Chuyện chưa kể về những người Do Thái đầu tiên thoát khỏi trại Auschwitz
Trại tập trung Auschwitz ở Ba Lan là nơi khét tiếng nhất trong hệ thống trại mà Đức Quốc xã từng xây dựng trên khắp châu Âu, với các lớp an ninh bảo vệ nghiêm ngặt để đảm bảo bí mật cao nhất cho cỗ máy giết người này. Một ngày tháng 4-1944, một cặp tù nhân người Do Thái đã may mắn vượt ngục thành công, thoát ra khỏi trại tử thần Auschwitz và cho thế giới biết sự thật kinh hoàng tại đây. Họ đã làm điều đó như thế nào?
Tội ác ngoài sức tưởng tượng
Walter Rosenberg, người Slovakia đến trại tập trung Auschwitz khi mới 17 tuổi, vào đầu tháng 7-1942. Vào một buổi chiều, Walter và hàng nghìn người khác đứng lặng chứng kiến một vụ treo cổ công khai 2 tù nhân vì tội bỏ trốn. Đức Quốc xã muốn Walter và mọi tù nhân khác hiểu rõ rằng vượt ngục là vô ích, rằng bất kỳ nỗ lực nào cũng đều bị ngăn chặn. Nhưng Walter đã rút ra một bài học rất khác: Nguy hiểm không đến từ việc cố gắng trốn thoát, mà đến từ kế hoạch thất bại. Chẳng bao lâu sau, Walter Rosenberg tích cực đứng vào hàng ngũ chống đối bí mật của trại. Khao khát thoát khỏi trại tử thần này ngày càng lớn vì thanh niên này càng không chịu đựng được tội ác tột cùng đang diễn ra trước mắt.
Hầu hết người Do Thái bị đưa đến Auschwitz phòng hơi ngạt, nhưng một số, như Walter, bị giam giữ như những nô lệ. Trong gần 2 năm, Walter Rosenberg vẫn giữ được mạng sống của mình bởi vòng xoay của số phận. Suốt thời gian đó, tù nhân này không bị buộc phải làm công việc khủng khiếp nhất - lấy xác chết từ phòng hơi ngạt - nhưng đã chứng kiến mọi giai đoạn của quá trình giết người ở mức độ “công nghiệp hóa” của trại tập trung này.
Trong 10 tháng, Walter Rosenberg làm việc ở Judenrampe, sân ga đường sắt nơi các đoàn tàu tới tấp vào, đưa hàng trăm nghìn người Do Thái đến từ khắp châu Âu. Công việc của thanh niên này là bốc dỡ hàng, và quá trình làm việc, Walter đã phát hiện ra rằng Đức Quốc xã đã nói dối các nạn nhân ở mọi bước trong hành trình dẫn tới sự diệt chủng. Khi lên tàu, người Do Thái tin rằng họ sẽ hưởng một cuộc sống mới ở khu “tái định cư phía Đông” như cách gọi của Đức Quốc xã. Họ mang theo cả đồ đạc vì nghĩ rằng họ sẽ được xây nhà mới, sẽ cần xoong nồi, quần áo hay đồ chơi trẻ em. Tới nơi, những người đến từ Paris hoặc Amsterdam - nơi có cuộc sống văn minh hơn, cảm thấy nhẹ nhõm vì được đón tiếp bằng thức ăn và đồ uống có sẵn còn hành lý được sắp xếp gọn gàng. Quá trình những người mới đến được đưa lên xe tải tới các phòng hơi ngạt, nếu có ai hỏi đi đâu, câu trả lời với họ là: “Để khử trùng”.
Chuyến xe còn đi ngang qua xe cấp cứu - một chiếc xe tải quân sự màu xanh lá cây với chữ thập đỏ. Xe chở một bác sĩ nhưng mục đích của ông ta không phải là chữa bệnh hay cứu sống người bệnh. Thực chất, bác sĩ chính là người giám sát quá trình nạp khí, và hàng hóa trên tàu bao gồm những lon Zyklon B: khí độc. Walter biết tất cả những điều đó, bởi thỉnh thoảng, tù nhân này phải vận chuyển những hộp khí độc chết người lên xe tải. Khi những người Do Thái cuối cùng bị đẩy vào bên trong phòng hơi ngạt, trò gian trá vẫn chưa kết thúc. Biển báo trên cửa ghi: “Phòng tắm”. Trong lò hỏa táng II, trần nhà thậm chí rải rác vòi hoa sen giả.
Walter sớm hiểu rằng tất cả những điều này không phải là một trò đùa tàn nhẫn và phức tạp. Nó có một mục đích rõ ràng và hợp lý. Đơn cử, một đêm nọ, đoàn tàu từ Tiệp Khắc đến trại Auschwitz. Một trong những người xuống tàu là một bà mẹ ăn mặc đẹp, nắm tay hai đứa con nhỏ của mình tiếp cận một sĩ quan người Đức tố cáo: “Cảnh sát, một trong số tù nhân đã nói với tôi rằng tôi và các con của tôi sẽ bị giết”. Cảnh sát Đức quốc xã sau đó tìm được “thủ phạm” là một đồng đội trẻ của Walter. Sau đó, Walter nằm trong số những người khiêng xác anh ta về trại. Walter hiểu tại sao Đức quốc xã lại cố chấp giữ cho nạn nhân không biết về số phận của họ cho đến giây phút cuối đời: Bọn họ cần cỗ máy giết người vận hành trơn tru và không bị gián đoạn, nên cần bưng bít mọi thông tin bất lợi.
Vào ngày 7-4-1944, sau nhiều ngày trì hoãn, nhiều tuần bị ám ảnh, nhiều tháng chứng kiến những vụ vượt ngục thất bại và 2 năm nhìn thấy vực sâu cùng cực của con người, Walter xác định đã đến lúc phải bỏ trốn.
Kế hoạch táo bạo
Hôm đó, Walter và người bạn tù Fred Wetzler, 25 tuổi, không ngần ngại trèo lên trên một đống gỗ, tìm thấy lỗ hổng rồi chui vào trong. Lập tức, đồng đội của họ lấy tấm ván đậy lên. Một trong số họ thì thầm: “Chúc chuyến đi thành công”. Không chậm trễ, Walter bắt đầu lôi ra machorka, loại thuốc lá rẻ tiền của Liên Xô, ngâm vào xăng và sấy khô, đúng như chỉ dẫn. Tù nhân này nhét vào những khe nứt giữa các tấm gỗ, với hy vọng mùi hương của nó sẽ xua đuổi loài chó khi chúng đến đánh hơi truy tìm.
Walter và Fred chỉ cần trốn trong boongke bên dưới đống gỗ này một cách an toàn trong 3 ngày 3 đêm. Walter sốt ruột liên tục nhìn vào kim đồng hồ phát quang của đồng hồ. Cả hai thanh niên, đều đến từ thị trấn nhỏ Trnava của Slovakia, siết chặt tay nhau chờ đợi. Vào lúc 18h hôm đó, tiếng còi báo động vang lên. Âm thanh chói tai nhưng mọi tù nhân cảm thấy hân hoan trong lòng vì ít nhất một trong số họ có thể đã trốn thoát. Những tiếng chân rầm rập đi trên mặt đất, tiếng quát hét ra lệnh và cả tiếng chó sủa ầm ĩ. Cuộc tìm kiếm bắt đầu và sẽ kéo dài trong 3 ngày. Fred và Walter biết chính xác điều này: Phần bên ngoài của trại chỉ có lực lượng canh gác vào ban ngày, khi các tù nhân lao động như nô lệ, còn ban đêm, tù nhân phải vào khu trại bên trong có hàng rào dây điện quây kín. Nhưng quy tắc có một ngoại lệ, đó là nếu một tù nhân mất tích, cảnh sát duy trì vòng tìm kiếm bên ngoài trong vòng 72 giờ. Sau đó, nếu kết luận rằng người đó đã trốn thoát, mật vụ Gestapo có trách nhiệm phải lùng sục khắp vùng rộng lớn hơn. Vậy là, nếu sau 3 ngày đêm sau khi chuông báo động vang lên, Walter và Fred có mặt ở ngoài trại không có người bảo vệ vào đêm thứ tư, họ có thể trốn thoát.
Hai ngày trôi qua, đó là vào thứ bẩy và chủ nhật, lính Đức tiếp tục lùng sục. Fred và Walter sững người khi nghe thấy hai người đàn ông người Đức cách chỗ họ nấp chỉ vài thước. “Họ không thể chạy trốn, chắc hẳn vẫn còn trong trại. Còn đống gỗ đó thì sao?”, một người hỏi. Walter giữ chặt con dao mang trong mình, Fred cũng làm vậy. May mắn thay, một tiếng động bất ngờ vang lên từ phía xa, có những giọng nói đầy phấn khích. “Bắt được chúng rồi! Nào... Nhanh lên”, một trong hai người nói rồi họ bỏ đi.
Đêm chủ nhật bước sang thứ hai, tiếng ồn ào của cả con người và động vật vang lên lần nữa. Đến 18h30, Walter và Fred cuối cùng cũng nghe thấy âm thanh mà họ hằng mong ước. “Postenkette abziehen!”, đó là lệnh dừng tìm kiếm bên ngoài lan truyền khắp các tháp canh quanh vành đai của trại. Sau 3 ngày nằm ép một chỗ, Walter tê dại cả người, chỉ nhích chút một cũng cảm thấy đau ê ẩm. Việc tiếp theo của họ là hít một hơi thật sâu và đẩy tấm ván ra, thoát ra khỏi cái hố đó.
Kiệt sức vì 3 ngày tự giam cầm, họ cần phải đi, nhưng trước tiên họ đặt các tấm ván trở lại vị trí ban đầu. Một phần là xóa dấu vết, nhưng một phần là hy vọng rằng điểm bí mật này có thể dùng làm cửa thoát hiểm cho người khác. Fred và Walter trở thành những người Do Thái đầu tiên tự tìm cách trốn thoát khỏi trại Auschwitz, nhưng họ không muốn mình là người cuối cùng. Sau đó, họ tiến về phía tây, hướng tới khu rừng bạch dương nhỏ. Hàng rào ở đây không gắn đèn hay nối điện, vì thế họ chui qua, nhìn lại lần cuối ống khói của lò hỏa táng đang phun ra ngọn lửa màu xanh lục và khói dày đặc. Họ cứ rón rén bước đi, chân tay vẫn còn cứng đờ.
Đến khoảng 2 giờ sáng, băng qua bãi đất trống, họ đến một biển chỉ dẫn cảnh báo: “Chú ý! Trại tập trung Auschwitz. Bất cứ ai được tìm thấy trên những vùng đất này sẽ bị bắn mà không cần cảnh báo!”. Ngày 10-4-1944, hai người thực sự đã thoát ra khỏi trại Auschwitz. Lúc đó, họ sẽ bắt tay vào sứ mệnh thực sự của mình: Cảnh báo thế giới về những nỗi kinh hoàng bên trong trại diệt chủng ấy.
Sau khi trốn khỏi trại, Walter và Fred tiếp tục chạy, đi bộ xuyên qua núi, đầm lầy và sông ở Ba Lan vốn bị phát xít Đức chiếm đóng rồi về đến quê hương Slovakia. Tại đó, họ đã viết một bản báo cáo dài 32 trang, tường thuật chi tiết về cuộc tàn sát hàng loạt ở trại tử thần Auschwitz-Birkenau. Cuối cùng, thông tin này được truyền đến các nhà lãnh đạo khắp thế giới, để rồi 200.000 người Do Thái được cứu sống kịp thời. Quá trình che giấu thân phận sau này, Walter đã lấy tên giả là Rudolf Vrba, sống đến cuối đời ở Vancouver năm 2006, thọ 81 tuổi.
Fred và Walter trở thành những người Do Thái đầu tiên tự tìm cách trốn thoát khỏi trại Auschwitz. Ngày 10-4-1944, hai người thực sự đã thoát ra khỏi trại tử thần này để rồi bắt tay vào sứ mệnh thực sự của mình: Cảnh báo thế giới về những nỗi kinh hoàng bên trong trại diệt chủng ấy.