'Chuyện các bà vợ già'

Cuốn tiểu thuyết 'Chuyện các bà vợ già' của Arnold Bennet đưa độc giả vào thế giới của những chi tiết bình dị nhưng sâu sắc, phản ánh số phận con người trước những biến cố lớn của lịch sử.

Cuốn sách Chuyện các bà vợ già (do NXB Thanh Niên và FORMApubli phát hành) kể về hai chị em Sophia và Constance Baines, những người phụ nữ sống trong bối cảnh của thế kỷ XIX khi phải đối mặt với nhiều biến động lịch sử.

Constance lựa chọn gắn bó với gia đình và cửa hàng vải nhỏ bé ở thị trấn Bursley; trong khi em gái Sophia chạy trốn khỏi cuộc sống bình lặng để đến Paris (Pháp). Tuy vậy, dù rời khỏi thị trấn nhỏ và đối mặt với những sự kiện lớn như cuộc bao vây Paris thì đường đời của Sophia dường như không thay đổi nhiều so với chị gái.

Tác giả Arnold Bennett nổi tiếng với phong cách hiện thực sắc sảo, tập trung vào những chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày. Qua đó, ông khắc họa sự bất lực của con người trước lịch sử, đồng thời thể hiện tình yêu thương và sự gắn bó trong cuộc sống.

Điều này được thể hiện qua việc miêu tả tâm trạng của Sophia khi chứng kiến vụ hành quyết ở Auxerre: từ nỗi kinh tởm với cảnh tượng chiếc đầu bị chém rơi, cho đến sự chi tiết đến ám ảnh khi cô nghe thấy âm thanh mi mắt mình cọ xát lên gối... Đây là cách tác giả sử dụng để diễn tả sự tổn thương và thất vọng của một người phụ nữ trẻ trước các sự kiện lớn của thời đại, nhưng vẫn đậm chất cá nhân gần gũi.

Cuốn sách "Chuyện các bà vợ già" của tác giả Arnold Bennet.

Cuốn sách "Chuyện các bà vợ già" của tác giả Arnold Bennet.

Arnold Bennett cũng thành công trong việc khắc họa cuộc sống đời thường và chính điều này khiến tác phẩm của ông trở nên đặc biệt. Sophia và Constance đại diện cho những con người bình thường bị cuốn vào những sự kiện lớn của lịch sử nhưng số phận họ hầu như không chuyển biến. Đây cũng là một phần của thông điệp sâu sắc mà Bennett muốn truyền tải: sự kháng cự của con người trước những quy luật bất di bất dịch của cuộc sống và lịch sử.

Bên cạnh đó, Chuyện các bà vợ già cònnêu bật giá trị tình cảm gia đình. Dù Sophia cố gắng thoát khỏi gốc rễ của mình, nhưng cô vẫn không thể thoát khỏi sự liên kết vô hình với chị gái và gia đình.

Trong khi đó, Constance sống một cuộc đời giản dị như đại diện cho niềm an ủi, tình yêu thương và gắn bó. Tác giả cũng khắc họa sự mâu thuẫn giữa khát vọng tự do cá nhân và mối ràng buộc của tình cảm gia đình, qua đó làm nổi bật lên nỗi đau và sự cô đơn của các nhân vật.

Tác phẩm cũng đặt ra những câu hỏi sâu sắc về vai trò của con người trong lịch sử và khả năng kiểm soát số phận. Sophia đại diện cho khát vọng tự do cá nhân, còn Constance tượng trưng cho tình cảm ruột thịt.

Phước Sáng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hinh-anh-binh-di-doi-thuong-trong-chuyen-cac-ba-vo-gia-2331140.html