản là có chỗ che nắng che mưa: "Chị không có chỗ ở rồi chị mới mua lại, chị mua năm hay 2008 rồi tới 2009 chị mới cất. Bán lại là 75 triệu nhưng mà chị trả tiền mặt là 65 triệu tại còn 10 triệu là để trả tiền nhà đất mua. Cái hộ gốc là hộ nghèo được cấp nhà. Hiện bây giờ bà cũng vẫn còn nghèo nhưng mà cấp cho bả rồi bả không có tiền để tu sửa nhà, rồi bả bán cho ông Ba Vinh kia rồi ông Ba Vinh kia mới bán cho chị. Năm 2008, người ta đã nói thu hồi nhưng mà trong nội bộ người ta biết thôi chứ ngoài dân, mình là dân đâu có biết đâu có nghe biết gì đâu, rồi mình mua rồi giờ nói thu hồi".
Khi được hỏi về việc sẽ làm gì tiếp theo khi địa phương thông báo thu hồi nền nhà ở, chị Hằng chỉ biết thở dài vì giấy tờ chị có trong tay lúc này chỉ là tờ thỏa thuận viết tay. Dù đã liên hệ với người ban đầu được cấp nền trong khu dân cư này để tìm hướng giải quyết nhưng cũng không làm được gì khác hơn.
Theo tìm hiểu của VOV Giao thông, câu chuyện tự ý sang, nhượng nhà trong khu dân cư vượt lũ không chỉ diễn ra ở nơi này mà nhiều khu khác cũng diễn ra tình trạng tương tự. Người dân cho biết, khi được di dời vào khu dân cư, họ không có điện, không có nước, không có điều kiện tu sửa, hoàn thiện căn nhà nên không còn cách nào khác phải buộc lòng bán cho người khác.
Còn ở góc độ chính quyền địa phương, khi đã xảy ra việc sang bán hay chuyển nhượng nhà ở không đúng quy định nghĩa là người dân không có nhu cầu, khi ấy địa phương sẽ phải thu hồi và có phương án xử lý phù hợp. Riêng các cán bộ liên quan đến việc xét, cấp sai đối tượng trước đây, chủ tịch UBND huyện Châu Thành- Nguyễn Hoàng Anh cho biết, địa phương đã có hình thức xử lý theo quy định.
Rời khu dân cư vượt lũ thị trấn Mái Dầm, mang theo tâm tư của bà con, lòng chúng tôi nặng trĩu như cơn mưa nặng hạt vừa “ghé” qua nơi này. Bởi dẫu đúng hay sai đối tượng được cấp nhà theo quy định thì thực tế là người dân nơi đây đều rất khó khăn. Mong rằng các cấp ngành, địa phương sẽ phương án hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân có thể an cư, lạc nghiệp.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/chuyen-buon-o-tuyen-dan-cu-vuot-lu-post1045040.vov