Chuyến công du châu Á đầu tiên của ông Biden
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ có chuyến thăm đầu tiên đến châu Á (thăm Hàn Quốc và Nhật Bản) từ ngày 20 đến ngày 24 tháng 5.
Theo đó, ông Biden sẽ thảo luận với các đối tác về việc đưa quan hệ an ninh đi vào chiều sâu, tăng cường quan hệ kinh tế và hợp tác chặt chẽ; gặp gỡ các nhà lãnh đạo tham dự Nhóm “Đối thoại an ninh Bộ tứ” gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ tại Tokyo, Nhật Bản. Mỹ hy vọng thông qua chuyến thăm này sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ giữa chính phủ, kinh tế và người dân với Hàn Quốc và Nhật Bản, thúc đẩy “cam kết về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở cũng như củng cố quan hệ với đồng minh trong khu vực”.
Chuyến thăm của ông Biden diễn ra trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine tiếp diễn, quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng và CHDCND Triều Tiên tăng cường thử nghiệm vũ khí. Trọng tâm của chuyến thăm sẽ là tăng cường đoàn kết đồng minh, điều chỉnh chính sách ngoại giao với châu Á.
Một mặt, ông Biden đang ở giai đoạn quan trọng của nhiệm kỳ, cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã trở thành vấn đề kéo dài cho năm thứ 2 trong nhiệm kỳ của ông. Ông Biden từng cam kết cung cấp hàng tỷ USD viện trợ cho Ukraine và tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga nên cần sự hỗ trợ và hợp tác của các đồng minh. Mặt khác, ông Biden là Tổng thống Mỹ thứ 3 trong những năm gần đây liên tiếp tuyên bố chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á để đối phó với Trung Quốc. Do bị ảnh hưởng bởi yếu tố dịch bênh COVID-19 nên chuyến thăm châu Á đầu tiên trong trong nhiệm kỳ của ông Biden muộn hơn so với hầu hết những người tiền nhiệm, cách 16 tháng sau khi nhậm chức. Quan chức Nhà Trắng cho biết mặc dù bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Ukraine, nhưng Mỹ vẫn tập trung vào các vấn đề châu Á.
Hãng tin Yonhap cho biết ông Biden sẽ thăm Hàn Quốc từ ngày 20 đến ngày 22-5, tổ chức hội nghị thượng đỉnh với tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol vào ngày 21-5. Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước, diễn ra 11 ngày sau khi ông Yoon Suk-yeol nhậm chức.
Theo nhóm cố vấn của ông Yoon Suk-yeol, hai tổng thống sẽ tiến hành thảo luận sâu rộng về sự phát triển của liên minh Hàn - Mỹ, hợp tác chính sách đối phó với CHDCND Triều Tiên, an ninh kinh tế và các điểm nóng ở khu vực và quốc tế, hy vọng thông qua chuyến thăm lần này sẽ thúc đẩy hơn nữa liên minh chiến lược toàn diện giữa hai nước. Sau khi tin tức về chuyến thăm của ông Biden được đưa ra, dư luận Hàn Quốc đã rất “phấn khích” vì nhiều sắp xếp hiếm thấy, phá vỡ các quy tắc thông thường.
Thứ nhất, đó là chuyến thăm châu Á đầu tiên của Tổng thống Mỹ thường chọn Nhật Bản nhưng lịch trình lần này lại đặt Hàn Quốc lên trên. Thứ hai, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Hàn đầu tiên sau khi Tổng thống Hàn Quốc nhậm chức thường được tổ chức tại Mỹ và đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Mỹ tới Hàn Quốc trong gần 29 năm ngay sau khi Hàn Quốc thay đổi chính quyền. Đồng thời, đây cũng là cuộc gặp thượng đỉnh Hàn - Mỹ sớm nhất kể từ khi chính phủ mới của Hàn Quốc được thành lập. Cựu Tổng thống Moon Jae-in và Park Geun-hye tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Mỹ lần lượt vào ngày thứ 51 và 71 sau khi nhậm chức. Điều đáng nói, trong chuyến thăm Hàn Quốc lần này, ông Biden còn dự định đến thăm Bàn Môn Điếm, đúng vào thời điểm tình hình Bán đảo Triều Tiên có vẻ như đang căng thẳng trở lại...
Trái ngược với các thảo luận sôi nổi trên các phương tiện truyền thông Hàn Quốc, dư luận Nhật Bản tương đối “bình lặng”.Các quan chức Nhật Bản không xác nhận thông tin chi tiết về Hội nghị Thượng đỉnh Nhật - Mỹ và Hội nghị Thượng đỉnh nhóm Bộ tứ.
Tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản thì cho biết ông Biden sẽ thăm Nhật Bản vào ngày 22-5, hội đàm với Thủ tướng Kishida Fumio vào ngày 23-5 và tham dự hội nghị với các nhà lãnh đạo Nhóm Bộ tứ vào ngày 24-5. Chuyến thăm sẽ thể hiện cho cộng đồng quốc tế thấy sự coi trọng của Mỹ đối với Nhật Bản và Hàn Quốc. Đối với thứ tự chuyến thăm, các quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết: “Đây là lịch trình do Mỹ sắp xếp, không cần phải “bới lông tìm vết”.
Từ trước đến nay, Nhật Bản luôn coi liên minh Mỹ - Nhật là “trục chính” trong chính sách ngoại giao. Các Thủ tướng Nhật Bản khi mới lên nhậm chức đều thăm Mỹ nhằm thể hiện sự ổn định trong quan hệ đối tác song phương, đồng thời lấy việc sớm tổ chức hội đàm với nhà lãnh đạo mới ở Mỹ là niềm tự hào. Tuy nhiên, kể từ khi nhậm chức vào mùa thu năm ngoái đến nay, chuyến thăm Mỹ của ông Kishida Fumio liên tục bị trì hoãn. Giới chức lãnh đạo cấp cao của Nhật Bản đang lo lắng về điều này.
Tuy nhiên, truyền thông Nhật Bản cho răng không nên câu nệ về hình thức trong quan hệ đồng minh với Mỹ. Trước đó, ông Biden và ông Kishida Fumio đã có nhiều lần tiếp xúc, bao gồm cả việc tham dự Hội nghị khẩn cấp của G7 tại Bỉ hồi tháng 3 vừa rồi. Ngoài ra, Nhật Bản và Mỹ có triển vọng hợp tác sâu rộng, như phối hợp chính sách kinh tế, bao gồm hợp tác khoa học công nghệ tiên tiến, tăng cường chuỗi cung ứng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong nước và của các đồng minh. Nhật Bản cũng đang xem xét tăng mạnh chi tiêu quốc phòng.
Đối với chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden, các nhà phân tích cho rằng, một trong những mối quan tâm đó là các bên sẽ đưa ra những tuyên bố mới nào. Ví dụ như Mỹ có thể muốn trong Tuyên bố chung Mỹ - Hàn sẽ đề cập một số nội dung mà Hàn Quốc vẫn tránh né trước đây, hay nội dung văn kiện chung tại Hội nghị Nhóm Bộ tứ có đề cập các biện pháp trừng phạt đối với Nga hay không.
Thứ hai, đó là liệu các bên sẽ đưa ra biện pháp thực thi mới nào không? Ví dụ như Mỹ có thể đưa hợp tác Mỹ - Nhật - Hàn thành khuôn khổ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, quan hệ đối tác an ninh Mỹ - Anh - Australia sẽ có bước tiến mới; hay Mỹ - Hàn có thể đưa ra các biện pháp thực thi mới để đối phó với thay đổi cục diện trên Bán đảo Triều Tiên; các nước sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế như thế nào...