Chuyện chưa kể: Cán bộ làm việc quên giờ cho hợp nhất Bắc Kạn - Thái Nguyên

Trong bối cảnh triển khai chủ trương hợp nhất Thái Nguyên và Bắc Kạn, các cán bộ tại Thái Nguyên đã làm việc với cường độ cao để hoàn thành các đề án về tổ chức bộ máy và biên chế, đảm bảo đúng tiến độ theo yêu cầu của Trung ương.

Nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ

Ông Lương Xuân Trường, Trưởng phòng Tổ chức biên chế và Công tác thanh niên (Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên) cho biết, hơn một tháng qua là giai đoạn chưa từng có tiền lệ đối với đơn vị của ông. Khối lượng công việc của phòng đã tăng đột biến với vai trò giúp việc cho Giám đốc Sở và tham mưu cho UBND tỉnh trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, cán bộ, công chức, viên chức.

Ông Lương Xuân Trường, Trưởng phòng Tổ chức biên chế và Công tác thanh niên, Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên

Ông Lương Xuân Trường, Trưởng phòng Tổ chức biên chế và Công tác thanh niên, Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên

“Chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Thái Nguyên và Bắc Kạn để xây dựng đề án hợp nhất cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, đảm bảo đúng lộ trình hoạt động từ ngày 1/7. Đến nay, công việc đã cơ bản hoàn thành. Các xã, phường mới đã được đưa vào vận hành thử, đáp ứng quy định của pháp luật”, ông Trường chia sẻ.

Ông Trường nhấn mạnh, không chỉ khối lượng công việc lớn, tính chất công việc lần này cũng vô cùng phức tạp. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế cho cả hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn yêu cầu vừa thực hiện theo hướng dẫn hiện hành, vừa cập nhật các quy định pháp lý mới, vốn liên tục được điều chỉnh để bắt kịp tiến trình xây dựng mô hình chính quyền hai cấp.

“Nhiều văn bản pháp luật chưa kịp ban hành, hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể. Có những nội dung ban đầu làm theo văn bản cũ, nhưng khi có quy định mới lại phải cập nhật, điều chỉnh ngay để đảm bảo đúng quy định”, ông Trường cho biết.

1h sáng, nhưng các cán bộ phòng Tổ chức biên chế và Công tác thanh niên, Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên vẫn miệt mài với công việc.

1h sáng, nhưng các cán bộ phòng Tổ chức biên chế và Công tác thanh niên, Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên vẫn miệt mài với công việc.

Công tác tổ chức lại ở cấp xã, huyện và tỉnh cũng gặp không ít vướng mắc. Các mô hình tổ chức xã (mới) khác hoàn toàn so với trước đây, nhiều đơn vị sự nghiệp cấp huyện không còn phù hợp phải giải thể, hoặc chuyển cấp quản lý. Do chưa có hướng dẫn cụ thể, cán bộ phòng phải tự xây dựng đề án, đồng thời hướng dẫn lại cho cấp dưới.

Ông Trường thông tin thêm, công việc càng thêm áp lực khi tiến độ hợp nhất bị điều chỉnh rút ngắn, khiến mọi kế hoạch phải gấp rút hoàn thiện. Trong khi Trung ương chưa giao chỉ tiêu biên chế cụ thể cho năm nay, cán bộ Sở Nội vụ phải dựa vào số liệu cũ để tạm tính và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, việc sắp xếp tổ chức còn phải chia theo hai khối Đảng và chính quyền ở cấp xã, tăng thêm độ phức tạp.

Phòng Tổ chức biên chế và Công tác thanh niên chỉ có 6 người, nhưng phải đảm nhận khối lượng công việc khổng lồ. Nhiều cán bộ làm việc xuyên đêm, chỉ ngủ 3-4 tiếng mỗi ngày để đảm bảo đúng tiến độ. “Ai cũng đóng cửa phòng, làm việc quên giờ giấc. Dù được tăng cường thêm nhân lực nhưng cũng chỉ hỗ trợ phần nào. Anh em vẫn phải làm thêm giờ, làm cả cuối tuần để hoàn thành nhiệm vụ”, ông Trường nói.

Cán bộ tư pháp chạy đua với thời gian

Trong quá trình triển khai sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã tại Thái Nguyên, cán bộ cơ sở như chị Hoàng Ngọc Quyên, cán bộ Tư pháp phường Tích Lương đã phải nỗ lực gấp nhiều lần để vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, vừa bảo đảm tiến độ bàn giao hồ sơ lưu trữ.

Cùng với chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính, việc dừng hoạt động cấp xã đồng nghĩa với yêu cầu hoàn tất toàn bộ hồ sơ để bàn giao về kho lưu trữ của tỉnh. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra đồng thời với công tác chuyên môn thường nhật, tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính, vốn không thể bị gián đoạn.

Chị Hoàng Ngọc Quyên, cán bộ Tư pháp, phường Tích Lương, tỉnh Thái Nguyên

Chị Hoàng Ngọc Quyên, cán bộ Tư pháp, phường Tích Lương, tỉnh Thái Nguyên

Chị Hoàng Ngọc Quyên cho biết: “Chúng tôi phải ‘vừa chạy vừa xếp hàng’ đúng nghĩa. Trong khi việc phục vụ nhân dân vẫn diễn ra như thường, thì hồ sơ lưu trữ phải hoàn tất đúng tiến độ để bàn giao theo yêu cầu của cấp trên”.

Khối lượng hồ sơ tồn đọng lớn, nhiều tài liệu cũ, buộc cán bộ phải trực tiếp ngồi bóc tách, kiểm kê, liệt kê chi tiết theo từng ngày, từng tháng, từng năm trước khi hoàn thiện và bàn giao. Công việc mang tính thủ công cao, mất nhiều thời gian và đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối.

“Chúng tôi gần như không có ngày nghỉ, làm cả buổi tối, cuối tuần, liên tục tăng ca trong hơn một tháng qua”, chị Quyên cho biết thêm, nhất là thời điểm rút ngắn thời gian để sớm hoàn thành tiến độ theo chỉ đạo của cấp trên.

Sáp nhập tỉnh - thử thách lớn và cơ hội khẳng định đội ngũ cán bộ

Ông Nguyễn Quốc Hữu, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên cho rằng, sáp nhập 2 tỉnh là sự kiện mang tính lịch sử, có thể hàng trăm năm mới diễn ra một lần. Đây là thử thách lớn nhưng cũng là cơ hội để đội ngũ cán bộ khẳng định năng lực và tinh thần cống hiến.

Khối lượng công việc trong quá trình sáp nhập Thái Nguyên - Bắc Kạn là “khổng lồ”, liên quan đến toàn bộ hoạt động tổ chức bộ máy, tài chính, cơ sở vật chất, nhân sự, nơi làm việc, đi lại. Việc xây dựng bộ máy hành chính mới không chỉ cần đảm bảo hiệu quả vận hành ngay từ đầu, mà còn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa các đơn vị của hai tỉnh.

Ông Nguyễn Quốc Hữu, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên

Ông Nguyễn Quốc Hữu, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên

Điều đặc biệt là trong quá trình thực hiện, sự phối hợp giữa hai địa phương không chỉ mang tính hành chính mà còn đậm chất tình cảm. Ông Hữu cho biết: “Anh em chia sẻ với nhau cả chỗ ăn, chỗ ở, nơi sinh hoạt làm việc. Tất cả đều xuất phát từ trách nhiệm và mong muốn đóng góp cho thành công chung”.

Nhiều cán bộ, công chức đã phải làm việc xuyên đêm, không rời cơ quan trước 2h sáng suốt nhiều tuần liên tiếp. Các phòng chuyên môn như Phòng Tổ chức - Biên chế, Phòng Công chức - Viên chức, Phòng Xây dựng chính quyền đều hoạt động với cường độ cao để đảm bảo tiến độ.

Không chỉ riêng Sở Nội vụ, các sở ngành như Tài chính, Xây dựng, các cơ quan Đảng cũng vào cuộc, phối hợp triển khai đồng bộ các nhiệm vụ như xây dựng văn kiện, tổ chức đại hội Đảng các cấp – những nội dung quan trọng trong công cuộc cải cách bộ máy nhà nước.

Việc sáp nhập hai tỉnh cũng đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với công tác quản lý dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật và hệ thống thông tin hành chính. Đây là lý do các giải pháp và quản trị dữ liệu số đang được quan tâm, nhằm đảm bảo thông tin được truy cập dễ dàng, phục vụ hiệu quả công tác điều hành, tra cứu hành chính trong bộ máy mới.

“Sự vất vả là có thật, nhưng niềm vui và tự hào cũng rất lớn. Chúng tôi xác định đây là thời điểm thể hiện tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề và sự cam kết với tương lai phát triển của địa phương”, ông Nguyễn Quốc Hữu chia sẻ.

Cao Thắng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/chuyen-chua-ke-can-bo-lam-viec-quen-gio-cho-hop-nhat-bac-kan-thai-nguyen-post1211074.vov