Chuyện chưa kể về gia đình di cư tan nát vì vụ khủng bố 11-9
Ngày 11-9-2019, nước Mỹ kỷ niệm 18 năm ngày xảy ra vụ khủng bố kinh hoàng năm 2001 khiến gần 3.000 người thiệt mạng. Gần 2 thập niên sau, buổi lễ kỷ niệm vẫn đem lại những ký ức đau buồn cho thân nhân những người thiệt mạng.
Ngày đi làm định mệnh
Ana Soria biết Luis Alfonso Chimbo từ khi cô còn nhỏ. Họ lớn lên ở vùng núi cao 2.400m so với mực nước biển ở thành phố Cuenca của Ecuador. Sau khi Soria và Chimbo kết hôn vào năm 1988, Chimbo tới New York làm việc được một vài năm trước khi quay trở lại Ecuador để đưa vợ đến Mỹ. Họ cùng con trai chuyển đến Queens sinh sống. Chimbo làm pha chế trong các nhà hàng quanh Trung tâm Rockefeller nhưng anh muốn tìm kiếm một công việc có triển vọng tốt hơn.
Khi một người bạn giúp anh tìm được công việc mơ ước vào năm 1996 trong bộ phận tiếp nhận xử lý tất cả thực phẩm, rượu và đồ dùng cho nhà hàng Windows on the World nằm trên đỉnh Tháp Bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới, người đàn ông 34 tuổi này vui mừng như một cậu bé nhận được món đồ chơi mà cậu mong muốn. Chimbo và Soria hy vọng vào một ngày nào đó họ sẽ mở được nhà hàng riêng. Cô dự định đi học nấu ăn.
Chimbo được thăng chức lên vị trí quản lý vào năm 2001. Tháng 8 năm đó khi Soria bị sảy thai, anh xin nghỉ làm để chăm sóc cô và có kế hoạch trở lại làm việc vào ngày 11-9. Ngày hôm trước, Soria còn trêu chọc anh vì đã cẩn thận chuẩn bị quần áo và túi xách. Anh ấy là vậy, rất ngăn nắp.
5h sáng 11-9-2001, Chimbo thức dậy và lặng lẽ rời đi vào khoảng 5h30. Bình thường, anh sẽ hôn vợ, vẫn ở trên giường, nhưng không phải sáng hôm đó. Khi anh lái xe rời khỏi nhà, Soria đứng dậy đi đến cửa sổ và nói: “Tạm biệt, tình yêu của em”.
Năm 2001, Windows là nhà hàng có doanh thu cao nhất cả nước. Nó đã trở thành một điểm đến không thể bỏ qua cho những vị khách tới thăm thành phố, một địa điểm đặc biệt cho người dân New York và là cứu cánh cho hàng trăm người nhập cư đang làm việc, một số người, như Chimbo, không có giấy tờ.
Nhà hàng này có hơn 400 nhân viên bao gồm những người nhập cư từ hơn 20 quốc gia. Vào ngày 11-9, Chimbo là một trong số 73 nhân viên Windows tử vong, cùng với 6 người đàn ông đang làm công việc cải tạo cho nhà hàng và 91 khách.
Những giây phút cảm động
Không gì có thể xoa dịu hoàn toàn nỗi đau của vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11-9-2001 dù người thân của họ nhận được chút an ủi từ số tiền chi trả từ Quỹ bồi thường các nạn nhân. Luật sư Debra Steinberg, người đại diện cho Soria, nói rằng các nạn nhân của Windows đã có tác động to lớn đến suy nghĩ của ông về việc phân phối quỹ, không chỉ vì một vài người trong số họ là những nhân viên được trả lương thấp nhất bị thiệt mạng mà bởi vì nhiều người như Chimbo, không có giấy tờ. Và Feinberg đã làm rõ rằng quỹ này dành cho tất cả các nạn nhân của vụ tấn công, không phân biệt quốc tịch hoặc quyền công dân.
Soria cũng ở Mỹ bất hợp pháp. Trong những ngày đầu tiên sau vụ khủng bố 11-9, cô miễn cưỡng yêu cầu hỗ trợ cho bản thân và con trai 12 tuổi. “Tôi đã rất sợ. Tôi từng nghĩ rằng có lẽ tôi không xứng đáng với điều đó bởi vì đây không phải là đất nước của tôi”, Soria thổ lộ. Nhưng do con trai cần thuốc trị hen suyễn đã khiến cô rời nhà ở Queens để đến Manhattan đề nghị hỗ trợ và nhận được sự giúp đỡ.
Ngày sinh nhật chồng, Soria mang bông hoa và một tấm thiệp sinh nhật đến đài tưởng niệm, trên đó cô viết: Gửi tình yêu của đời em, chúc mừng sinh nhật anh”. Cô đến vào giờ ăn trưa rồi đặt tấm thiệp và bông hoa lên trên tên chồng được cắt bằng đồng. Rồi cô lùi lại một chút và đứng giữa dòng khách du lịch. Chimbo, một trong số hơn 1.000 nạn nhân không tìm thấy hài cốt, đã từng nói với cô rằng nếu anh chết trước, anh muốn cô rải tro cốt của mình xuống đại dương. Soria tin rằng lời nói của anh đã thành hiện thực khi tòa nhà nổ tung và chồng cô biến mất trong không trung phía trên Đại Tây Dương.
Cô nhìn mọi người mở tấm thiệp và đọc nó. Một số người đã không kìm được nước mắt. Một số đặt tay lên trái tim của họ, không ai bảo ai. Soria lặng lẽ theo dõi hàng giờ. Anh thấy đấy, Al, Soria nghĩ, tất cả những người này đã đến sinh nhật anh.
Năm 2016, cuối cùng cô cũng nhận được “thẻ xanh” sau nhiều năm kiên trì với sự giúp đỡ của luật sư. Bây giờ cô làm bánh pho mát và các món tráng miệng khác cho bạn bè và gia đình, bao gồm cả con trai cô, một nhiếp ảnh gia và nhà thiết kế đồ họa.
Mặc dù nhiều năm trôi qua, Soria vẫn day dứt về số tiền bồi thường cô nhận được, mà cô gọi là “tiền máu”. Cô bị dằn vặt về việc hai vợ chồng chỉ vì hy vọng cho một cuộc sống tốt hơn mà chồng phải trả giá bằng tính mạng.
Khi trời sắp tối, tại đài tưởng niệm Trung tâm Thương mại Thế giới, Soria tìm kiếm một khoảnh khắc mà cô có thể ở một mình với chồng, để có thể hát “Chúc mừng sinh nhật” chồng, nhưng mọi người vẫn tiếp tục đến. Cho đến khi 4 cô gái Mỹ, ở độ tuổi sinh viên đại học, đến đọc tấm thiệp và bắt đầu hát “Chúc mừng sinh nhật”, Soria bước đến gần họ và nói: “Cảm ơn rất nhiều”. Họ đã hỏi Soria rằng cô liên quan thế nào đến đài tưởng niệm và cô nói với họ: “Anh ấy là chồng tôi. Tôi sẽ hát cho anh ấy nghe”. Các cô gái trẻ hỏi Soria rằng họ có thể hát cùng cô không, rồi họ hát và khóc cùng nhau. “Tôi cảm thấy bình yên trong tim”, Soria nói.
Gần một thế hệ đã trưởng thành kể từ ngày 11-9-2001. Nhưng Windows on the World vẫn đang mang mọi người gần lại với nhau để chia sẻ một khoảnh khắc ở New York mà họ sẽ không bao giờ quên.