Chuyện chưa kể về 2 nàng công chúa được gả về làm dâu xứ Mường

Theo các tài liệu, những câu chuyện kể và truyền thuyết trong dân gian thì có đến 2 nàng công chúa được gả về làm dâu xứ Mường. Hai nàng công chúa, hai mối duyên tình, hai số phận khác nhau. Trải qua bao thăng trầm, câu chuyện về 2 nàng công chúa được gả về làm dâu xứ Mường, không phải ai cũng biết...

Trăm năm còn mãi nghĩa vợ, tình chồng

Về Đình Xàm, xã Phú Lai (cũ), nay là xã Yên Thủy, thú thực tôi cũng chẳng mấy ấn tượng với một ngôi đình mới được dựng lại. Thế nhưng, ấn tượng về ngôi đình còn đọng lại là câu chuyện về một di sản văn hóa quý hiếm ở vùng đất Mường cổ này. Tương truyền, Đình Xàm được xây dựng vào năm Thiệu Trị thứ 5 (1845). Đình thờ thành hoàng là nhân thần, người địa phương tên tục là Bùi Văn Khú (Đô Khú) cùng vợ là Thiên Tinh công chúa. Hiện Đình Xàm còn lưu giữ được 11 bản sắc phong bắt đầu từ thời Lê Cảnh Hưng thứ 14 (thế kỷ 18) cho đến năm Khải Định thứ 9 (đầu thế kỷ 20). Bên cạnh những di sản văn hóa, những bản sắc phong còn hiện hữu thì ở Đình Xàm còn lưu truyền một mối duyên tình đẹp giữa nàng công chúa nhà Lê và người anh hùng của dân tộc Mường có công hộ quốc cứu dân.

Đình Xàm thuộc xóm Xàm, xã Yên Thủy - nơi nhân dân thờ phụng hai vợ chồng Đô Khú Đại Vương và Thiên Tinh công chúa.

Đình Xàm thuộc xóm Xàm, xã Yên Thủy - nơi nhân dân thờ phụng hai vợ chồng Đô Khú Đại Vương và Thiên Tinh công chúa.

Theo các tài liệu Hán - Nôm còn ghi và được các cụ cao niên trong vùng kể lại thì Bùi Văn Khú sinh vào đầu thế kỷ XVIII ở xóm Xàm. Ngay từ lúc còn nhỏ đã có tư chất thông minh, lại tinh thông võ nghệ. Lớn lên gặp lúc vận nước nguy nan, chàng trai Bùi Văn Khú đã từ biệt mẹ già, quê hương về kinh đô tham gia quân đội. Trong chiến đấu, ông đã lập được nhiều công lớn. Khi đất nước bình yên, ghi nhận những công lao, vua đã ban áo gấm, vàng bạc và gả công chúa cho ông. Trong hai nàng công chúa xinh đẹp, nhà vua có ý gả cô chị, nhưng nàng chê quê ông xa xôi cách trở nên chối từ. Khi vua cha hỏi, chỉ cô em là công chúa Thiên Tinh bẽn lẽn gật đầu ưng thuận. Ngày rước vợ về quê, công chúa chị cũng đưa tiễn em về nhà chồng. Được chứng kiến cảnh sắc quê hương em rể thanh bình, trù phú, sơn thủy hữu tình, người và muôn vật vui hòa, nàng sinh lòng oán tiếc, trên đường trở về Kinh, nàng đã gieo mình xuống suối để tự vẫn. Tương truyền, từ sau cái chết của công chúa chị, ở khúc suối này mọc lên nhiều tảng đá có hình thù kì dị, khiến cho dòng nước khi chảy qua như khóc than cho một kiếp hồng nhan sớm tàn phai.

Về Bùi Văn Khú, sau khi được vua gả công chúa làm vợ, ông được phong tước lộc, làm quan tại triều đình. Cho đến khi tuổi cao, sức yếu, năm 1782, ông xin từ quan, cùng công chúa Thiên Tinh về quê sinh sống. Đồng ý với ước nguyện đó, nhà vua đã cắt đất cho vợ chồng ông cai quản một vùng Mường thuộc 3 xóm Xàm, Đình, Rò thuộc xã Phú Lai (cũ), nay là xã Yên Trị và tặng chiếc trống đồng để làm hiệu lệnh. Trước khi mất, ông đã chôn chiếc trống đồng vào một nơi bí mật. Đến năm 1998, một gia đình ở xóm Xàm khi đào đất làm móng nhà đã vô tình tìm thấy chiếc trống này.

Khi ông Bùi Văn Khú và Thiên Tinh công chúa qua đời đã được nhân dân chôn cất tại khu vực gò Mè, thuộc xóm Xàm. Hiện hai ngôi mộ này vẫn còn. Nhân dân quanh vùng vẫn thường lui tới hương khói. Để tưởng nhớ công trạng của ông với quê hương, đất nước, nhân dân đã lập đình để thờ phụng. Hai vợ chồng Đô Khú đã trở thành Thành Hoàng của cả vùng được nhà vua ban lá cờ thêu 8 chữ sắc phong “Đô Khú Đại vương Thượng đẳng tối linh”. Tiếp sau các triều đại phong kiến cũng đều ban sắc phong.

Tính từ thời Lê Cảnh Hưng năm thứ 14 (1784) đến năm Khải Định thứ 9, ông bà đã được ban tới 11 đạo sắc phong. Đến nay, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hai ngôi mộ của Đô Khú Đại Vương và Thiên Tinh công chúa vẫn song hành bên nhau tại xóm Xàm như mối duyên tình nghìn năm còn mãi nghĩa vợ tình chồng.

Câu chuyện về mối lương duyên giữa Đô Khú Đại Vương và nàng công chúa Thiên Tinh vẫn được ông Bùi Văn Ngằm kể lại cho con cháu nghe.

Câu chuyện về mối lương duyên giữa Đô Khú Đại Vương và nàng công chúa Thiên Tinh vẫn được ông Bùi Văn Ngằm kể lại cho con cháu nghe.

Nàng công chúa với truyền thuyết về "Vườn hoa núi Cối"

Trong những lần trò chuyện với ông Lê Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hòa Bình (cũ), chúng tôi được nghe kể về một câu chuyện tình đẹp nhưng lại có cái kết đầy bi thảm của một nàng công chúa được gả về làm dâu đất Mường Thàng, nay là xã Cao Phong.

Chuyện kể rằng, vào thời kỳ phong kiến, vùng đất thuộc sự cai quản của các quan lang Mường vẫn là miền đất hoang sơ và cách biệt với chốn kinh kỳ và vùng đồng bằng. Giao thông đi lại chủ yếu theo những dòng sông hoặc những con đường mòn xuyên qua những cánh rừng già thâm u đầy thú dữ. Với điều kiện xa xôi cách trở như vậy, vùng đất Mường được xem như thủ phủ, thành trì bất khả xâm phạm của những vị tù trưởng đầy quyền uy. Khi đó, vùng đất Mường Thàng cũng không là ngoại lệ với vị tù trưởng giàu có, uy quyền.

Đến giai đoạn cuối của nhà Hậu Lê, tình hình kinh tế, chính trị trong nước có nhiều biến động. Tù trưởng các dân tộc thiểu số ở một số vùng miền núi nổi dậy, cát cứ. Trước tình hình đó buộc vua Lê phải nghĩ cách giữ lòng vị tù trưởng ở vùng đất Mường Thàng để giữ yên giang sơn. Theo đó, đã có một nàng công chúa được gả cho vị tù trưởng này. “Điều đáng tiếc nhất là người Mường không có chữ viết nên sự kiện này đã không được ghi lại”, ông Lê Quốc Khánh nuối tiếc.

Cũng chính vì không có sử sách nào ghi lại sự kiện này nên trải qua hàng trăm năm, chẳng ai còn nhớ tên nàng công chúa đó là gì, ngày tháng năm nào được gả về vùng đất Mường Thàng làm vợ vị chúa đất quyền uy kia. Và cũng chẳng ai còn nhớ vị tù trưởng đó tên là gì. Chỉ còn lại những câu chuyện truyền thuyết trong nhân dân được chắp vá lại và những địa danh liên quan đến công chúa được truyền lại cho tới ngày nay như chùa Quèn Ang, Vườn hoa núi cối và khu mộ cổ ở xóm Trang Trên, xã Cao Phong.

Tương truyền, ngôi chùa Quèn Ang được dựng gần núi Cối với lối kiến trúc giống những ngôi chùa nơi kinh kỳ là món quà của vua tặng cho con gái đi làm dâu xa xứ.

Tương truyền, ngôi chùa Quèn Ang được dựng gần núi Cối với lối kiến trúc giống những ngôi chùa nơi kinh kỳ là món quà của vua tặng cho con gái đi làm dâu xa xứ.

Sau khi từ giã chốn kinh kỳ hoa lệ, nàng công chúa theo chồng về làm dâu ở đất Mường Thàng chỉ với 12 thị nữ. Xa chốn kinh kỳ, cuộc sống của công chúa cứ thế lặng lẽ trôi. Nỗi buồn đó đã thấu đến tai vua. Và ngôi chùa Quèn Ang được xây dựng với lối kiến trúc giống những ngôi chùa nơi kinh kỳ ở trung tâm của đất Mường Thàng thuộc xóm Trang Trên, xã Cao Phong ngày nay là món quà của vua cha tặng cho người con gái đi làm dâu xa xứ để ngày ngày nàng gửi tâm vào cõi phật. Tương truyền, 2 cây hoa đại cổ thụ được trồng bên cạnh ngôi chùa có tuổi đời trên 400 năm vẫn còn lại cho đến ngày nay chính là do công chúa trồng. Với vị tù trưởng quyền uy thì công chúa luôn là một người vợ yêu hiền thục. Thấy nàng buồn, tù trưởng cũng đã cho trồng một vườn hoa với đủ loại hoa thơm, cỏ lạ dưới chân núi Cối để cho nàng thưởng ngoạn, vơi đi nỗi buồn xa xứ. Hàng trăm năm đã trôi qua, vườn hoa không còn nữa, nhưng theo những người dân bản địa thì trên đỉnh núi Cối vẫn còn một khoảnh đất bằng phẳng. Điều kỳ lạ là khu đất đó chẳng có loại cây nào mọc được ngoài thảm cỏ may xanh mượt.

Theo những người cao tuổi ở vùng đất Mường Thàng, 2 cây đại cổ trên 400 năm được trồng cạnh chùa Quèn Ang do chính công chúa trồng.

Theo những người cao tuổi ở vùng đất Mường Thàng, 2 cây đại cổ trên 400 năm được trồng cạnh chùa Quèn Ang do chính công chúa trồng.

Tưởng đâu cuộc sống của nàng công chúa nơi rừng xa cứ êm đềm trôi trong sự chiều chuộng của vị tù trưởng uy quyền. Trong một bữa tiệc, khi rượu đã say, nghi vợ yêu có mối gian tình, vị chúa đất đã rút gươm chém oan vợ mình. Tỉnh rượu, quá thương tiếc vợ, vị tù trưởng đã cho làm lễ an táng nàng rất linh đình. Theo những câu chuyện truyền thuyết trong dân gian thì công chúa được tù trưởng an táng ở khu “thánh địa” rộng lớn.

Theo những người dân bản địa, khu mộ cổ với những khối đá to ở xóm Trang Trên, xã Cao Phong được cho là ngôi mộ của nàng công chúa xấu số.

Theo những người dân bản địa, khu mộ cổ với những khối đá to ở xóm Trang Trên, xã Cao Phong được cho là ngôi mộ của nàng công chúa xấu số.

Câu chuyện về nàng công chúa được gả cho vị chúa đất Mường Thàng đã bị lãng quên qua nhiều đời. Cũng chẳng mấy ai biết để kể lại cho con cháu tường tận. Khi rộ lên việc đào trộm khu mộ cổ vào những năm 1980, người ta mới tìm lại được những dấu tích vật tùy táng trong mộ của những gia đình quyền quý thì câu chuyện về nàng công chúa kia mới được những người già trong vùng góp nhặt, kể lại.

Do bị đào trộm nên ngôi mộ công chúa cũng vì thế mà thất lạc. Theo anh Khánh, may mắn là trong quá trình thực hiện công tác khảo cứu, các nhà khảo cổ đã tìm được 12 bông hoa bằng vàng vốn là vật thường được đính trên mũ áo của những người có xuất thân quyền quý từ triều đình trong một ngôi mộ cổ còn sót lại. Phải chăng đó chính là ngôi mộ công chúa?! Câu trả lời từ đó đến nay, cũng chưa có ai giải đáp được.

Mạnh Hùng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/chuyen-chua-ke-ve-2-nang-cong-chua-duoc-ga-ve-lam-dau-xu-muong-236267.htm