Chuyện chuyển đổi số của những tài xế, quán nhỏ đất Cố đô

Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn tạo cơ hội để cho người lao động, tiểu thương phát triển trong thời đại công nghệ. Tại Huế, nhiều người đã tìm thấy hướng đi mới, có thêm cơ hội thu nhập và mở rộng kinh doanh khi đồng hành cùng Grab.

Tài xế công nghệ – Cơ hội sinh kế mới từ nền tảng số

Đã từng có 10 năm gắn bó với công việc lái xe tải chuyên nghiệp thế nhưng anh Lê Ngọc Thuận (42 tuổi, Huế) lại quyết định thay đổi công việc, lựa chọn trở thành tài xế bốn bánh của Grab. Lý giải về quyết định này, anh bộc bạch: “Tôi thấy công việc này phù hợp với mình hơn. Ngoài việc có thời gian dành cho gia đình, tôi còn có cơ hội gặp gỡ nhiều người. Dù là đưa đón hành khách dễ chịu hay không may gặp hành khách khó tính, tôi đều học hỏi và rút ra được nhiều kinh nghiệm về giao tiếp.”

Anh Thuận chia sẻ thêm rằng một điều anh đặc biệt “thích” khi chạy xe công nghệ là tính minh bạch. “Khách hàng biết trước lộ trình và giá cả nên dường như họ cũng dễ chịu hơn đối với mình, hạn chế những tranh cãi không đáng có”.

Các chuyến xe công nghệ mở ra cơ hội sinh kế cho người dân ở nhiều tỉnh thành

Các chuyến xe công nghệ mở ra cơ hội sinh kế cho người dân ở nhiều tỉnh thành

Ở một hoàn cảnh khác, chị Lê Thị Tuyết Minh (49 tuổi, Huế) đã từng có giai đoạn khá khó khăn khi kinh doanh quán ăn nhưng không thành công. Gánh vác vai trò trụ cột gia đình, chị vừa phải lo tiền thuê nhà, vừa phải lo chi phí học đại học cho hai con. Bước ngoặt đến khi chị bén duyên với Grab. Bắt đầu từ việc “chạy” GrabFood rồi đến GrabBike, công việc tài xế này mở ra cơ hội giúp chị xoay chuyển cuộc sống.

“Tôi trở thành đối tác tài xế của Grab từ năm 2019, công việc này không chỉ giúp tôi có thể tiếp tục nuôi hai con đang học đại học mà còn cảm thấy vui vẻ hơn sau những khó khăn trong công việc buôn bán trước đây”, chị Minh chia sẻ, xem đây là "một cánh cửa mới mở ra" cho mình.

Quán ăn nhỏ tận dụng công nghệ để phát triển

Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều chủ nhà hàng “lao đao”, đặc biệt là các quán ăn nhỏ. Cửa hàng Rina - Bánh Khoái – Nem Lụi của chị Nguyễn Tôn Nữ Xuân Tiên ra đời vào đúng thời điểm khó khăn ấy. Thế nhưng, thay vì “đầu hàng”, chị Tiên lại tìm cách biến đó thành cơ hội khi quyết định hợp tác với Grab.

Nhờ tích cực tham gia các chương trình quảng bá của GrabFood và tối ưu quy trình chế biến, cửa hàng Rina - Bánh Khoái – Nem Lụi đã không chỉ không chỉ vượt qua giai đoạn khó khăn mà còn vươn lên trở thành một trong những điểm bán có doanh thu hàng đầu tại thành phố. “Từ khi hợp tác với Grab, quán tôi có nhiều khách hàng hơn. Hiện tại, đơn hàng đặt online còn nhiều hơn đơn hàng ăn tại quán vì khách thấy tiện lợi, có thể đặt hàng bất cứ lúc nào họ muốn mà phần ăn online thì tôi vẫn đảm bảo chất lượng và đầy đủ đồ ăn kèm như tại quán.” – chị Tiên hào hứng chia sẻ.

Đặc biệt, nhờ hợp tác với Grab, chị có cơ hội tham gia nhiều các chương trình hỗ trợ cho vay để mở rộng hoạt động kinh doanh. “Tôi có thể mua sắm thêm nhiều trang thiết bị phục vụ cho quán cũng là nhờ các chương trình cho vay này.” – chị Tiên cho biết thêm.

Rina – Bánh Khoái – Nem Lụi là một trong những cửa hàng có doanh số tốt nhất trên Grab tại Huế

Rina – Bánh Khoái – Nem Lụi là một trong những cửa hàng có doanh số tốt nhất trên Grab tại Huế

Không chỉ mang đến những dịch vụ ngày càng đa dạng và tiện lợi cho người dân, Grab còn đang góp phần thúc đẩy kinh tế số tại Huế. Mới đây, ứng dụng này đã chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác ba năm với chính quyền thành phố. Thỏa thuận hợp tác trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ giao thông vận tải, du lịch đến hỗ trợ các hộ kinh doanh, tiểu thương và người dân địa phương nâng cao kỹ năng số.

Thỏa thuận hợp tác này tạo điều kiện cho Grab tiếp tục lan tỏa các các lợi ích của kinh tế số đến nhiều người dân Huế hơn nữa trong thời gian tới. Các câu chuyện tương tự như chuyện của chị Minh, anh Thuận hay chị Tiên chủ quán nhỏ Rina sẽ được viết tiếp.

P.V

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chuyen-chuyen-doi-so-cua-nhung-tai-xe-quan-nho-dat-co-do-post1729201.tpo