Chuyện cô thương binh gương mẫu trong đời thường

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, dù trên người mang nhiều vết thương nhưng cô tiếp tục tham gia công tác xã hội, phát triển kinh tế gia đình... đó là tấm gương của cô Nguyễn Thị Thành sinh năm 1949, quê ở xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh, hiện sinh sống ở ấp Giồng Lãnh 1, xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại Sài Gòn (cả ba, mẹ và các anh trong gia đình đều tham gia kháng chiến). Năm 1962, khi vừa 13 tuổi, cô lên đường tham gia hoạt động kháng chiến tại Chiến khu D, với chức vụ y sĩ quân y.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, với tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường, bất khuất, luôn nêu cao tinh thần chiến đấu, cô cùng đồng chí, đồng đội vượt qua nguy hiểm, hoàn thành nhiệm vụ vì quê hương, đất nước. Trong lúc đang làm nhiệm vụ, cô bị địch bắn bị thương, để lại trên mình với tỷ lệ thương tật là 21%. Bản thân cô bị nhiễm chất độc hóa học màu da cam với tỷ lệ 46%.

Năm 1974, cô Thành kết hôn với chú Trần Thành Nguyên (sinh năm 1945), tham gia cách mạng tại Phòng Hậu cần Quân khu 7. Trong quá trình công tác tại chiến khu, cô có nhiều thành tích trong công tác và đã nhận Đảng và Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Kháng chiến Hạng Nhì; 3 Huân Chương Giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; nhiều Bằng khen, Giấy khen của Quân khu.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, hai vợ chồng cô Thành trở về quê chồng ở xã Giồng Lãnh 1, xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông sinh sống và làm việc cho đến nay. Mặc dù sức khỏe giảm nhưng cô vẫn tiếp tục tham gia công tác tại Trạm Y tế xã Tăng Hòa với chức vụ là Trưởng trạm và chồng cô được giao nhiệm vụ làm Trưởng Công an xã Tăng Hòa. Trong thời gian làm Trưởng trạm Y tế xã, cô được nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của Sở Y tế.

Tuy cô Thành và chồng đều làm cán bộ tham gia công tác tại xã nhà, nhưng cả hai luôn cố gắng phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình. 2 vợ chồng cô đầu tư trồng lúa và dừa trên 7 công đất của gia đình. Từ đó, gia đình cô cất được nhà kiên cố, nuôi 3 người con ăn học đến nơi đến chốn và thành đạt. Điều đáng ghi nhận là sau chiến tranh, trở về cuộc sống đời thường, mặc dù bị nhiều thương tật, gặp nhiều khó khăn, nhưng cô vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Cô Thành chia sẻ: “Vì muốn đóng góp cho sự nghiệp cách mạng nên khi được giao nhiệm vụ nào tôi đều cố gắng hoàn thành. Khi về cuộc sống đời thường, tôi nghĩ mình phải cố gắng vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế, tự tạo dựng cuộc sống cho bản thân và gia đình”.

Khi về hưu, cô Thành luôn gương mẫu, nhiệt tình tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương. Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, cô cùng các con đều hỗ trợ kinh phí cho địa phương để thăm, tặng quà cho hộ gia đình nghèo, khó khăn tại xã Tăng Hòa. Ngoài ra, cô đã tích cực vận động người dân trong ấp, trong xã thực hiện tốt mọi chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước và cô luôn là người đi đầu trong vận động xây dựng các loại quỹ của ấp, của xã…

Vừa qua, cô vinh dự được huyện Gò Công Đông chọn và là 1 trong 3 người có công tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang đi dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023 tại TP. Huế nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

SONG AN

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202307/chuyen-co-thuong-binh-guong-mau-trong-doi-thuong-985907/