Chuyến công du Trung Đông gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Không quan tâm đến truyền thống cũng như các vấn đề chính trị, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ưu tiên lợi ích kinh tế cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi tái đắc cử, đem lại các hợp đồng trị giá nghìn tỷ USD nhưng cũng gây lo ngại trong dư luận về xung đột lợi ích.

Tổng thống Mỹ Donald Trump với lãnh đạo các nước dự Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng hợp tác vùng Vịnh

Tổng thống Mỹ Donald Trump với lãnh đạo các nước dự Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng hợp tác vùng Vịnh

Bội thu với các hợp đồng kinh tế

Trong chuyến công du 4 ngày đến Vùng Vịnh, ông Donald Trump chỉ tập trung vào 3 quốc gia giàu tài nguyên là Saudi Arabia, Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Qatar. Người đứng đầu nước Mỹ tới Saudi Arabia hôm 13-5, rồi sau đó tới Qatar và UAE trong chuyến công du kéo dài tới ngày 16-5. Tại Saudi Arabia, ngoài thăm chính thức, ông Donald Trump còn dự Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) và trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên gặp lãnh đạo Syria trong 25 năm qua.

Thành công lớn đầu tiên của chuyến thăm là việc Tổng thống Donald Trump thuyết phục được các quốc gia Vùng Vịnh giàu có đầu tư quy mô lớn vào Mỹ. Saudi Arabia đã ký cam kết đầu tư vào Mỹ 300 tỷ USD và đang hoàn tất các thỏa thuận để nâng mức đầu tư lên 1 nghìn tỷ USD. Con số đầu tư tiềm năng từ Qatar vào khoảng hơn 240 tỷ USD, trong khi UAE cam kết đầu tư 1,4 nghìn tỷ USD.

Thay vì “rót” vào thị trường tài chính, dòng vốn này sẽ chảy vào các lĩnh vực chiến lược như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sạch, hạ tầng kỹ thuật số, y tế và dữ liệu lớn. Đây chính là những nền tảng mà nền kinh tế Mỹ muốn tái thiết để giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là từ châu Á. Dòng vốn tái cấu trúc này mang ý nghĩa chiến lược vì không chỉ tạo ra hàng trăm nghìn việc làm kỹ thuật cao, mà còn xây dựng lại hệ sinh thái công nghiệp nội địa, gia cố năng lực tự chủ, điều đặc biệt cần thiết trong kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược đa cực.

Tiếp đó là các thỏa thuận thương mại trị giá hàng trăm tỷ USD. Với Saudi Arabia là cam kết mua sắm trị giá 14,5 tỷ USD giữa Hãng hàng không Etihad Airways với Tập đoàn Boeing và nhà cung cấp động cơ máy bay GE Aerospace của Mỹ. Theo đó, Etihad Airways đồng ý mua 28 máy bay do Boeing sản xuất, bao gồm các dòng 787 và 777X, được trang bị động cơ do GE cung cấp. Với Qatar, hãng hàng không của nước này là Qatar Airways cũng ký thỏa thuận trị giá 96 tỉ USD mua tới 210 máy bay Boeing 787 Dreamliner và 777X với động cơ GE Aerospace.

Các hợp đồng thương mại trong chuyến thăm không chỉ tạo ra doanh thu xuất khẩu kỷ lục, mà còn hướng tới mục tiêu về nội trị và bản sắc kinh tế mà ông Donald Trump theo đuổi là tái công nghiệp hóa nước Mỹ, mở rộng sản xuất ở Mỹ, khẳng định niềm tin toàn cầu vào năng lực sản xuất và chất lượng kỹ thuật của Mỹ, một giá trị từng bị mờ nhạt trong thời kỳ toàn cầu hóa sâu rộng.

Trụ cột cuối cùng và cũng là trọng yếu trong chiến lược Vùng Vịnh của ông Donald Trump là tái định hình quan hệ an ninh khu vực, không chỉ vì mục tiêu chống khủng bố hay bảo vệ đồng minh, mà vì yêu cầu địa chính trị mang tính sống còn: giữ vững vị trí của Mỹ trước sự trỗi dậy của các đối thủ như Trung Quốc, Nga và Iran. Điểm nhấn rõ nét nhất là gói bán vũ khí trị giá hơn 100 tỷ USD cho Saudi Arabia, thương vụ quốc phòng lớn nhất trong lịch sử hai nước, và thỏa thuận trị giá 1,96 tỷ USD về việc Mỹ bán 8 máy bay không người lái MQ-9B SkyGuardian cùng với hệ thống vũ khí kèm theo cho Qatar, đánh dấu lần đầu tiên hệ thống máy bay không người lái tiên tiến này được bán cho Trung Đông. Đây không đơn thuần là thương mại vũ khí. Trên bình diện chiến lược, đó là cách Washington duy trì “vòng tròn ảnh hưởng” trong hệ thống quân đội các nước vùng Vịnh thông qua huấn luyện, bảo trì và chuyển giao công nghệ trong nhiều thập kỷ tới.

Nguy cơ xung đột lợi ích

Dù đạt được nhiều kết quả về mặt kinh tế nhưng chuyến công du Trung Đông của ông Donald Trump lại gây nhiều tranh cãi, nhất là xung quanh vấn đề an ninh và xung đột lợi ích.

Theo thỏa thuận đạt được với UAE, Mỹ sẽ cung cấp hàng trăm nghìn chíp AI tiên tiến của Nvidia mỗi năm cho G42 - công ty AI hàng đầu của UAE. Nhiều quan chức và cựu quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại rằng các biện pháp kiểm soát công nghệ có thể không đủ mạnh để ngăn chặn khả năng công nghệ lọt vào tay Trung Quốc, đặc biệt khi G42 từng có liên hệ với Trung Quốc. Một số cảnh báo rằng nếu xu hướng này tiếp diễn, những trung tâm đào tạo AI lớn nhất thế giới trong thập kỷ tới có thể không còn nằm tại Mỹ mà sẽ chuyển sang Trung Đông.

Việc ông Donald Trump tuyên bố dỡ các lệnh trừng phạt lâu năm của Mỹ đối với Syria “nhằm tạo cơ hội để Syria vươn tới sự vĩ đại” khiến Israel lo ngại. Trong cuộc gặp với ông Donald Trump tại Mỹ hồi tháng 4, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã yêu cầu Mỹ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Syria vì lo ngại điều đó sẽ dẫn đến một kịch bản tương tự như vụ tấn công ngày 7-10-2023 của nhóm vũ trang Hamas vào Israel. Để ngăn chặn nguy cơ từ Syria, Israel từng nhiều lần ném bom Syria và chiếm giữ thêm lãnh thổ của Syria kể từ khi chính quyền ông al-Assad sụp đổ.

Cuối cùng là mối lo xung đột lợi ích, bởi không có nơi nào trên thế giới quan trọng đối với sự phát triển nhiều dự án kinh doanh của gia đình ông Donald Trump như Trung Đông, bao gồm Saudi Arabia, Qatar, UAE và Israel. Trong 3 năm qua, Trung Đông đã trở thành “điểm nóng” nhất đối với gia tộc Trump về các giao dịch bất động sản quốc tế mới. Hầu hết trong số này là các giao dịch thương hiệu (branding deal), giúp gia đình ông kiếm được hàng chục triệu USD tiền phí để đổi lấy quyền sử dụng thương hiệu giúp thúc đẩy doanh số bán căn hộ cao cấp, sân golf hoặc khách sạn. Trong khi đó, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Donald Trump lại diễn ra tại chính khu vực mà hoạt động kinh doanh của gia đình ông đã mở rộng đáng kể trong thời gian gần đây.

Năm ngoái, Tập đoàn Trump Organization đã công bố kế hoạch phát triển Tháp Trump ở Jeddah - một thành phố lớn của Saudi Arabia. Trước khi ông Donald Trump đến Saudi Arabia, con trai của ông, Phó Chủ tịch Trump Organization là Eric Trump đã phát biểu tại Dubai về kế hoạch xây dựng một tòa tháp khách sạn và căn hộ cao 80 tầng. Ông Eric Trump mô tả công trình này là “biểu tượng đáng kinh ngạc” và sẽ “định nghĩa lại sự xa hoa” với bể bơi vô cực cao nhất thế giới. Trong khi đó, Donald Trump Jr., con trai cả của ông Trump, cũng đã dành vài tuần đi khắp Trung Đông để đặt nền móng cho các thỏa thuận có thể mang lại lợi ích cho tập đoàn gia đình.

Ngoài ra, kế hoạch của Tổng thống Donald Trump về việc nhận món quà từ Hoàng gia Qatar (một chiếc máy bay Boeing 747-8 trị giá khoảng 400 triệu USD) cũng làm gia tăng lo ngại về tham nhũng. Các tổ chức giám sát chính phủ, nhà sử học và nhiều nhà phê bình khác cho rằng đây là sự leo thang các xung đột lợi ích, phi đạo đức, thậm chí vi hiến, giữa lợi ích quốc gia và lợi ích cá nhân của Tổng thống đương nhiệm.

Ông Douglas Brinkley, sử gia tại Đại học Rice, nhận định việc ông Donald Trump sẵn sàng dấn thân vào các xung đột lợi ích có nguy cơ vượt xa mọi tiền lệ trước đây. Hiện nay một đội ngũ luật sư đang hỗ trợ Tổng thống Donald Trump và gia đình ông để “luôn đảm bảo tuân thủ câu chữ của luật pháp”. “Chưa có điều gì được chứng minh là bất hợp pháp. Tuy nhiên chuyện này đang phá vỡ các quy tắc và chuẩn mực, cùng niềm tin về một cam kết thiêng liêng rằng Tổng thống sẽ không được hưởng lợi về mặt tài chính trong thời gian tại vị”, ông Brinkley phát biểu.

Hoàng Sơn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chuyen-cong-du-trung-dong-gay-tranh-cai-cua-tong-thong-my-donald-trump-post611943.antd