Chuyện chưa kể về những cái Tết sau song sắt
Tết đến là dịp sum họp gia đình nhưng với những phạm nhân tại trại giam, Tết Giáp Thìn 2024 này lại thêm một lần nữa đón xuân sau những song sắt.
Những cái Tết không người thân…
Những ngày giáp Tết, chúng tôi đến thăm Trại giam Kênh 7 - Bộ Công an, đóng tại địa bàn ba huyện An Biên, An Minh và U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang.
Nơi đây, mỗi phạm nhân mang một bản án khác nhau, mỗi người một hoàn cảnh nhưng ở họ có chung nghịch cảnh đó chính là cùng ngồi đếm thời gian cho quãng đời còn trong trại.
Đôi tay nhanh nhẹn chăm sóc những chậu cây kiểng trong khuôn viên trại, chuẩn bị đón tết, phạm nhân Trương Ngọc Lành (SN 1974, ngụ xã Hưng Yên, huyện An Biên) đang cải tạo ở Phân trại số 1, kể cho chúng tôi nghe về những cái Tết không có người thân.
Những ngày Tết, anh lại càng nhớ gia đình và ân hận vì hành vi phạm pháp của mình. Anh buồn bã: "Tôi đã có một công việc làm tốt, đủ lo cho gia đình. Chỉ vì lòng tham, tôi đánh mất tất cả".
Phạm nhân Lành chịu mức án chung thân về tội "Tham ô tài sản"; "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Do quá trình cải tạo tốt, anh được giảm án từ chung thân xuống còn 30 năm và đã được giảm thêm 2 năm 6 tháng. Hiện anh đã thụ án được hơn 15 năm.
Lành ước mong, sang năm mới, gia đình anh được mạnh khỏe. Riêng anh và các anh em cùng cảnh ngộ càng cố gắng học tập, cải tạo thật tốt để sớm trở về với gia đình và làm lại cuộc đời.
Năm nay, phạm nhân Kiều Đình Thọ (SN 1980, ngụ quận 7, TP.HCM, đang chấp hành án tại Phân trại số 2, Trại giam Kênh 7), sắp đón cái tết thứ tư trong trại vì phạm tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" với mức án 26 năm tù giam.
Nói về những cái Tết trong trại giam, anh chạnh lòng: "Ngày thường đã nhớ nhà, nhớ người thân; ngày Tết, nỗi nhớ lại tăng lên gấp bội, nhất là trong thời khắc giao thừa.
Ba cái Tết trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ mãi cảm giác trống vắng, cô đơn cái Tết đầu tiên trong trại. Dù vậy, đón Tết trong trại giam, chúng tôi luôn được sự quan tâm của ban giám thị và cán bộ quản giáo.
Bữa cơm ngày Tết cũng có bánh tét, thịt kho, dưa cải, củ kiệu, hoa quả, bánh, mứt… Trại giam còn tổ chức cho các ca sĩ về hát giao lưu với phạm nhân…".
Không khí xuân đã len lỏi vào Trại giam Kênh 7. Ngay từ đầu tháng 12 âm lịch, các cán bộ, phạm nhân tất bật chuẩn bị tết. Hàng năm, để các phạm nhân được đón xuân, vui tết, Trại giam tổ chức các hoạt động thể thao, các trò chơi dân gian và gói bánh tét,... tạo nên không khí đón tết vui tươi, phấn khởi.
Phạm nhân Nguyễn Thanh Bình đã trải qua 9 lần đón Tết trong trại giam chia sẻ: "Vào thời khắc giao thừa, ban giám thị cùng cán bộ quản giáo đến từng phân trại thăm hỏi, động viên, ân cần chúc tết chúng tôi, giúp chúng tôi xóa dần mặc cảm, tự ti.
Sau đó, chúng tôi cùng nhau liên hoan trong phòng với bánh mức, mọi người vừa ăn, vừa hát cũng phần nào giảm bớt nỗi nhớ nhà".
Những cán bộ hy sinh thầm lặng vì phạm nhân
Thấu hiểu cho những phận người lầm lỡ, nên dù nhiều năm liền không có cái Tết trọn vẹn bên gia đình, nhưng những cán bộ quản giáo vẫn vui, xem đây là cơ hội để họ gần gũi, chia sẻ với phạm nhân nhiều hơn.
Đại tá Lê Thế Tý - Giám thị trại giam Kênh 7 cho biết: "Tết Nguyên đán, theo quy định, phạm nhân được nghỉ bốn ngày (gồm một ngày cuối năm và ba ngày đầu năm mới). Và có tiêu chuẩn giá trị bữa ăn gấp năm lần ngày thường.
Ngoài ra, ban giám thị còn tặng mỗi đội phạm nhân một suất quà trị giá một triệu đồng nhằm động viên tinh thần. Những phạm nhân không có người nhà đến thăm nuôi, trại giam trích từ Quỹ Tấm lòng vàng hỗ trợ mỗi phạm nhân 200.000 đồng, đồng thời tổ chức gặp mặt động viên họ yên tâm cải tạo tốt và đón Tết vui vẻ, ấm áp.
Ngoài việc tổ chức cho phạm nhân đón Tết, dịp này, chúng tôi nghiêm túc, công khai bình xét giảm thời hạn chấp hành án tù; tổ chức công bố quyết định giảm án, tha tù trước thời hạn với những phạm nhân cải tạo tốt để họ kịp về đón Tết, đoàn tụ với gia đình".
Những ngày cuối năm, khi bên ngoài rộn ràng đón tết, không khí trong trại giam cũng trở nên sôi động hơn. Dù các phạm nhân, ai nấy đều có những nỗi niềm riêng nhưng với sự quan tâm của các cán bộ, chiến sĩ giúp phạm nhân vơi đi phần nào nỗi buồn trong cảnh đón Tết xa nhà ở một nơi thật đặc biệt.
Còn đối với cán bộ, chiến sĩ Trại giam Kênh 7, trực Tết đã thành "chuyện thường nhật". Bởi ngày Tết là thời gian cao điểm của đơn vị.
Không đơn thuần tăng cường lực lượng để đảm bảo công tác an ninh mà đây là khoảnh khắc nhạy cảm, dễ xao động của các phạm nhân. Vì vậy, cán bộ quản giáo vừa phải kiểm soát phạm nhân vừa quan tâm, gần gũi hơn để họ không khỏi mặc cảm.
Tết đến Xuân về vẫn là lúc "phần thiên lương" trong mỗi người được thức tỉnh. Họ nhớ về những cái Tết ngoài cánh cửa nhà tù, nhớ người thân, cuộc sống tự do, ân hận, ăn năn về hành vi phạm tội của mình.
Hiểu được tâm lý phạm nhân, để họ phần nào yên tâm cải tạo, tạo không khí gia đình sum vầy ấm cúng, công tác lo Tết cho phạm nhân được Ban giám thị Trại giam Kênh 7 quán triệt và thực hiện chu đáo từ rất sớm.
Vừa hướng dẫn và cùng với phạm nhân gói bánh tét ăn Tết, thượng tá Đinh Thị Thanh Khuyết – Đội trưởng Đội Giáo dục, hồ sơ (Trại giam Kênh 7) vừa chia sẽ: "Tổ chức cho phạm nhân một cái Tết ấm áp, vui vẻ cũng là cách giúp họ sớm hoàn lương.
Tết càng ấm áp càng có ý nghĩa trong việc thức dậy nỗi khát khao đoàn tụ gia đình trong mỗi phạm nhân. Đón Xuân này, họ hy vọng vào những Xuân sau, sẽ đón giao thừa ở gia đình chứ không phải trong đất trại".
Những ngày vào Xuân, trong cả hai phân trại của Trại giam Kênh 7 đều tràn ngập sắc hoa. Từng động tác thận trọng lên các cánh mai vàng (nhân tạo), các phạm nhân trang trí trên các bức tường nơi ở của họ làm mùa xuân thêm nở rộ.
Nhưng đẹp hơn vẫn là tình người ấm áp, trong chiếc bánh tét được gói lên bởi bàn tay từng gây tội lỗi.
Để có những ngày Tết sum vầy, an lành bên trong song sắt nhờ công lao không nhỏ, sự hy sinh, trách nhiệm thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ Trại giam Kênh 7 đang hết mình trong công cuộc gieo trồng những "mầm thiện", trả lại cho đời những con người hoàn lương…
Trong thời khắc thiêng liêng của đêm giao thừa, họ lại càng nhớ về những người thân yêu. Nỗi nhớ đó càng tiếp thêm sức mạnh giúp họ nỗ lực cải tạo tốt để ngày "trở về" được gần hơn.