Chuyển công an điều tra sai phạm tại VEAM
Tại VEAM, mất xe này mua xe khác, mua linh kiện về ráp để rồi xe không được xét lưu hành, bổ nhiệm cán bộ không cần ban hành quyết định…
Bộ Công Thương vừa công bố kết luận thanh tra về công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản; tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh; công tác tổ chức cán bộ tại Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp (VEAM).
Đồng thời, từ kết luận trên, Bộ Công Thương chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an để làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý kinhtếgây hậu quả nghiêm trọng.
Mất xe này, mua xe khác giá… cao vời vợi
Theo bản kết luận thanh tra, từ năm 2010 đến giữa năm 2018, công tác quản lý tài sản, vốn của Nhà nước ở VEAM có nhiều vi phạm dẫn đến mất tiền, tài sản. Cụ thể, công tác kiểm kê tài sản chưa đầy đủ, không chính xác. Điển hình là VEAM bị mất một ô tô Toyota Fortuner với nguyên giá 1 tỉ đồng nhưng bản kiểm kê tài sản hằng năm không ghi còn hay mất. Táo tợn hơn, trong nhiều bản thống kê có ghi nhận (tên) tài sản nhưng không kiểm kê; tính khấu hao tài sản, thanh lý tài sản chưa đúng quy định…
Từ năm 2010 đến 2015, VEAM đã mua ô tô sai quy định của Thủ tướng Chính phủ. Tổng số tiền mua vượt quy định là 2,6 tỉ đồng. Trong năm 2016, VEAM mua xe Toyota Landcruiser (1UR - 0602341) cao hơn mức quy định của Bộ Tài chính số tiền là 990 triệu đồng; ô tô Honda Odyssey cao hơn là 209 triệu đồng. Đáng lưu ý là việc mua các xe trên với giá cao… vời vợi đã không được VEAM thực hiện qua đấu thầu theo như quy định.
Theo bản kết luận, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, VEAM đã để xảy ra các vi phạm như lưu trữ hồ sơ không đầy đủ liên quan đến quản lý tài sản, vốn đầu tư tại VEAM, Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo, Nhà máy ô tô VEAM. Cạnh đó là lỏng lẻo trong quản lý, sử dụng vốn tại một số đơn vị đang thua lỗ, gây mất vốn chủ sở hữu.
Mua linh kiện để… chơi
Theo các quy chuẩn kỹ thuật và quy định về quản lý, các loại linh kiện, phụ kiện mua, dùng lắp ráp cho ô tô phải đạt chuẩn và được kiểm định (đạt) trước khi xuất xưởng, bán ra thị trường, lưu hành. Trong việc mua 1.500 bộ linh kiện giữa VEAM và Chi nhánh Công ty TNHH MeKong Auto (MKA) đã xảy ra nhiều sai phạm. Cụ thể, với lô 540 xe đã lắp các bộ linh kiện trên đã bị cơ quan đăng kiểm… từ chối, không thực hiện đăng kiểm, không được phép lưu hành.
Ngoài ra, trong thương vụ trên, năm 2017, Tổng Giám đốc Trần Ngọc Hà đã ủy quyền phó tổng giám đốc và kế toán trưởng chuyển 78,84 tỉ đồng cho Chi nhánh MKA (VEAM góp 39,6 tỉ đồng, chiếm gần 50% vốn điều lệ tại chi nhánh này) để nhập khẩu 1.500 bộ linh kiện ô tô trên, trong khi VEAM chưa có phương án kinh doanh cũng như chưa có hợp đồng kinh tế với chi nhánh này.
Bản kết luận thanh tra cho biết một vụ mua linh kiện khác để… chơi là VEAM mua 3.000 bộ linh kiện của Công ty Cổ phần Thành Công (TCG) không có trong kế hoạch sản xuất của Nhà máy ô tô VEAM, không được phê duyệt của hội đồng quản trị. Việc mua 3.000 bộ linh kiện của VEAM là vượt thẩm quyền, không thực hiện việc tham khảo giá và đàm phán giá theo quy định.
Theo tài liệu, trong quá trình quản lý, mua linh kiện trên, ngày 18-10-2017, Tổng Giám đốc Trần Ngọc Hà đã ký hợp đồng cầm cố giấy tờ tại Sacombank để bảo lãnh cho MKA với số tiền 136,72 tỉ đồng khi chưa được phê chuẩn của hội đồng quản trị VEAM.
Bổ nhiệm cán bộ không có quyết định
Theo kết luận thanh tra, VEAM đã để xảy ra một loạt sai phạm trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Một số vi phạm cụ thể như: Hồ sơ bổ nhiệm không đầy đủ; không ban hành các quyết định bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo đơn vị phù hợp với mô hình tổ chức mới của VEAM là công ty mẹ - công ty con…
Bộ Công Thương đánh giá việc thực hiện công tác cán bộ không đúng quy định trong giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6-2018, trách nhiệm thuộc về giám đốc các thời kỳ là ông Nguyễn Thanh Giang, ông Lâm Chí Quang và ông Trần Ngọc Hà. Trong đó, theo Bộ Công Thương, các sai phạm xảy ra ở VEAM “rơi” vào các giai đoạn ông Trần Ngọc Hà làm chủ tịch HĐQT (2011-2014) và tổng giám đốc (2015-2018).
Thua lỗ nhưng sống nhờ liên doanh
Theo kết luận thanh tra, giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6-2018, kết quả kinh doanh hợp nhất tại VEAM hằng năm đều có lãi, tuy nhiên chủ yếu là lợi nhuận từ các công ty liên doanh (Toyota, Honda...) mang lại. Trong khi đó hoạt động sản xuất, kinh doanh tại nhiều đơn vị thuộc VEAM không đạt hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Quá trình quản lý, điều hành tại VEAM và một số đơn vị thành viên còn tồn tại nhiều sai phạm, thiếu sót.
Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/chuyen-cong-an-dieu-tra-sai-pham-tai-veam-835885.html