'Chuyến công du nghìn tỉ' của ông Trump

Ngày 16/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kết thúc chuyến công du 3 nước đồng minh quan trọng nhất trong khối Arab, gồm Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Đến nơi nào, ông Trump cũng mang đến một sự kiện gây chú ý.

Chuyến công du này nhằm mục đích đảm bảo các thỏa thuận lớn và làm nổi bật những lợi ích từ chính sách đối ngoại thương mại của ông Trump, có vài sự kiện nổi bật được giới phân tích vạch rõ.

“Xáo trộn” trật tự địa chính trị

Bên cạnh “ngoại giao kinh tế”, giới phân tích phương Tây cho rằng, trong chuyến công du Trung Đông lần này, ông Trump đã làm “xáo trộn trật tự địa chính trị” đã được thiết lập từ nhiều năm nay thông qua cuộc gặp bên lề ngoài dự kiến với nhà lãnh đạo Syria Ahmed al-Sharaa tại Riyadh hôm 14/5 - cuộc gặp lịch sử đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Syria trong 25 năm, là sáng kiến đặc trưng trong chuyến công du của ông Trump.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Hoàng thái tử Mohamed bin Salman của Saudi Arabia.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Hoàng thái tử Mohamed bin Salman của Saudi Arabia.

Chỉ riêng cuộc gặp đã khiến truyền thông bàn luận sôi nổi, mà kết quả của cuộc gặp càng “chấn động” hơn. Người ta cho rằng ông Trump đã chấp nhận rủi ro cho cuộc gặp này. Trước khi lật đổ ông Bashar al-Assad, Al-Sharaa là một thủ lĩnh phiến quân đã tuyên thệ trung thành với Al-Qaeda và bị treo khoản tiền thưởng 10 triệu USD của Mỹ cho cái đầu của ông. Tuy nhiên, ông Trump đã ngồi với ông Al-Sharaa và dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với đất nước đang bị tàn phá bởi cuộc nội chiến này, hy vọng sẽ mang đến cho Syria cơ hội thống nhất và giải cứu những thường dân đang phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng.

Quyết định dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Syria của ông Trump là một trong những canh bạc chính sách đối ngoại lớn nhất cho đến nay trong nhiệm kỳ thứ hai của ông. Chi tiết về hoạt động ngoại giao phức tạp dẫn đến quyết định này vẫn chưa được tiết lộ. Nhưng, động thái này phản ánh sự hiểu biết rằng Syria, bị tàn phá bởi nhiều năm nội chiến, đang chiếm một vị trí quan trọng trên bản đồ khu vực và có khả năng rơi vào tình trạng hỗn loạn hơn nếu tình hình xấu đi. Động thái của ông Trump phản ánh sự sẵn sàng của một số nhà lãnh đạo châu Âu và Trung Đông trong việc gác lại sự kỳ thị đối với hoạt động trong quá khứ của Al-Sharaa với hy vọng ông có thể ngăn chặn sự quay trở lại của cuộc nội chiến. Ông Trump đã nói với các phóng viên rằng, ông tin Al-Sharaa "có cơ hội thực sự để giữ vững tình hình". Các quan chức sau đó cho biết ông Trump muốn Syria cuối cùng sẽ công nhận Israel. Điều này sẽ đại diện cho một sự chuyển đổi phi thường trong một khu vực bị tàn phá bởi lòng thù hận.

Không dừng lại ở Syria, ông Trump còn sử dụng chuyến công du để gây áp lực mới lên Iran để nước này đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân - cảnh báo về hành động quân sự nếu nước này từ chối, nhưng rõ ràng là cố gắng ngăn chặn viễn cảnh khủng khiếp về một cuộc chiến tranh Trung Đông mới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Tổng thống Syria Ahmad al-Sharaa tại Riyadh, Saudi Arabia.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Tổng thống Syria Ahmad al-Sharaa tại Riyadh, Saudi Arabia.

Khúc mắc với đồng minh chiến lược

Ngoài ra, chuyến đi của ông Trump cũng làm nổi bật sự bất đồng ngày càng tăng với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu - người được coi là bạn tâm giao về mặt tư tưởng của tổng thống thứ 47 nhưng ngày càng trở thành đối tác khiến ông Trump thất vọng.

Phía hậu trường, nhóm cố vấn của ông Trump đã trao đổi với các quan chức Qatar và Saudi Arabia về cách xoa dịu cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza do lệnh phong tỏa của Israel và cuộc tấn công dữ dội khiến hàng chục nghìn thường dân thiệt mạng. Phản ứng của Thủ tướng Netanyahu là tuyên bố ông "không còn lựa chọn nào khác" ngoài việc tiếp tục chiến đấu.

Đối với vấn đề Syria, ông Trump cũng mạo hiểm mối quan hệ với ông Netanyahu. Một quan chức Israel cho biết khi Thủ tướng Netanyahu gặp ông Trump tại Washington vào tháng 4, ông đã yêu cầu Tổng thống Mỹ không dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Syria, nói rằng ông lo ngại điều đó sẽ dẫn đến sự lặp lại của các sự kiện ngày 7/10/2023, khi các chiến binh do Hamas lãnh đạo tấn công Israel.

Ông Netanyahu đã có lập trường cứng rắn với Al-Sharaa và chính phủ mới của ông. Trong những ngày sau khi ông Assad bị lật đổ, ông Netanyahu đã ra lệnh tiến quân trên bộ chưa từng có vào Syria, đẩy lực lượng Israel sâu hơn bao giờ hết vào cuộc chiến và đảo lộn sự hòa hoãn ngầm kéo dài 50 năm của Israel với gia tộc Assad. Sự leo thang nhanh chóng đó cho thấy ông Netanyahu đã từ bỏ lời cam kết ban đầu của mình về việc thực hành “láng giềng tốt” với Syria mới. Hàng trăm cuộc không kích nhắm vào các vũ khí còn sót lại của ông Assad để ngăn chúng rơi vào tay các nhóm chiến binh và lực lượng Israel đã chiếm được núi Hermon, đỉnh cao nhất của Syria - vị trí chiến lược quan trọng nhìn ra Israel, Lebanon và Syria.

Quốc vương bin Hamad Al Thani và Tổng thống Donald Trump trong buổi lễ chào đón chính thức tại Amiri Diwan ở Doha, Qatar.

Quốc vương bin Hamad Al Thani và Tổng thống Donald Trump trong buổi lễ chào đón chính thức tại Amiri Diwan ở Doha, Qatar.

2 triệu việc làm và ngàn tỉ USD từ cú bắt tay chiến lược

Chuỗi sự kiện không thể không nhắc tới trong chuyến công du lần này của ông Trump là những thỏa thuận, hợp đồng trị giá hàng trăm tỉ USD theo sau những cái bắt tay thân thiết. Ngay sau khi đến thủ đô Riyadh (Saudi Arabia) vào ngày 13/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký kết một thỏa thuận đối tác kinh tế chiến lược lên tới 600 tỉ USD với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Các thỏa thuận được ký kết trải dài trên nhiều lĩnh vực trọng yếu như năng lượng, quốc phòng, công nghệ, cơ sở hạ tầng và khai khoáng thiết yếu. Theo Thái tử Mohammed, đây là kết quả từ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Saudi Arabia, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài của ông trong nhiệm kỳ 2.

Phát biểu tại diễn đàn, Thái tử Mohammed cho biết Saudi Arabia không chỉ dừng lại ở mức cam kết 600 tỉ USD mà còn kỳ vọng giá trị đầu tư vào Mỹ sẽ tăng lên đến 1.000 tỉ USD trong tương lai gần. Thái tử nhấn mạnh rằng 40% tổng vốn đầu tư toàn cầu của Quỹ Đầu tư công (PIF) của Saudi Arabia đang được rót vào Mỹ, phản ánh niềm tin mạnh mẽ vào tiềm năng lâu dài của nền kinh tế số 1 thế giới.

Trong khuôn khổ diễn đàn, Saudi Arabia và Mỹ đã ký Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược, bao gồm các biên bản ghi nhớ và thỏa thuận ở các lĩnh vực trọng yếu. Trong đó nổi bật là gói hợp tác quốc phòng trị giá gần 142 tỉ USD, được đánh giá là một trong những thỏa thuận lớn nhất lịch sử, với trọng tâm là hiện đại hóa quân đội Saudi Arabia thông qua 5 hạng mục chiến lược: lực lượng không quân - vũ trụ, hệ thống phòng thủ tên lửa, an ninh biển và biên giới, lực lượng mặt đất và hạ tầng thông tin - truyền thông.

Thỏa thuận hợp tác giữa Cơ quan Không gian Saudi Arabia và NASA, biên bản ghi nhớ về khai thác khoáng sản chiến lược, cùng các thỏa thuận trong lĩnh vực tư pháp và y tế, cũng mở rộng nền tảng hợp tác liên ngành giữa hai nước. Trong lĩnh vực công nghệ, Công ty DataVolt của Saudi Arabia sẽ đầu tư 20 tỉ USD để xây dựng trung tâm dữ liệu AI và cơ sở hạ tầng năng lượng tại Mỹ. Các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Google, Oracle, Salesforce, AMD, Uber và DataVolt cũng tham gia đầu tư tổng cộng 80 tỉ USD vào các dự án đổi mới sáng tạo chung.

Về lĩnh vực AI, công ty nhà nước Humain ký thỏa thuận sử dụng “hàng trăm nghìn” chip tiên tiến của ông lớn công nghệ Mỹ Nvidia để xây dựng cơ sở hạ tầng AI với 18.000 máy chủ công nghệ Blackwell trong giai đoạn đầu. Tập đoàn sản xuất linh kiện bán dẫn AMD cùng Humain đầu tư 10 tỉ USD triển khai cơ sở hạ tầng tại Saudi Arabia. Amazon cũng sẽ phát triển cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu trị giá khoảng 5 tỉ USD tại nước này.

Ở lĩnh vực hàng không và năng lượng, Boeing đã ký hợp đồng bán 30 máy bay 737-8 trị giá 4,8 tỉ USD cho hãng hàng không AviLease của Saudi Arabia, trong khi GE Vernova sẽ cung cấp tuabin khí và các giải pháp năng lượng theo thỏa thuận trị giá 14,2 tỉ USD.

Tổng thống Mỹ thăm Vùng Vịnh, nỗ lực tìm lại thế cân bằng.

Tổng thống Mỹ thăm Vùng Vịnh, nỗ lực tìm lại thế cân bằng.

Cũng ngày 13/5, trong cuộc hội đàm song phương, Thái tử Mohammed và Tổng thống Donald Trump tái khẳng định cam kết củng cố hợp tác chiến lược trong nhiều lĩnh vực trọng yếu như quốc phòng, an ninh, thương mại, đầu tư, y tế, năng lượng và khoa học. Hai bên trao đổi quan điểm về tình hình tại Dải Gaza, Yemen và các điểm nóng khu vực, khẳng định vai trò điều phối của Mỹ - Saudi Arabia trong việc thúc đẩy ổn định khu vực.

Trong lễ ký kết diễn ra tại Riyadh, ông Trump đã tuyên bố: “Thỏa thuận này có thể tạo ra tới 2 triệu việc làm cho người dân Mỹ”. Hai bên đã đạt được khoảng chục biên bản ghi nhớ và thư bày tỏ ý định, mở đường cho hàng loạt dự án đầu tư quy mô lớn trong thời gian tới. Theo Nhà Trắng, khoản đầu tư khổng lồ này đánh dấu cam kết chiến lược lâu dài của Saudi Arabia vào nền kinh tế Mỹ và được kỳ vọng sẽ gắn kết hai quốc gia “trong nhiều thế hệ”. Thương vụ sẽ được hoàn tất vào mùa thu năm nay và có sự tham gia của hơn 10 tập đoàn quốc phòng hàng đầu nước Mỹ.

Có thể thấy, các thương vụ vừa được công bố mang lại lợi ích đáng kể cho Mỹ, từ tạo việc làm, thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ và quốc phòng, đến củng cố liên minh chiến lược với Saudi Arabia. Với tổng giá trị khổng lồ và độ phủ đa ngành, thỏa thuận lần này không chỉ củng cố liên minh chiến lược Mỹ - Saudi Arabia mà còn cho thấy một bước chuyển rõ rệt trong cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Donald Trump: đặt lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia lên hàng đầu Chính quyền ông Donald Trump triển khai một kế hoạch đa chiều tại Trung Đông, kết hợp củng cố liên minh chiến lược, đảm bảo an ninh năng lượng và cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc trong bối cảnh Mỹ giảm hiện diện quân sự trực tiếp tại khu vực.

Giữa bối cảnh thế giới đang tái định hình các trục quyền lực và liên minh kinh tế - an ninh, cú bắt tay 600 tỉ USD này chắc chắn sẽ còn tiếp tục tạo dư chấn trong nhiều tháng tới. Mỹ có thể bán vũ khí, nhận tiền, tạo việc làm, còn Saudi Arabia lại gia tăng ảnh hưởng và hiện đại hóa toàn diện.

Khi đến Qatar, không kể sự kiện “tặng quà” gây bão đã được dư luận bàn luận sôi nổi từ mấy ngày trước, cuộc hội kiến cũng được xem là màn “ngoại giao kinh tế” nghìn tỉ. Tổng thống Donald Trump tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế và quốc phòng với quốc gia Vùng Vịnh này. Hãng hàng không quốc gia Qatar Airways đã ký thỏa thuận trị giá 96 tỉ USD để mua 210 chiếc Boeing 787 Dreamliner và 777X từ Mỹ. Cùng với đó là một tuyên bố về ý định tăng cường hợp tác an ninh cũng được ký kết, với khoản đầu tư tiềm năng hơn 38 tỉ USD, bao gồm việc hỗ trợ chia sẻ gánh nặng tại căn cứ không quân Al Udeid và tăng cường năng lực phòng không, an ninh hàng hải.

Ông Trump đã ca ngợi mối quan hệ của Mỹ với UAE trong cuộc gặp với người đồng cấp Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan tại Abu Dhabi. Ngược lại, ông Sheikh Mohammed cũng đã xác nhận khoản đầu tư 1,4 nghìn tỉ USD vào AI của Mỹ, đồng thời cho biết UAE hy vọng sẽ hợp tác với Mỹ "để thúc đẩy hòa bình và ổn định" trên toàn cầu. Ông Trump cũng cho biết ông muốn biến Dải Gaza thành "khu vực tự do". Theo Nhà Trắng, các thỏa thuận giữa Mỹ và Qatar được kỳ vọng sẽ tạo ra một chuỗi giao dịch kinh tế trị giá ít nhất 1.200 tỉ USD, hỗ trợ khoảng 154.000 việc làm mỗi năm tại Mỹ.

Những thỏa thuận này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn củng cố vị thế chiến lược của Mỹ tại Trung Đông. Chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Trump đã mang lại những thỏa thuận kinh tế lớn, tạo việc làm cho hàng triệu người Mỹ, tăng thu ngân sách và củng cố vị thế chiến lược của Mỹ tại khu vực. Đây là minh chứng cho chính sách "Nước Mỹ trên hết" mà ông Trump theo đuổi.

Trương Hùng - Ngân Giang (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/chuyen-cong-du-nghin-ti-cua-ong-trump-i768642/