Chuyện chưa từng có: người bán dầu phải...trả tiền cho người muaChuyện chưa từng có: người bán dầu phải...trả tiền cho người mua
Trong một phiên giao dịch kinh hoàng, chưa có tiền lệ trong lịch sử, giá dầu Tây Texas (WTI) tương lai ở Mỹ bất ngờ lao sâu dưới vùng âm, tức người bán phải trả tiền cho người mua!
Diễn biến lạ lùng này xảy ra khi giới đầu tư bán tống bán tháo những hợp đồng dầu WTI ngay trước ngày đáo hạn vì không muốn nhận những thùng dầu vật chất không còn nơi nào để chứa.
Chốt phiên giao dịch hôm 20-4, giá dầu WTI tương lai giao tháng 5 lao dốc về mức -37,63 đô la/thùng, lần đầu tiên rơi vào vùng giá âm kể từ khi thị trường dầu tương lai ở New York bắt đầu vận hành vào năm 1983. Mức giảm 55,9 đô la (305,97%) trong ngày hôm qua của giá dầu WTI cũng là mức giảm mạnh nhất trong lịch sử.
Trong phiên giao dịch, đà giảm của giá dầu WTI nhiều lần gây “há hốc mồm” cho giới đầu tư và quan sát.
Mức giá "khóc thét"
Ban đầu, dầu WTI lao về sát vùng giá 10 đô la/thùng, tức giảm hơn 40%. Càng dần về cuối phiên, diễn biến càng kịch tính hơn, khi giá dầu tiếp tục cắm thẳng xuống vùng giá 5 đô la, rồi 1 đô la, thậm chí 0,01 đô la/thùng rồi bật lên lại.
Những tưởng giá dầu WTI đã tìm thấy đáy ở mốc giá lịch sử này. Nhưng không lâu sau đó, giá dầu xuyên xuống vùng giá âm và có lúc chạm mức -40,32 đô la/thùng trước khi chốt phiên với mức -37,63 đô la.
Lý do khiến giá dầu WTI giảm về mức giá không tưởng là khi nền kinh tế bất toàn cầu bất động, dầu dư thừa tràn ngập các kho dự trữ đến mức các nhà sản xuất dầu ở Mỹ không còn chỗ để chứa dầu. Trong tình huống như vậy, không nhà đầu tư nào muốn nhận các thùng dầu khi hợp đồng dầu WTI đáo hạn vào hôm nay 21-4.
Tuy nhiên, giá dầu WTI tương lai giao tháng 6 chốt phiên giao dịch hôm qua với mức giá 20,43 đô la/thùng, chỉ giảm 18%. Hợp đồng dầu này giao dịch với khối lượng lớn hơn, do đó, phản ánh đúng hơn hiện thực của thị trường dầu nói chung hiện nay. Chênh lệch giữa hai hợp đồng WTI tương lai sát nhau (tháng 5 và tháng 6) lên đến gần 58 đô la, lớn nhất trong lịch sử. Điều đó cho thấy giới đầu tư đang cực kỳ lo lắng về sức chứa tức thời của các kho trữ dầu.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 6 ở thị trường London giảm 8,9% về mức 25,57 đô la/thùng.
Daniel Yergin, nhà lịch sử từng đạt giải Pulitzer và là Phó Chủ tịch Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit, gọi mức giá âm của hợp đồng dầu WTI giao tháng 5 là “tiếng khóc thét” của giới đầu tư.
Đà suy giảm khó chặn
Trong thời gian qua, thị trường dầu thô giảm mạnh do nhu cầu mất mát quá lớn trước tác động khủng khiếp của dịch bệnh Covid-19 và cuộc chiến giá dầu giữa Ả rập Saudi và Nga. Hoạt kinh tế và sản xuất đang đình trệ trên toàn cầu khi các chính phủ áp đặt các lệnh phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19. Điều này khiến thành quả tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong một thập kỷ qua bị xóa sạch.
Dù các nước thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả rập Saudi dẫn đầu và các nước đồng minh ngoài OPEC do Nga đứng đầu (hay còn gọi là nhóm OPEC+) đã đồng ý cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6 nhưng thỏa thuận này vẫn quá ít ỏi và quá muộn màng khi các lệnh phong tỏa đi lại trên toàn cầu khiến nhu cầu dầu giảm gần 30%, tương đương 30 triệu thùng/ngày.
Giờ đây, giá dầu chịu áp lực lớn khi nguồn cung tràn ngập thị trường khiến các kho trữ dầu không còn chỗ chứa.
Manish Raj, Giám đốc tài chính của Công ty tư vấn năng lượng Velandera Energy, cho biết nhiều nhà sản xuất Mỹ đang tự nguyện cắt giảm sản lượng khai thác vì lý do kinh tế chứ không phải vì mệnh lệnh của chính phủ.
Ông nhận định thỏa thuận cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng/ngày gần đây của OPEC + và các mức cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện của khối các nền kinh tế lớn G20 có thể dần dần giúp thị trường dầu tái cân bằng và cuối năm nay. Tuy nhiên, các cam kết cắt giảm này chỉ được thực hiện dần trong tương lai trong khi đó, nhu cầu dầu trước mắt đang sụp đổ và hàng chục triệu thùng dầu đang không có ai mua ngay.
“Có rất ít khả năng ngăn chặn thị trường dầu vật chất (sẵn có) khỏi xu hướng suy giảm nghiêm trọng trong ngắn hạn. Các nhà máy lọc dầu đang từ chối tiếp nhận dầu thô và khi các kho chứa dầu ở Mỹ đang nhanh chóng tràn đầy, các lực lượng thị trường sẽ chịu tổn thất thêm nữa cho đến khi hoặc giá dầu chạm đáy hoặc là dịch Covid-19 được kiểm soát”, Michael Tran, Giám đốc phụ trách chiến lược năng lượng toàn cầu ở Công ty RBC Capital Markets, nhận định.
Khi các nhà sản xuất trên thế giới tiếp tục bơm dầu và dịch Covid-19 chưa biết khi nào kết thúc, các nhà đầu tư trên thị trường dầu tương lai buộc phải bán tháo những thùng dầu không còn nơi để chứa.
Khánh Lan