Chuyện chưa kể về 'chiến dịch' hóa đơn điện tử
'Có lẽ trong suốt 27 năm công tác, đây là chiến dịch lớn nhất mà tôi được tham gia…', ông Phạm Quang Toàn - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) chia sẻ. Là đơn vị chủ công thực hiện 'chiến dịch', hơn 50% quân số của Cục này gần như đã ăn, ngủ cùng hóa đơn điện tử suốt 2 tháng trời tại trụ sở.
Cuộc “cách mạng” về hóa đơn chứng từ
Sáng 21/11/2021, hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT) đã chính thức được bấm nút triển khai tại 6 tỉnh, thành phố giai đoạn 1. Có lẽ chưa có sự kiện nào được Tổng cục Thuế đầu tư tổ chức một cách công phu và đầy “chất” 4.0 như vậy. Một người trong ê kíp thực hiện chương trình chia sẻ: “Đích thân Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn duyệt từng chi tiết của kịch bản…”.
Phát biểu tại sự kiện này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã nhấn mạnh việc triển khai áp dụng HĐĐT mà ngành Tài chính, ngành Thuế đang thực hiện chính là góp phần vào chuyển đổi số ở Việt Nam, giúp thay đổi tích cực phương thức điều hành, lãnh đạo, quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế (CQT) cũng như của các doanh nghiệp (DN). Việc chuyển đổi sang HĐĐT có ý nghĩa quan trọng giúp DN không những giảm chi phí so với sử dụng hóa đơn giấy mà còn giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế.
Đặc biệt, việc triển khai hệ thống HĐĐT còn có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (big data), mấu chốt của chuyển đổi số, không chỉ đối với CQT mà còn đối với cả DN và nền kinh tế, góp phần quan trọng phát triển Chính phủ điện tử.
“Sự kiện tổ chức lễ kích hoạt hệ thống HĐĐT là kết quả của những nỗ lực to lớn của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, trong đó có sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của đồng chí Bộ trưởng và các đồng chí lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống HĐĐT và sự phối hợp, ủng hộ, đồng hành của lãnh đạo UBND 6 tỉnh, thành phố và cộng đồng DN”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái biểu dương.
Bà Phạm Minh Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Tổng cục Thuế cho biết, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hẳn một chương về hóa đơn chứng từ, đây là điểm mới vì bấy lâu nay, nội dung này được quy định tại Luật Kế toán. Riêng chương về hóa đơn chứng từ có hiệu lực từ 1/7/2022, sau 2 năm so với hiệu lực của Luật.
Bộ Tài chính đã lập kế hoạch thực hiện theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (tháng 11/2021 - tháng 3/2022) triển khai tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bình Định; Giai đoạn 2 (tháng 4/2022 -tháng 7/2022) triển khai tiếp tại 57 tỉnh, thành phố còn lại.
“6 địa phương triển khai giai đoạn 1 có số DN chiếm 60% và số hóa đơn chiếm 70% trên cả nước. Do đó, Tổng cục Thuế xác định triển khai thành công tại 6 địa phương này sẽ tạo tiền đề để triển khai toàn quốc”, bà Hiền nói.
Nếu như HĐĐT trước đây chỉ được lập giữa người bán với người mua, phần mềm bên bán tự mua hoặc mua của công ty cung cấp giải pháp thì theo quy định mới, HĐĐT phải được lập theo định dạng chuẩn của CQT, đồng thời phải truyền đến CQT, được CQT cấp mã xác thực mới có giá trị pháp lý.
“Khi HĐĐT được truyền đến CQT, hệ thống sẽ tự động kiểm tra tính hợp pháp của hóa đơn để cấp mã xác thực (gồm các thông số phải ghi trên hóa đơn, chữ ký số của người bán…). Quy trình này chỉ trong một tích tắc. Hệ thống cũng “lọc” được trường hợp DN bỏ trốn, DN bị cưỡng chế thuế không được phát hành hóa đơn… Do vậy, cả người bán, người mua cũng rất yên tâm. Đồng thời, đây cũng là nguồn dữ liệu cho bên thứ ba kiểm tra đối chiếu và khai thác chung dữ liệu đó”, Phó Vụ trưởng Hiền giải thích thêm.
Hai tháng “chạy nước rút”
Với một quy trình tưởng như đơn giản, song với những người “lính” công nghệ thông tin của Tổng cục Thuế, để số hóa quy trình đó là những ngày dài nỗ lực.
“Ngay sau khi Luật Quản lý thuế được thông qua, đặc biệt khi Chính phủ ban hành Nghị định 123/2020/NĐ-CP, Cục Công nghệ thông tin đã bắt tay vào cuộc. Nhưng để đến ngày bấm nút chính thức triển khai hôm 21/11/2021, chúng tôi chỉ có hơn 2 tháng “chạy nước rút””, ông Phạm Quang Toàn - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin nhớ lại.
Với quân số 100 người của Cục thì có tới 52 người tập trung cho dự án HĐĐT. “Chúng tôi hầu như làm quên ngày, quên đêm, không có Thứ Bảy, Chủ nhật. Dự án đòi hỏi mọi người phải thảo luận, phân tích rồi lập trình. Lập trình sai lại lên sửa. Cứ miệt mài như vậy ngày này sang ngày khác…”, lời Cục trưởng Toàn. Cũng theo vị này, với khối lượng công việc như thế, cấp tập thì phải làm trong 1 năm, mà rải ra thì cũng 2 - 3 năm. “Nhưng chúng tôi chỉ có hơn 2 tháng. Đó là những trải nghiệm không bao giờ quên”, ông nói.
Việc quan trọng kế tiếp là kết nối kỹ thuật với các nhà cung cấp giải pháp. Đây là công việc hết sức mệt mỏi vì mỗi đơn vị một kiểu mà thực tế khoảng 60 đơn vị như vậy nên phải đọc hồ sơ, đánh giá rồi đến trực tiếp kiểm tra trung tâm dữ liệu của họ có thực sự đáp ứng được không. “Trước mắt, chúng tôi đã chọn được 20 công ty đủ điều kiện để tiến hành kết nối kỹ thuật. Mời họ đến, thuyết trình yêu cầu, họ vừa nghe vừa lập trình để khớp kết nối…”, ông Toàn cho biết thêm.
Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Nguyễn Thị Thu nhớ lại, nhân lực công nghệ thông tin làm kết nối toàn thanh niên trẻ có thể làm việc đến 2 - 3 giờ sáng. Rất may mắn là trong hơn 2 tháng triển khai chiến dịch, có tạt về nhà cũng chớp nhoáng, kể cả khi đó Hà Nội đã hết giãn cách, nên toàn đội đều an toàn với Covid-19.
Ấn tượng nhất với lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin là vào thời khắc thử tải hệ thống. Bình thường số lượng hóa đơn khoảng 6,4 tỷ hóa đơn/năm, tuy nhiên, khi triển khai hệ thống HĐĐT, yêu cầu đặt ra cho hệ thống là 100 triệu hóa đơn/ngày (tức khoảng 36 tỷ hóa đơn/năm).
“Chúng tôi yêu cầu 10 công ty kết nối, mỗi công ty chuẩn bị 10 nghìn hóa đơn để cùng một lúc “bắn” lên hệ thống. Đó là thời khắc có lẽ chỉ có một trong đời. Nó như là một “trận đánh”. Các công ty dàn hàng ngang thực hiện hiệu lệnh: 1, 2, 3 - “Bắn!”, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Nguyễn Thị Thu kể lại.
Góp phần chuyển đổi số quốc gia
“Tôi đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của các đồng chí để hôm nay chúng ta đã hoàn tất các khâu công việc chuẩn bị cho thời khắc vô cùng quan trọng này của ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng. Đây chính là một bước ngoặt, bước tiến vô cùng quan trọng, góp phần vào công cuộc chuyển đổi số của cơ quan Thuế, của ngành Tài chính nói riêng và công cuộc chuyển đổi số quốc gia nói chung”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc