Chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội lan tỏa hình ảnh Việt Nam thủy chung, nghĩa tình, đầy trách nhiệm với cộng đồng quốc tế
Trả lời báo chí trước thềm chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 150, thăm chính thức Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Uzbekistan (từ ngày 2-8/4), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định chuyến công tác sẽ tiếp tục lan tỏa và nâng cao hình ảnh về một Việt Nam thủy chung, nghĩa tình với các nước bạn bè truyền thống; đầy trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; tạo thêm những trợ lực quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng
Từ ngày 02/04 - 08/04/2025, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 150, thăm chính thức Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Uzbekistan. Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội?
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng: Nhận lời mời của Chủ tịch và Tổng thư ký Liên minh nghị viện thế giới (IPU), Chủ tịch Thượng viện Quốc hội Uzbekistan Tanzila Narbaeva và Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và Phu nhân dự Đại hội đồng lần thứ 150 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-150), thăm chính thức Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Uzbekistan từ ngày 02 đến ngày 08/4/2025. Đây là chuyến công tác có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trên cả bình diện đa phương và song phương.
Trước hết, việc Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 150 là một dấu ấn đặc biệt, cho thấy khí thế mới và sự cam kết rất cao của Việt Nam tại diễn đàn nghị viện đa phương quan trọng này, trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay đòi hỏi mỗi quốc gia phải chung tay cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, đề ra các sáng kiến để giải quyết những thách thức chung.
Ý nghĩa quan trọng này được thể hiện qua 03 điểm nổi bật như sau:
Thứ nhất, với chủ đề “Hành động của nghị viện vì phát triển và công bằng xã hội”, Đại hội đồng IPU-150 đã lựa chọn chủ đề rất đúng và trúng trong bối cảnh thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, bất bình đẳng ngày càng gia tăng giữa các nước, các khu vực, trong khi đó các cam kết chính trị và nguồn lực trong các lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo, phát triển xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu… có xu hướng giảm. Hơn bao giờ hết, các quốc gia cần phải phối hợp hành động và thúc đẩy hợp tác đa phương để cùng vượt qua các thách thức toàn cầu.
Với tinh thần đó, Đại hội đồng IPU-150 là dịp để nghị viện các nước cùng nhau rà soát, trao đổi, thống nhất hành động để phát huy vai trò của từng nghị viện thành viên trong việc xây dựng, giám sát thực hiện các chính sách pháp luật, thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Chủ đề và tinh thần hành động này của Đại hội đồng IPU-150 cũng hoàn toàn đồng điệu với tinh thần của Hội nghị Thượng đỉnh về Phát triển xã hội của Liên hợp quốc, sẽ được tổ chức tại Qatar vào tháng 11/2025.
Thứ hai, việc Người đứng đầu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng IPU-150 lần này là minh chứng sống động cho thấy Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, coi trọng vai trò của IPU, cũng như tiếp tục khẳng định Quốc hội Việt Nam là thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm của IPU. Chuyến công tác vừa là hoạt động đối ngoại đa phương đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội trong năm 2025, vừa nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam về độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế theo tinh thần Đại hội Đảng XIII và Chỉ thị 25-CT/ TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.
Thứ ba, Việt Nam tham dự IPU-150 với vị thế của một đất nước đầy khí thế bước vào kỷ nguyên mới, với nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội nổi bật, trong đó người dân luôn được đặt ở vị trí trung tâm, là mục tiêu, động lực của mọi chính sách phát triển. Với nội lực và khí thế đó, tại diễn đàn IPU-150, Quốc hội Việt Nam sẽ cùng nghị viện các nước trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm phát triển, thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương trên các lĩnh vực cùng quan tâm, tranh thủ sự ủng hộ và nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước.
Trên bình diện song phương, chuyến thăm chính thức Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Uzbekistan của Chủ tịch Quốc hội là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu cơ quan lập pháp Việt Nam tới hai nước, cũng là chuyến thăm cấp cao nhất của Lãnh đạo Việt Nam đến hai nước kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992. Chuyến thăm vì thế mang ý nghĩa chính trị sâu rộng, thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với quan hệ hữu nghị truyền thống với Uzbekistan, Armenia và mong muốn cùng hai nước củng cố tin cậy chính trị, tạo nền tảng để thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đưa quan hệ với mỗi nước lên tầm cao mới.
Trong chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo hai nước sẽ trao đổi các biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư – một trụ cột quan trọng trong hợp tác song phương. Dự kiến, Chủ tịch Quốc hội sẽ có các cuộc gặp với các doanh nghiệp lớn hai nước, tạo cơ hội để doanh nghiệp hai nước kết nối, giới thiệu về thị trường và tiềm năng đầu tư, qua đó đặt nền móng cho việc mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, dệt may, năng lượng, giao thông - vận tải, khoa học - công nghệ...
Bên cạnh trụ cột kinh tế - thương mại - đầu tư, chuyến thăm cũng là dịp để Việt Nam và các nước tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo, du lịch, giao lưu nhân dân, những lĩnh vực Việt Nam và hai nước đã có truyền thống hợp tác tốt đẹp nhiều thập kỷ. Qua chuyến thăm, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức hữu nghị của Việt Nam và hai nước sẽ thiết lập quan hệ trực tiếp, xúc tiến hợp tác, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, tạo nền tảng vững chắc cho thế hệ trẻ tiếp tục phát huy tình hữu nghị và hợp tác lâu dài.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan vào tháng 11/2024
Xin Thứ trưởng cho biết, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước Armenia, Uzbekistan đã phát triển và đạt được những kết quả nổi bật nào? Đâu là những lĩnh vực tiềm năng mà Việt Nam và các nước có thể cùng khai phá, thúc đẩy hơn nữa trong thời gian tới?
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng: Armenia và Uzbekistan đều là những nước bạn bè truyền thống của Việt Nam. Mặc dù xa cách về địa lý, nhưng nhân dân Việt Nam và nhân dân hai nước luôn dành cho nhau những tình cảm gắn bó, thân thiết. Những năm qua, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và hai nước ngày càng phát triển chặt chẽ, hiệu quả và đạt nhiều kết quả tích cực, cụ thể:
Thứ nhất, tin cậy chính trị không ngừng được củng cố. Việt Nam và Armenia, Uzbekistan thường xuyên duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc các cấp, gồm cả cấp cao, gần đây nhất là chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Uzbekistan Bakhtiyor Saidov vào tháng 3/2024, cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev bên lề Hội nghị các nhà lãnh đạo BRICS mở rộng tại Nga vào tháng 10/2024, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan vào tháng 11/2024… Tại các diễn đàn đa phương, Việt Nam và hai nước duy trì sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên ủng hộ lẫn nhau, chia sẻ cách tiếp cận tương đồng về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Thứ hai, hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Armenia và Việt Nam - Uzbekistan đều có những bước tăng trưởng tích cực. Kim ngạch thương mại song phương năm 2024 của Việt Nam với Armenia đạt gần 500 triệu USD, tăng hơn 40% so với năm 2023; với Uzbekistan đạt 202 triệu USD, tăng 26,5% so với năm 2023. Việt Nam có một số dự án đầu tư sang Uzbekistan; Armenia có một số dự án đầu tư tại Việt Nam. Tuy quy mô đầu tư chưa lớn, chưa tương xứng với thế mạnh và mong muốn của Việt Nam với hai nước nhưng đây cũng là một nội dung sẽ được chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Lãnh đạo hai nước thảo luận để thống nhất các biện pháp khai phá, thúc đẩy hơn nữa phạm vi, quy mô hợp tác trong thời gian tới.
Đồng thời, hiện Việt Nam đã thành lập cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật với từng nước để điều phối, thúc đẩy xuất nhập khẩu, đầu tư, hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông - vận tải, khoa học - công nghệ và nhiều lĩnh vực khác. Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á - Âu mà Armenia là thành viên vào năm 2015. Cả Armenia, Uzbekistan và Việt Nam đang tích cực thúc đẩy kết nối giao thông để thúc đẩy trao đổi hàng hóa và du lịch cũng như các lĩnh vực hợp tác khác.
Thứ ba, hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch, giao lưu nhân dân được lãnh đạo các bên quan tâm thúc đẩy, coi đây là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng, đóng vai trò duy trì truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa nhân dân Việt Nam với hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ. Trong những năm qua, Việt Nam đã ký Chương trình hợp tác văn hóa với Armenia, tổ chức Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Uzbekistan và tham gia Liên hoan Âm nhạc với chủ đề "Giai điệu phương Đông" tại Uzbekistan. Uzbekistan cũng đã tổ chức Những ngày Văn hóa Uzbekistan tại Hà Nội và Thanh Hóa. Hợp tác du lịch cũng ngày càng được tăng cường, các điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam như Nha Trang, Phú Quốc ngày càng được khách du lịch quốc tế ưa thích. Nhờ có đường bay thẳng với 6 chuyến/tuần, số lượng khách du lịch Uzbekistan đến Việt Nam ngày càng tăng, đạt khoảng 20.000 lượt khách trong năm 2024. Ngày càng nhiều người Việt Nam cũng muốn tham quan, khám phá các danh lam, thắng cảnh của Armenia và Uzbekistan.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Việt Nam với Armenia và Uzbekistan còn nhiều dư địa và tiềm năng để tăng cường hợp tác và cùng nhau phát triển. Để thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch và giao lưu nhân dân, hai nước cần tăng cường kết nối giao thông, gồm cả đường sắt, đường bộ, đường biển và hàng không. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam với Armenia và Uzbekistan cơ bản không cạnh tranh trực tiếp với nhau, vì vậy Việt Nam có thể xuất khẩu nhiều mặt hàng thế mạnh như nông sản, thủy sản, dệt may, da giầy, điện tử… sang Armenia và Uzbekistan, qua Armenia và Uzbekistan để tới các nước khác qua các hành lang vận tải Đông - Tây và Bắc - Nam. Hai bên cũng có thế mạnh để tăng cường hợp tác về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và các lĩnh vực triển vọng khác như công nghệ số, năng lượng sạch, vật liệu mới...
Với nền tảng quan hệ hữu nghị đã được lịch sử chứng minh và được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân Việt Nam, Uzbekistan và Armenia vun đắp, với những kinh nghiệm quý báu mà Việt Nam đã tích lũy được trong hơn 45 năm tham gia, đóng góp tích cực tại IPU, tôi kỳ vọng và tin tưởng rằng chuyến công tác lần này của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ thành công tốt đẹp, để lại những dấu ấn đáng nhớ trong lòng bạn bè các nước Uzbekistan, Armenia và cộng đồng quốc tế, tiếp tục lan tỏa và nâng cao hình ảnh về một Việt Nam thủy chung, nghĩa tình đối với các nước bạn bè truyền thống, đầy trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; tạo thêm những trợ lực quan trọng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, hiện thực hóa những mục tiêu phát triển đề ra./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/su-kien-noi-bat.aspx?itemid=93278