Chuyện buồn trên sườn núi Đắk Nên
Hơn 1.000 người dân muốn được an cư lạc nghiệp nhưng bởi cư ngụ ở vùng 'không ở đâu cả' nên đến bây giờ vẫn chưa biết thuộc về nơi nào. Họ sống mà vẫn như chưa được thừa nhận chỉ bởi vì đó là vùng chồng lấn địa giới hành chính giữa 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.
“6 không” ở làng “ốc đảo”
Cả vùng đồi núi rộng và rợp bóng cây xanh, xen lẫn những thung lũng mươn mướt lúa và cây trái là nơi sinh tụ của 238 hộ, hơn 1.034 nhân khẩu của xã Trà Vinh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Nhưng oái oăm thay, cả làng này lại sinh sống trên địa giới xã Đắk Nên (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum). Chuyện tưởng chừng như vô lý, nhưng lại có thật và đang diễn ra. Đó là chuyện người dân nghèo khó nơi đây đang sinh tồn trên vùng đất của tỉnh này nhưng lại là “công dân” của tỉnh kia, nên hàng nghìn người dân thôn 3 (xã Đắk Nên) này vẫn còn là vùng trũng, chưa có sự đầu tư về hạ tầng.
Hiện tại, khu vực này như một “ốc đảo” với rất nhiều cái không như: Không điện, không đường, không trường, không trạm, không chợ và ngay cả sóng điện thoại vẫn chưa được phủ. Phần lớn các hộ dân vẫn ở cheo leo trên khu vực đồi núi cao, thiếu việc thụ hưởng các chính sách của Nhà nước và hơn 70% dân số vẫn hộ nghèo. Ngôi làng này bao nhiêu năm qua, biệt lập như một ốc đảo giữa đại ngàn, cách biệt với thế giới bên ngoài, ngăn cách bởi con suối Nước Meo cùng chiếc cầu treo rộng hơn 1m cũ kỹ qua năm tháng.
Đêm ở làng vắng hiu và lạnh lẽo, chỉ có tiếng kêu của côn trùng và tiếng gầm gào của gió núi, không một bóng người qua lại. Bên bếp lửa, già làng Nguyễn Xuân Bốn (64 tuổi) người Ca Dong, đốt một điếu thuốc, rót rượu vào chai tỉ mẩn nói: “Mọi bữa, khi con gà vừa vào chuồng là mọi người đã đóng cửa ngủ, nhưng hôm nay có khách nên cả làng mới thức khuya như vậy!”, ông nói rồi thủng thẳng ngồi và khuôn mặt như vẻ tự hào, mặc dù lúc đó mới 8 giờ tối.
Không có đường ô tô, thôn 3 này cũng không có điện, chuyện xem tivi, đọc báo, hay nhìn thấy ánh đèn điện đều là những thứ xa lạ. Tin tức hằng ngày, bà con đều mù tịt. Chiếc đèn dầu trở thành vật dụng không thể thiếu trong mỗi nhà. May mắn thay, Tết Nguyên đán vừa qua, lãnh đạo huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đã lên thăm và tặng 40 bộ đèn năng lượng mặt trời để hỗ trợ ánh sáng cho người dân. Buổi tối, ánh sáng phát ra từ chiếc đèn năng lượng mặt trời đã ám khói, khiến ánh sáng chiếu xuống mờ ảo như đang ở giữa miền hư ảo. Chỉ có tiếng người rì rầm, tiếng vỗ muỗi đen đét, và tiếng trẻ con thở trong giấc ngủ nặng nhọc. Người Ca Dong nơi này vốn thế, người vùng cao vốn thế, cứ trầm hùng và khoáng đạt như gió đại ngàn vậy. “Thấy thôn mình khó khăn chưa?”. Rồi không đợi chúng tôi trả lời, ông Bốn nói luôn: “Thôn mình còn nghèo lắm. Điện, đường, nước, trạm... chi cũng không có hết… Bà con khổ quá “anh báo” ơi!”
Nhẩm tính hoài trên đầu ngón tay, cả thôn chỉ vài chiếc xe máy thuộc diện… “cà tàng” để vượt rừng vận chuyển nông sản. Mà nông sản nơi đây chỉ là lúa rẫy, khoai sắn hay bắp. Mỗi lần cần bán, họ lại chạy xe máy vượt núi vượt rừng và con đường lổn nhổn đá sỏi hơn 10km mới ra trung tâm xã Trà Vinh, hay xuống chợ ở Trà Mai cách hàng chục km. Đi về cũng mất cả ngày trời. Thế nên, mọi thứ nơi này gần như đều tự cấp tự túc. Con heo con gà nuôi được cũng không bán mà chỉ để thịt ngày lễ tết, cái gùi lúa gùi bắp cũng để ăn. Nước thì dùng nước suối kéo về cách làng gần 5km. Thi thoảng họ mới ra khỏi thôn để mua những vật dụng cần thiết như mắm muối, thuốc,...
Ở đây họ chỉ trồng mỗi lúa trỉa, sắn mì, ngô nếp theo lối tự cung tự cấp. Vì đường sá đi lại khó khăn, nên nông sản làm ra như chuối, sắn, ngô… bà con đều để ăn dần. Nhà nào kha khá có chiếc xe thì đỡ phần nào trong việc vận chuyển. Còn không thì mất cả một buổi lội khe, vượt núi đi và về. Một số người trồng quế, họa hoằn lắm mới có thể bán cho thương lái với giá khá rẻ, mà phải mang ra tận xã mới có thể bán được. Tiền ấy, họ dùng mua đủ thứ cho gia đình. Không đường, nên không điện, không nước sạch, không được theo dõi thông tin kịp thời, cũng không có cả chuyện chăm sóc sức khỏe và vấn đề y tế thì cũng bằng không.
Như lời người trong thôn tự nhủ, thì nơi này còn lạc hậu lắm so với sự tiến bộ của văn minh bên ngoài. Người dân chỉ biết tự cung tự cấp, lúa được trỉa trên sườn núi. Mất mùa thì chỉ ăn có mỗi sắn với rau rừng mà thôi. Cả bản nhà nào cũng nghèo và đông con. Theo thống kê nhân khẩu của xã, thì xã Trà Vinh có gần 500 hộ dân, với hơn 2.000 nhân khẩu sinh sống ổn định từ bao đời nay. Riêng thôn 3, xã Trà Vinh có 238 hộ, đa số là người Ca Dong, với 1.034 nhân khẩu, chiếm hơn 50% dân số của xã. Ngôi làng ấy bao năm rồi vẫn những trăn trở như cũ, vẫn không điện, không đường, không phát triển được kinh tế. Người dân thì vẫn cứ nghèo, nghèo mãi mà chẳng dám mơ ước điều gì xa xôi ngoài việc đủ ăn trong hai mùa giáp hạt.
Nhiều người già trong thôn cả cuộc đời gắn bó với ngôi làng nằm giữa đại ngàn hun hút gió này, bao nhiêu lần mặt trời lặn mọc, họ đã chứng kiến được hết cuộc sống khó khăn của người dân ở nơi này. Nhiều người, cả cuộc đời chỉ mong mỏi có con đường để bà con thoát được cái khó, cái nghèo, con cháu trong này được ra bên ngoài học hỏi kinh nghiệm, kiến thức để về xây dựng quê hương. Trong hơi gió thoảng đêm vùng cao, tôi nghe thấy tiếng thở dài trăn trở của già làng: “Để người Ca Dong nơi đây bớt khổ, thì mong có một con đường dẫn lên tới đây. Khi nào người Ca Dong nơi này được nghe tiếng còi ô tô, có lẽ lúc ấy mới khá hơn được! Không có đường thì ở đây vẫn rứa. Chỉ khi có đường thì cái chi cũng có, thôn sẽ phát triển thôi!” Già làng thở than như héo hắt cả không gian đậm đặc buồn của đại ngàn thăm thẳm. Nhiều người cũng gật gù đồng tình, rằng “Không có đường nên không làm chi được!”.
Người làng và những người khách lạ ngồi xung quanh bếp lửa, nghe đêm mệt mỏi trở mình mà chao chát. Trẻ con nơi này sinh ra 4 tuổi đã biết cầm dao theo cha vào rừng lấy củi, lội suối mò ốc, bắt cá. Họ mong được đổi thay, được các cấp chính quyền quan tâm nhiều hơn nữa về nhu cầu điện, đường, trường, trạm để đảm bảo cuộc sống của mình. Nhưng, sự chồng lấn về địa giới hành chính đá khiến niềm mơ ước này gặp nhiều khốn khó.
Dùng dằng đi - ở
Theo thống kê, tổng diện tích khu vực chồng lấn nơi đây là gần 6.200 ha đất tự nhiên, với chiều dài toàn tuyến vướng mắc trên 10 km. Một bên quản lý người dân và một bên quản lý đất đai, nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng ở khu vực này còn vướng mắc và còn bỏ ngỏ nhiều vấn đền kinh tế dân sinh khiến người dân phải chịu nhiều thiệt thòi. Chính quyền huyện Nam Trà My (Quảng Nam) vẫn có những ưu đãi cho người dân nơi này, nhưng chừng đó là chưa đủ để người dân thoát nghèo. Cả ngàn người dân ở nơi này mong ngóng nhiều năm, hy vọng ở các cấp chính quyền sở tại và cả các cấp cao hơn. Nhưng mọi chuyện vẫn chưa thể ngã ngũ bởi vướng mắc rất nhiều vấn đề về sinh kế, địa giới, văn hóa, phong tục, và cả những vấn đề về giấy tờ.
Từ năm 2008 đến nay, hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã tổ chức nhiều cuộc họp nhưng chưa thể thống nhất phương án giải quyết. Vấn đề này cũng đã được báo cáo Bộ Nội vụ nhiều lần. Ngày 18-8-2022 vừa qua, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã tổ chức cuộc họp với UBND tỉnh Quảng Nam về việc vướng phân chia địa giới hành chính giữa hai tỉnh xảy ra tại xã Đắk Nên, huyện Kon Plông kéo dài nhiều năm nay, nhưng lại vẫn chưa đưa ra được kết luận cuối cùng. Phía Quảng Nam muốn đưa người dân về tỉnh mình, bởi nơi đây người dân có hộ khẩu của tỉnh, đồng thời muốn “nhận” luôn khoảng 3.000 ha đất khu vực người dân đang sinh sống thuộc địa phận xã Đắk Nên (Kon Tum) về xã Trà Vinh (Quảng Nam). Nhưng, phía Kon Tum lại không đồng tình. Bởi theo Chỉ thị 364, địa giới hành chính đã được xác định năm 1991 rồi nên không thể chuyển. Mặt khác khu đất này vẫn có dân của xã Đắk Nên đang canh tác, đất này cũng là khu đất rất bằng phẳng, màu mỡ của xã. Thêm nữa, chính quyền địa phương lại lo lắng rằng nếu giao người dân và 3.000 ha đất cho Quảng Nam thì xã Đắk Nên không đủ kiều kiện để giữ đơn vị hành chính là xã mà phải sát nhập vào địa phương khác. Tỉnh Kon Tum nêu giải pháp, rằng nếu người dân thôn 3 xã Trà Vinh đồng ý về xã Đắk Nên (Kon Tum) thì tỉnh này sẽ sẵn sàng đón nhận, tạo điều kiện xây dựng hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế.
Bộ Nội vụ trước vấn đề này trong thời gian qua đã có 4 văn bản hướng dẫn UBND hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum phối hợp giải quyết, nhưng một bên muốn giữ dân và nhận thêm đất, một bên lại muốn giữ đất và… nhận thêm dân! Sự việc vẫn chưa có hồi kết khiến hơn 1.000 nhân khẩu tại thôn 3 vẫn sống khốn khổ, thiếu đầu tư hạ tầng và các chính sách của Nhà nước.
Cũng chính vì chuyện “người tỉnh này ở trên đất tỉnh kia” đã khiến ngôi làng nhỏ bé heo hút và tách biệt này đã nghèo càng thêm nghèo khó. Sự nghèo đói ở đây cứ thế bao bọc, phủ trùm lên những con người như không còn lối thoát. Từ ngày làng định cư tại đây, dẫu cán bộ địa phương đã tích cực cùng dân làng đi rẫy, vận động tuyên truyền người dân những chính sách của Đảng và Nhà nước, khám chữa bệnh cho người dân… nhưng có lẽ để giúp dân làng ổn định cuộc sống hiện nay, để thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy, cần phải có một cơ chế nhất quán về quản lý và đầu tư mới mong có hiệu quả.
Ông Trần Thanh Minh - chủ tịch UBND xã Đắk Nên (Kon Tum) cũng ái ngại cho biết: “Người dân ở nơi này hiện tại còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong số các thôn của xã Đắk Nên, khó khăn nhất vẫn là thôn 3 này. Xã cũng đã kiến nghị với Nhà nước giúp đỡ thêm thôn 3 về đường sá, điện thắp sáng vào thôn nhưng lại vướng nhiều vấn đề về chồng lấn địa giới, hộ khẩu nhân khẩu nên đành phải chờ mà chưa biết tới khi nào!”
Chúng tôi rời làng trong một buổi sáng lạnh mù sương, chặng đường về cũng đầy chông gai như lúc đến bởi không có đường lớn. Con đường lởm chởm bùn và đá, với vách núi dựng đứng và nhiều chỗ đường sình lầy, sạt lở phải xuống xe để đi bộ mới có thể qua được. Những khó khăn của làng nhiều không như ốc đảo giữa đại ngàn này mong rằng sẽ không còn nữa, khi hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum tìm được tiếng nói chung. Chắc rằng đến một ngày nào đó gần đây thôi, cuộc sống của làng sẽ đổi khác, chất lượng cuộc sống sẽ được cải thiện hơn để người làng được hòa nhập với sự thay đổi của cuộc sống mới.
Cho đến tận lúc chia tay, chúng tôi vẫn không khỏi băn khoăn khi nghĩ về điều già làng nói. Nếu được đầu tư một con đường lên đây thì người làng mới hết khổ được. Tiễn chúng tôi ra đầu con nước của làng, nhiều người vẫy tay cất tiếng dặn dò bằng tiếng địa phương: “Nhớ quay lại với người Ca Dong nhé”, mà thấy ngậm ngùi…
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/chuyen-buon-tren-suon-nui-dak-nen-i667295/