Chuyện cá nhân và những điều tuyệt đối không đề cập khi phỏng vấn
Đề cập đến kỳ nghỉ phép đã lên kế hoạch, thử thách trong công việc cũ có thể khiến nhà tuyển dụng lo ngại về khả năng cam kết và đóng góp lâu dài của bạn cho công ty.
Bonnie Dilber là trưởng nhóm tuyển dụng tại Zapier, một công ty cung cấp nền tảng tự động hóa quy trình làm việc. Với gần 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyển dụng, Dilber đã phỏng vấn ứng viên cho các tổ chức giáo dục, phi lợi nhuận và công ty công nghệ.
Lời khuyên của cô dành cho các ứng viên là hãy luôn thận trọng về những thông tin chia sẻ trong buổi phỏng vấn. Tương tự bất kỳ cuộc trò chuyện nào khác, bạn cần cân nhắc điều gì quan trọng với người đối diện và thông tin nào sẽ liên quan hoặc thuyết phục họ nhất.
"Tuy nhiên, có một số điều bạn tuyệt đối không nên nói", Bonnie Dilber viết trên Business Insider.
Khó khăn trong công việc cũ
Trong buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng tìm kiếm một người khiến họ tin tưởng rằng ứng viên có thể mang lại thành quả tốt cho công ty.
Khi bạn chia sẻ về những thách thức ở các công việc trước đây hoặc khó khăn trong quá trình tìm kiếm việc làm, nhà tuyển dụng có thể mất tập trung và nghi ngờ năng lực của bạn. Điều này thậm chí có thể khiến họ nghĩ rằng bạn chính là vấn đề. Nhà tuyển dụng có thể tự hỏi:
Ứng viên này gặp khó khăn trong tìm việc là do thị trường hay các công ty khác nhận thấy điều gì đó đáng ngại?
Quản lý trước đây của họ thực sự khó làm việc, hay chính họ là người khó tính?
Môi trường làm việc trước đó thật sự độc hại hoặc áp lực cao, hay do năng suất của họ không tốt?
Theo Dilber, bạn không cần thiết đề cập đến việc bị sa thải hoặc rời đi trong những tình huống tiêu cực. Thay vì chia sẻ những điều tồi tệ diễn ra trong quá khứ, bạn hãy tập trung vào những điều khiến bạn hào hứng với tương lai. Dưới đây là một số điều bạn có thể đề cập:
"Tôi đang tìm kiếm một cơ hội phù hợp và tôi thực sự thấy vị trí này đáp ứng được điều đó. Trong vài năm qua, tôi đã lên kế hoạch cho hơn 30 sự kiện, và tôi tin điều này sẽ là điểm mạnh của mình".
"Tôi rất muốn được làm việc dưới sự dẫn dắt của một người quản lý mà tôi có thể học hỏi. Nhìn vào một số sáng kiến của anh/chị, tôi biết mình có thể đóng góp giá trị và tiếp tục phát triển ở vị trí này dưới sự lãnh đạo của anh/chị".
"Một điều khiến tôi ấn tượng khi đọc các đánh giá về môi trường làm việc tại đây là sự tin tưởng và tự chủ. Tôi đã từng làm việc trong một số môi trường khá cứng nhắc - tôi nghĩ điều này sẽ cho phép tôi phát huy hết khả năng sáng tạo và tư duy chiến lược của mình".
Tiết lộ chuyện cá nhân
Theo luật, nhà tuyển dụng không được phép phân biệt đối xử với những ứng viên đang mang thai hoặc cần hỗ trợ đặc biệt. Tuy nhiên, rất khó để chứng minh rằng đây là lý do khiến một ứng viên không được nhận việc. Thậm chí, nhà tuyển dụng có thể không nhận ra họ đang phân biệt đối xử do những định kiến tiềm ẩn.
Mặc dù nhà tuyển dụng không được phép hỏi và bạn cũng không có nghĩa vụ tiết lộ những thông tin này trong buổi phỏng vấn, nhưng việc đề cập đến chúng sớm có thể ảnh hưởng đến cơ hội của bạn.
Ví dụ, nếu bạn là một trong 5 ứng viên tiềm năng, nhưng bạn lại đề cập đến việc nghỉ phép chăm con, nhu cầu hỗ trợ y tế hoặc kế hoạch nghỉ dưỡng ngay từ đầu, nhà tuyển dụng có thể ưu tiên những ứng viên khác.
Ở giai đoạn này, họ chưa thực sự "đầu tư" vào bạn để thảo luận về các điều kiện hỗ trợ đặc biệt.
Ngược lại, nếu bạn đề cập đến các vấn đề này ở giai đoạn sau, chẳng hạn như khi nhận việc, nhóm tuyển dụng có thể sẽ hào hứng hơn để tìm các giải pháp cho bạn.
Bằng cách thể hiện sự chuyên nghiệp, tập trung vào năng lực và đam mê với công việc, bạn có thể tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng và gia tăng cơ hội thành công, đồng thời bảo vệ quyền lợi cá nhân của mình.
Nhắc chuyện lương thưởng quá nhiều
Các công ty cung cấp mức lương và đãi ngộ hấp dẫn là vì họ muốn thu hút những nhân tài xuất sắc. Tuy nhiên, họ muốn tuyển dụng những người đam mê công việc và tạo ra giá trị cho công ty.
Nhiệm vụ của bạn không phải thuyết phục họ là một nhà tuyển dụng tuyệt vời, mà là thuyết phục họ rằng bạn có thể mang lại những thành quả tốt.
Vì vậy, hãy tập trung vào những gì bạn có thể cống hiến thay vì những gì bạn có thể nhận được. Dilber gợi ý bạn câu trả lời khi nhận được những câu hỏi sau:
Tại sao bạn muốn công việc này?: Hãy nói về lý do bạn muốn vị trí này và sản phẩm/dịch vụ của công ty, thay vì nói rằng mức lương hấp dẫn khiến bạn quan tâm.
Điều gì khiến bạn phù hợp với vị trí này?: Hãy nêu bật các kỹ năng của bạn phù hợp với vai trò và cách chúng có thể tạo ra tác động, thay vì mong muốn làm việc từ xa.
Điều gì khiến bạn hào hứng nhất về cơ hội này?: Hãy thảo luận về một sáng kiến hoặc dòng công việc cụ thể khiến bạn hứng thú, thay vì nói rằng bạn thực sự muốn một văn hóa linh hoạt hơn.
Trong thị trường việc làm cạnh tranh, nhà tuyển dụng có nhiều ứng viên tài năng để lựa chọn. Họ muốn tuyển dụng những người có rủi ro thấp và mang lại lợi ích cao.
Bạn càng thể hiện được tác động của mình và giảm thiểu những lo ngại về khả năng đóng góp của mình, cơ hội được nhận việc của bạn càng cao.