Chuyện 'cắt tỉa cành khô' ở Golden Gate
Ông Đào Thế Vinh - CEO Golden Gate tỏ ra lạc quan về thị trường chuỗi nhà hàng tại Việt Nam trong năm 2024, nhưng cũng đồng thời nhấn mạnh về việc doanh nghiệp cần những thay đổi lớn và quyết liệt để sẵn sàng cho nhịp phục hồi tiếp theo của nền kinh tế.
Với tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng, nhà máy thực phẩm thứ hai của Golden Gate tại khu công nghiệp Thạch Thất có diện tích rộng gần 2ha đã chính thức đi vào hoạt động với 3 dây chuyền sản xuất gồm: cốt canh, kem và đồ viên.
Ông Đào Thế Vinh - CEO Golden Gate gọi đây là bước chuyển mình của doanh nghiệp, khi hệ sinh thái Golden Gate đang dần được hoàn thiện, từ sơ chế, chế biến cho tới phục vụ tại bàn ở các nhà hàng ăn uống.
Tất nhiên, để có thể từng bước làm chủ quy trình khép kín này, vị CEO cho biết Golden Gate đã phải trải qua giai đoạn "cắt tỉa cành khô" một cách dứt khoát và coi đây là động lực để doanh nghiệp sẵn sàng cho những nhịp phục hồi tiếp theo của nền kinh tế.
Ban lãnh đạo Golden Gate đánh giá thế nào về năm 2023 vừa qua, thưa ông?
Ông Đào Thế Vinh: Xét về hiệu quả kinh doanh, Golden Gate đã đạt được 80% doanh thu so với trước đây, nhưng về mục tiêu lợi nhuận thì còn xa. Năm 2023 có thể xem là một cú sốc với nhiều doanh nghiệp, khi quý 1/2023 bắt đầu với đầy hứng khởi, thì giai đoạn sau đó nền kinh tế lại bước vào suy thoái.
Tuy nhiên, bối cảnh này đã giúp chúng tôi học được cách thích nghi và thu được nhiều lợi ích từ tình thế khó khăn. Cụ thể, đây là cơ hội để Golden Gate tập trung hơn vào thế mạnh cốt lõi, cũng như nhìn lại những điểm kinh doanh chưa đạt hiệu quả.
Năm vừa qua, ai cũng nói về hành động "cắt tỉa cành khô" trong kinh doanh chuỗi. Nhưng để hành động này dứt khoát, thì cần một cú hích, và năm 2023 là thời điểm tốt.
Như Golden Gate, nếu nhìn vào các chỉ số bên ngoài, chắc chắn sẽ chưa thấy ngay kết quả. Nhưng bên trong, chúng tôi đã có nhiều thay đổi lớn để sẵn sàng cho những nhịp phục hồi tiếp theo của nền kinh tế.
Một trong những thay đổi bên trong của Golden Gate có phải là việc đầu tư vào nhà máy thực phẩm thứ hai tại Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, thưa ông?
Ông Đào Thế Vinh: Với Golden Gate, quyết định đầu tư nhà máy ở thời điểm này là một hành động thực sự quyết liệt. Chúng tôi coi đây là một khoản đầu tư cho tương lai với tầm nhìn 20-30 năm.
Tôi cho rằng, thời điểm đầu tư nhà máy không quá quan trọng, vì việc mở rộng là tất yếu với một chuỗi nhà hàng. Khi càng mở rộng quy mô, thì càng cần đầu tư cho công nghệ. Và quá trình này xuất hiện ở nhiều doanh nghiệp, chứ không riêng Golden Gate.
Ban lãnh đạo Golden Gate đã kì vọng gì vào nhà máy mới này, thưa ông?
Ông Đào Thế Vinh: Trước hết, nhà máy mới sẽ hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của Golden Gate, còn xa hơn là mở rộng ra các mảng khác.
Cách đây 8 năm, chúng tôi đã có thương hiệu iCook, với ý tưởng mang cả nhà hàng về tới bếp ăn trong gia đình. Tuy nhiên, iCook lại không phải ưu tiên của Golden Gate trong giai đoạn trước đó.
Thời gian gần đây, chúng tôi đã tập trung cho iCook nhiều hơn. Thương hiệu này hiện đã có mặt tại nhiều chuỗi bán lẻ hiện đại. Chúng tôi kì vọng mảng thực phẩm đóng gói sẽ đóng góp 30-50% vào doanh thu chung của Golden Gate trong tương lai.
Khi thị trường thuận lợi, doanh nghiệp chủ yếu đầu tư mở rộng kinh doanh. Nên trong bối cảnh khó khăn hiện nay, đây là thời điểm thích hợp để đầu tư vào nội tại doanh nghiệp
Ông Đào Thế Vinh
CEO Golden Gate
Kì vọng mảng thực phẩm đóng gói tăng trưởng có đồng nghĩa dư địa phát triển cho mảng dịch vụ ăn uống tại nhà hàng đang thu hẹp lại không, thưa ông?
Ông Đào Thế Vinh: Thực tế hoàn toàn ngược lại. Theo báo cáo gần đây của iPos.vn, số lượng chuỗi nhà hàng ở Việt Nam hiện mới chỉ chiếm 5% trên tổng số nhà hàng toàn thị trường, nên dư địa mảng này còn rất lớn.
Ngoài ra, nếu chúng ta để ý đến quá trình đô thị hóa ở Việt Nam, thì tỉ lệ này vẫn còn thấp so với các quốc gia láng giềng như Trung Quốc. Do đó, tôi tin chắc chắn sẽ còn nhiều cơ hội cho các chuỗi bán lẻ phát triển, bao gồm cả lĩnh vực chuỗi nhà hàng.
Khi tình thế khó khăn hiện tại qua đi, xu hướng phát triển của các chuỗi nhà hàng tại Việt Nam sẽ còn mở ra nhiều dư địa mới.
Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, Golden Gate có chịu sức ép từ các quỹ đầu tư đã rót vốn vào doanh nghiệp?
Ông Đào Thế Vinh: Chúng tôi may mắn có các đối tác đầu tư đồng hành thực sự hiểu biết về ngành và thị trường, nên Golden Gate hiện không chịu sức ép nào.
Một trong những động lực phát triển của chúng tôi đến từ yếu tố chất lượng, chứ không phụ thuộc vào các KPI, hay những điều kiện vô lý.
Vậy còn kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán của Golden Gate thì sao, thưa ông?
Ông Đào Thế Vinh: Về mặt kỹ thuật, chúng tôi đã sẵn sàng cho việc này từ lâu, nhưng về mặt thời điểm thì còn phụ thuộc vào thị trường, cũng như ý kiến của các cổ đông.
Quan điểm của các nhà sáng lập Golden Gate là chúng tôi hiện không có nhu cầu thoái vốn, nên thời điểm doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán là không quá quan trọng.
Thời điểm năm 2023, nhiều chuỗi bán lẻ đã rơi vào cuộc chiến về giá. Các chuỗi nhà hàng của Golden Gate có trải qua cuộc chiến này?
Ông Đào Thế Vinh: Chắc chắn là có, bởi doanh nghiệp nào cũng cần giữ chân khách hàng. Nhưng khác với các doanh nghiệp bán lẻ một sản phẩm cụ thể, Golden Gate là doanh nghiệp bán lẻ dịch vụ.
Tại đây, cuộc chiến về giá đã biến thành cuộc chiến về "giá trị", bao gồm cách doanh nghiệp chăm sóc khách hàng, cung cách phục vụ và tạo ra cảm xúc.
Golden Gate có phải cạnh tranh với các thương hiệu ngoại không, thưa ông?
Ông Đào Thế Vinh: (cười) Bất kì thương hiệu ngoại nào gia nhập Việt Nam và đạt được thành công, chúng tôi đều chúc mừng họ. Vì ngay ở những mảng mà họ tham gia, thị phần của Golden Gate đều có sự tăng trưởng. Đây là một ví dụ điển hình của câu chuyện nếu thị trường phát triển, tất cả doanh nghiệp đều hưởng lợi.
Cá nhân tôi không thích sự so sánh, mà chỉ muốn tập trung vào việc doanh nghiệp cần cố gắng làm thật tốt, để đạt được vị thế. Chúng tôi không hề lo lắng, mà cảm thấy sân chơi này rất thú vị, vì điều đó chứng tỏ thị trường chung sẽ tốt lên.
Để không phải cảm thấy "lo lắng" khi có sự cạnh tranh, ông có thể chia sẻ phương pháp quản trị tại Golden Gate?
Ông Đào Thế Vinh: Trong bối cảnh hiện tại, tôi cho rằng doanh nghiệp luôn cần định sẵn các kế hoạch kinh doanh, nhưng quy trình lên các kế hoạch này cần phải ngắn lại, vì chúng ta không thể biết trước được những diễn biến tiếp theo.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần để mắt tới yếu tố dòng tiền. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã phá sản không phải vì thua lỗ, mà phá sản vì không có dòng tiền.
Cuối cùng là đầu tư mạnh mẽ vào nội tại doanh nghiệp, bao gồm công nghệ, văn hóa, kĩ năng, con người. Đồng thời tìm cách tinh gọn bộ máy, tổ chức...
Khi thị trường thuận lợi, doanh nghiệp chủ yếu đầu tư mở rộng kinh doanh. Nên trong bối cảnh khó khăn hiện nay, đây là thời điểm thích hợp để đầu tư vào nội tại doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/chuyen-cat-tia-canh-kho-o-golden-gate-1709312247684.htm