Chuyện chưa kể về ngày giải phóng Huế
Đã 46 mùa xuân đi qua, nhưng ký ức về mùa Xuân lịch sử năm 1975 vẫn còn đọng mãi trong tâm trí của các chiến sĩ cách mạng thuộc Tiểu đoàn trinh sát vũ trang nội thành Huế năm xưa. Những trận đánh 'quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh' của các anh đã phá tan âm mưu kìm kẹp của quân địch, góp sức làm nên chiến thắng, giải phóng quê hương Thừa Thiên-Huế…
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, năm 1966, Ban Chỉ huy lực lượng trinh sát vũ trang nội thành Huế chính thức được thành lập với 5 đồng chí cốt cán. Về sau, lực lượng của Ban ngày càng lớn mạnh và được chia làm 5 đội với nhiều tên gọi khác nhau. Trong số 120 lính trinh sát vũ trang thuộc Ban Chỉ huy lực lượng trinh sát vũ trang nội thành Huế có các đồng chí như Trần Phong, Hoàng Thức Bảo, Nguyễn Đình Xướng, Nguyễn Thị Lài… Với sự gan dạ, dũng cảm và mưu trí, lực lượng trinh sát vũ trang đã khiến quân địch phải khiếp sợ trong mỗi trận đánh.
Nhân kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên-Huế (26/3/1975 - 26/3/2021), chúng tôi tìm gặp Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Phong, tên thật là Trần Đình Lưỡng (SN 1929, quê ở thôn Lam Trung, xã Phú Thạnh, nay là thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang).
Dù tuổi cao, song ông Phong vẫn còn nhớ mãi không khí của những ngày cách mạng sục sôi vào mùa Xuân năm 1975. Ông kể, năm 1954, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông tập kết ra miền Bắc và tham gia lực lượng Công an vũ trang. Cuối năm 1966, ông được Bộ Công an tăng cường cho An ninh TP Huế, hình thành Ban Chỉ huy lực lượng trinh sát vũ trang hoạt động nội thành Huế theo yêu cầu nhiệm vụ mới. “Sau Mậu Thân, địch đánh phá rất ác liệt nhưng nhờ sự chuẩn bị trước nên lực lượng trinh sát vũ trang nội thành Huế vẫn cùng nhân dân kiên cường bám trụ lại vùng đồng bằng để hoạt động. Từ năm 1971, sau khi được phân công làm Phó ban rồi Trưởng ban An ninh TP Huế, tôi đã cùng với đồng đội tổ chức nhiều trận đánh địch và giành được chiến thắng vang dội”, ông Phong nhớ lại.
Trong chiến dịch giải phóng Huế vào mùa Xuân năm 1975, dù tướng ngụy Ngô Quang Trưởng hô hào “Tử thủ cho Huế” nhưng lính ngụy vẫn lo sợ trước các trận đánh của lực lượng An ninh TP Huế và các đơn vị chủ lực của quân giải phóng.
Ngày 22/3/1975, quân ta từ trên rừng tràn xuống chặn đường quốc lộ số 1 đi Đà Nẵng khiến lính ngụy đổ xô chạy về cửa Thuận An lên tàu thủy chạy vào Nam. Biết thời cơ đã đến, sau khi giải phóng các xã Thủy Thanh, Thủy Vân và Xuân Phú, ngày 23-3, ông Phong tập hợp cơ sở địa bàn chuẩn bị lực lượng tiến lên Huế. Ngày 24/3, trong lúc quân giải phóng từ bốn phía đổ vào Huế bao vây, truy kích địch, ông Phong cùng lực lượng An ninh TP Huế và trinh sát vũ trang mật tại địa bàn Hương Thủy chuẩn bị vũ khí đầy đủ tiến vào Huế.
“Lúc này, chúng tôi đột nhập vào chiếm lĩnh Ty Cảnh sát Thừa Thiên ở số 15 Trần Cao Vân, Trung tâm Cảnh sát sắc phục ở số 42 Hùng Vương, Trung tâm thẩm vấn Mỹ - ngụy trên đường Lê Quý Đôn, chiếm giữ lao tạm cho đến khi Huế hoàn toàn giải phóng”, anh hùng Trần Phong nhớ lại giây phút chiến đấu cùng đồng đội để giải phóng Huế.
Sau khi chiếm giữ các cơ sở của địch, lực lượng An ninh TP Huế đã gom tất cả tài liệu thu được đưa về vùng an toàn xã Thủy Xuân nhằm đề phòng địch ném bom phản kích. Đồng thời tổ chức lực lượng canh gác những nơi vừa chiếm được và tiếp tục tấn công các mục tiêu kho gạo, nhà máy nước, nhà máy điện, mở đường cho Trung đoàn Phú Xuân, Quân khu Trị Thiên tiến vào Ngọ Môn Huế và cắm lá cờ giải phóng trên kỳ đài Huế vào ngày 26/3/1975. Ông Phong bảo: “Nhờ lực lượng trinh sát vũ trang An ninh TP Huế tấn công vào Huế kịp thời, nhanh chóng, đóng góp thực lực tiêu diệt sinh lực địch, góp phần làm chủ thành phố, ổn định tình hình, giúp Huế giải phóng hoàn toàn”.
Cùng trò chuyện với chúng tôi, Anh hùng LLVTND Hoàng Thức Bảo, nguyên Đội trưởng Tiểu đoàn trinh sát vũ trang nội thành Huế năm xưa vẫn không thể nào quên những trận đánh địch do ông và đơn vị tổ chức, góp sức giải phóng Huế vào mùa Xuân 1975. Ông Bảo cho biết, trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, nếu không được sự giúp đỡ, che chở, bao bọc của nhân dân thì không thể làm được việc gì. Chính nhân dân đã đào hầm bí mật, che giấu và nuôi cơm cho lực lượng hoạt động cách mạng từng bữa.
Khi địch càn, không lên hầm bí mật được thì các cán bộ, chiến sĩ được nhân dân đưa cơm xuống hầm. Khi bắt được lính giải phóng trong nhà, chủ nhà cũng liền bị bắt tù, tra tấn dã man. Nếu phát hiện ra hầm bí mật trong nhà, chủ nhà bị địch bắn cảnh cáo chết ngay ở cửa hầm bí mật. Tuy nhiên, với tinh thần giúp đỡ cách mạng, sẵn sàng hy sinh, rất nhiều gia đình ở vùng đồng bằng Huế đã trở thành cơ sở cách mạng, giúp lực lượng An ninh TP Huế và quân giải phóng tổ chức nhiều trận đánh ngay trong lòng địch.
Một trong những trận đánh tiêu diệt sinh lực địch đến nay ông Bảo vẫn nhớ rõ, đó là trận đánh diễn ra trong 11 ngày đêm, lực lượng trinh sát vũ trang nội thành Huế giết được 200 tên địch tại địa đạo Khe Trái, Hương Trà bảo vệ thành công hậu cứ an ninh tỉnh. Tiếp đó, khi biết tin đại hội thi đua Công - Nông binh tại hậu cứ Khe Vàng, Hương Thủy được tổ chức, địch cho 1 tiểu đoàn tấn công. Gặp sự phản kích quyết liệt của lực lượng trinh sát nội thành Huế, chúng buộc phải rút lui, 100 đại biểu tham dự đại hội được bảo vệ an toàn.
Trận này ông Bảo và đồng đội tiêu diệt 50 tên địch, bắt sống hàng chục tên khác. “Với chỉ thị đánh lùi địch nhưng không lộ lực lượng, Tiểu đoàn trinh sát vũ trang do đồng chí Trần Phong, Trưởng ban An ninh TP Huế chỉ huy nghĩ ra cách cưa đôi đạn pháo chưa nổ rồi nhét kíp nổ vào trong, đặt dọc tuyến đường mà địch hành quân từ Hương Long về xã Hương Mai, thị xã Hương Trà. Khi địch đi qua, mìn phát nổ, tiêu diệt toàn đội thám báo và 1 máy bay địch bị cháy rụi. Chiến công vang dội này của lực lượng trinh sát vũ trang nội thành Huế đã nhân lên sức mạnh, ý chí và quyết tâm đánh địch trong lòng nhân dân, góp sức làm nên chiến thắng ngày giải phóng Huế”, ông Bảo kể tiếp.
Sau ngày Thừa Thiên-Huế giải phóng, Bộ Công an chi viện thêm cho Ban An ninh TP Huế 70 cán bộ để thành lập bộ máy có đầy đủ Ban Chỉ huy và các ban tổ chức, hậu cần, nghiên cứu tổng hợp cùng các đội quản lý trị an, cảnh sát bảo vệ, CSGT, chấp pháp, hình sự, bảo vệ nội bộ, an ninh chính trị. Thời điểm này, những người lính trinh sát vũ trang nội thành Huế được bố trí đảm nhiệm các chức vụ quan trọng.
Ngày 15/5/1975, Huế tổ chức lễ mít tinh mừng giải phóng với 5 vạn người tham dự. Lực lượng Công an TP Huế đã phối hợp với Công an tỉnh và Quân đội nỗ lực bảo đảm an ninh trật tự, góp phần vào thắng lợi của cuộc mít tinh. Ghi nhận thành tích và sự cống hiến, hy sinh qua các cuộc kháng chiến, sau này nhiều đồng chí trinh sát vũ trang nội thành Huế đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý anh hùng LLVTND.
Đến nay, 46 mùa Xuân trôi qua sau ngày quê hương Thừa Thiên-Huế được giải phóng nhưng chiến công của những đơn vị anh hùng, trong đó có lực lượng trinh sát vũ trang nội thành Huế sẽ vẫn mãi được khắc ghi trong lòng nhân dân. Thừa Thiên-Huế giải phóng mang ý nghĩa vô cùng to lớn, góp phần quan trọng vào chiến thắng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/cong-an/trang-11-db-chuyen-chua-ke-ve-ngay-giai-phong-hue-638939/