Lý do phần lớn cử tri Pháp không muốn Tổng thống Macron tái tranh cử là gì?
Tờ Le Figaro ngày 16/5 đã công bố kết quả thăm dò cho thấy có tới 84% cử tri Pháp không mong muốn đương kim Tổng thống Emmanuel Macron, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ thứ 2 vào năm 2027, tái tranh cử Tổng thống vào năm 2032.

Tổng thống Pháp Macron sẽ không thể tranh cử vào năm 2027, song sẽ đủ điều kiện tranh cử vào năm 2032. (Nguồn: Shuterstock)
Cuộc thăm dò do Odoxa-Backbone Consulting thực hiện trực tuyến từ 14-15/5 với sự tham gia của hơn 1.000 người dân Pháp trên 18 tuổi cùng biên độ sai số từ 1,4 - 3,1 điểm phần trăm.
Kết quả thăm dò cho thấy, tỷ lệ phản đối ông Macron tái tranh cử vượt trội trong số những người ủng hộ đảng Xã hội và đảng Tập hợp quốc gia cánh hữu, lần lượt là 89% và 94%.
Đối với những người có lập trường ủng hộ Tổng thống Macron, tỉ lệ ủng hộ nhà lãnh đạo Pháp tái tranh cử cũng chỉ là 56%.
Cuộc thăm dò cũng cho thấy, 71% số người được hỏi không hài lòng với thành tích của ông Macron trong 8 năm tại vị, con số rất gần với kỷ lục 73% của cựu Tổng thống Francois Hollande.
Cuộc thăm dò được thực hiện sau khi Tổng thống Macron hôm 13/5 cho biết không loại trừ khả năng ông sẽ ra tranh cử vào năm 2032.
Theo luật pháp Pháp, một Tổng thống không thể phục vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Do đó, ông Macron sẽ không thể tranh cử vào năm 2027 song sẽ đủ điều kiện tranh cử vào năm 2032.
Pháp đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ. Thâm hụt ngân sách quốc gia năm ngoái đã lên tới 5,8%, một lần nữa vượt ngưỡng 3% theo khuyến nghị của Liên minh châu Âu (EU). Nợ công đã vượt 110% GDP và dự báo tăng trưởng năm 2025 vào khoảng dưới 1%.
Dữ liệu chính thức công bố ngày 30/4 cho thấy, nền kinh tế Pháp hầu như không tăng trưởng trong quý đầu tiên khi mức tiêu thụ giảm. Chi tiêu hộ gia đình trì trệ và đầu tư giảm đã hạn chế mức tăng trưởng GDP quý đầu tiên xuống còn 0,1%, trong bối cảnh bất ổn chính trị và căng thẳng thương mại toàn cầu.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ tăng 0,1% từ tháng 1 đến tháng 3 tại nền kinh tế lớn thứ hai của khu vực đồng Euro, sau khi giảm 0,1% trong quý IV/2024.
Trong quý I, tăng trưởng bị hạn chế do người tiêu dùng không muốn chi tiêu nhiều, với mức tiêu dùng hộ gia đình không đổi sau khi tăng 0,2% trong 3 tháng trước đó. Trong khi đó, đầu tư cho doanh nghiệp, hộ gia đình và chính phủ tiếp tục có xu hướng giảm, giảm 0,2% sau khi giảm 0,1% trong quý trước.
Gần 8 năm sau nhiệm kỳ của Tổng thống Emmanuel Macron, bối cảnh chính trị trong nước vẫn bất ổn, phủ bóng đen lên nền kinh tế. Chính phủ thiểu số của Thủ tướng François Bayrou thường xuyên bị đe dọa bởi nguy cơ bỏ phiếu bất tín nhiệm có thể khiến chính phủ sụp đổ.
Cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine và việc Tổng thống Mỹ Donald Trump triển khai chính sách thuế đối ứng lên các đối tác trên toàn cầu đã làm tăng thêm sự bất ổn đối với kinh tế Pháp và cả châu Âu.