Tạm ngừng công nhận ông Nick Út là người chụp ảnh 'Em bé Napalm'

World Press Photo (Giải Ảnh báo chí thế giới) thông báo tạm ngừng xác nhận nhiếp ảnh gia Nick Út là tác giả bức ảnh 'Em bé Napalm'. Việc đình chỉ công nhận tác giả có hiệu lực cho đến khi tìm được bằng chứng xác đáng.

Tối 16/5 (theo giờ Việt Nam), World Press Photo (Giải Ảnh báo chí thế giới) thông báo những vấn đề liên quan đến việc công nhận tác giả bức ảnh Em bé Napalm.

Giải Ảnh báo chí thế giới năm 1973 được trao cho nhiếp ảnh gia Nick Út của hãng Associated Press với bức ảnh The terror of war - hay còn được biết đến với tên Em bé Napalm. Tuy nhiên, việc ghi nhận tác giả cho bức ảnh đang bị đặt dấu hỏi.

Một nghiên cứu mới được công bố trong phim tài liệu The Stringer - ra mắt hồi tháng 1 - khẳng định rằng nhiếp ảnh gia Nick Út không phải người chụp bức ảnh nổi tiếng. Nghiên cứu này thúc đẩy Giải Ảnh báo chí thế giới tiến hành một cuộc điều tra trong nửa đầu năm 2025.

Nhiếp ảnh gia Nick Út cầm bức ảnh Em bé Napalm, đứng bên phải ông là bà Kim Phúc - nhân vật chính trong ảnh. Ảnh: AP

Nhiếp ảnh gia Nick Út cầm bức ảnh Em bé Napalm, đứng bên phải ông là bà Kim Phúc - nhân vật chính trong ảnh. Ảnh: AP

"Dựa trên việc phân tích vị trí, khoảng cách và loại máy ảnh được sử dụng trong ngày chụp, nhiếp ảnh gia Nguyễn Thành Nghệ có thể là người đứng ở vị trí tốt hơn để chụp bức ảnh, chứ không phải Nick Út. Do nghi vấn hiện tại, Giải Ảnh báo chí thế giới tạm đình chỉ việc ghi nhận tác giả ảnh là Nick Út", đại diện Giải Ảnh báo chí thế giới cho biết.

Ông Nguyễn Thành Nghệ là một tài xế làm việc cho NBC, đồng thời cộng tác bán ảnh cho hãng tin AP.

Tuy nhiên, giá trị bức ảnh Em bé Napalm là không thể chối cãi, với sức ảnh hưởng rất lớn ở Việt Nam, Mỹ và trên toàn thế giới. Vì vậy, giải thưởng từng được trao cho Em bé Napalm năm 1973 sẽ không bị thu hồi. Việc đình chỉ công nhận tác giả có hiệu lực cho đến khi tìm được bằng chứng xác thực.

Trong thời đại mà thông tin sai lệch và sự thao túng của truyền thông làm xói mòn niềm tin của công chúng, việc xem xét lại quyền tác giả và trách nhiệm đạo đức là cần thiết. Nhiếp ảnh gia Nick Út hiện chưa bình luận về quyết định tạm ngừng công nhận tác giả.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Thành Nghệ (phải) từng tuyên bố mình là chủ nhân thực sự của bức ảnh Em bé Napalm.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Thành Nghệ (phải) từng tuyên bố mình là chủ nhân thực sự của bức ảnh Em bé Napalm.

Em bé Napalm ghi lại hình ảnh bé gái 9 tuổi tên Kim Phúc đang la hét và bỏ chạy trong trạng thái khỏa thân sau một vụ đánh bom Napalm ngày 8/6/1972. Bức ảnh giành giải thưởng Pulitzer và giải Ảnh của năm vào năm 1973, đưa tên tuổi Nick Út nổi tiếng khắp thế giới.

Tuy nhiên, phim tài liệu The Stringer công chiếu tại Liên hoan phim Sundance lại cho rằng người chụp ảnh thực sự là ông Nguyễn Thành Nghệ. Ông Nghệ cũng xuất hiện tại buổi công chiếu và xác nhận câu chuyện trong phim. Nội dung phim cho biết ông Nguyễn Thành Nghệ đã bán bức ảnh cho trưởng phòng ảnh AP tại Sài Gòn với giá 20 USD và giữ lại một bản in.

Các nhân chứng trong phim đều nói khả năng cao Nick Út không phải là tác giả thật sự.

Đầu tháng 5, hãng tin AP tuyên bố sau khi phân tích và phỏng vấn nhân chứng, đồng thời kiểm tra kho ảnh vào ngày 8/6/1972, nhiều dự đoán vẫn thiên về khả năng ông Nick Út là tác giả ảnh. "Không có tài liệu nào chứng minh được bức Em bé Napalm do người khác chụp", người phát ngôn của AP nói.

Ngọc Ánh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tam-ngung-cong-nhan-ong-nick-ut-la-nguoi-chup-anh-em-be-napalm-post1742954.tpo