Chuyến công tác đặc biệt và dấu ấn điều trị ca bệnh nặng Covid-19 tại Lào
Vượt hàng trăm km đường rừng để sang Lào, ngồi trên xe, Trưởng đoàn Vương Ánh Dương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cùng 17 cán bộ y tế có chút lo lắng. Nước bạn đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.
Nhận nhiệm vụ được giao, Đoàn công tác của Bộ Y tế Việt Nam và Đoàn chuyên gia Quân y Việt Nam sang Lào nhằm hỗ trợ, giúp đỡ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 từ 3/5/2021 đến 24/5/2021. Đây là thời gian Lào đang đối mặt đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 2 trên diện rộng, có nhiều diễn biến hết sức phức tạp và hầu hết tỉnh thành đang trong tình trạng phong tỏa. Số người bệnh nhiễm Covid-19 tăng lên từng ngày đã đẩy hệ thống y tế Lào vào trạng thái quá tải do hệ thống y tế chưa phát triển và nhân lực y, bác sĩ còn thiếu.
“Đoàn y tế Việt Nam chúng ta cần thận trọng ngay từ những ngày đầu tiên để làm sao những tư vấn của chúng ta hiệu quả nhất với Lào trong chống dịch, để lại ấn tượng tốt với nước bạn cả về mặt công tác chuyên môn cũng như tình cảm của đội ngũ nhân viên y tế”, bác sĩ Dương chia sẻ. Hành trang mang trong chuyến đi này của các y bác sĩ, các chuyên gia là sổ tay, các guineline điều trị, hướng dẫn xử lý môi trường.
Hai mũi nhọn nhanh chóng được phân công với một mũi nhọn về dự phòng do ThS, BS Nguyễn Công Khanh, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương làm Tổ trưởng chịu trách nhiệm về giám sát dịch tễ, truy vết, xác định đối tượng cách ly, công tác xét nghiệm, tiêm chủng vaccine, vệ sinh môi trường. Mũi nhọn điều trị do TS, BS Vương Ánh Dương làm Tổ trưởng chịu trách nhiệm về bảo đảm an toàn bệnh viện/cơ sở khám chữa bệnh phòng chống Covid-19; năng lực điều trị, quản lý ca bệnh Covid-19.
Địa phương đầu tiên đoàn tới là tỉnh Champasak – một tỉnh lớn có vai trò hỗ trợ y tế cho các tỉnh lân cận giống như Nghệ An của Việt Nam. Ngoài làm việc với lãnh đạo tỉnh, ngay trong ngày làm việc thứ 2, Tổ điều trị tranh thủ thời gian từng phút đi khảo sát thực tế tại các bệnh viện trong tỉnh.
Thô sơ, thiếu các điều kiện cơ bản, thiếu trang thiết bị, năng lực điều trị còn hạn chế, không thể đáp ứng điều trị hồi sức tích cực… là "lỗ hổng" ngay lập tức được đoàn y tế của Việt Nam nhận ra. Phác đồ điều trị của Lào đã có nhưng nhiều cán bộ y tế không tự tin áp dụng điều trị bệnh nhân. Nếu tỉnh Champasa không tập trung cho cơ sở điều trị Covid-19, khi có bệnh nhân nặng như Việt Nam chắc chắn sẽ tử vong.
Lúc này, Champasak phân công một cơ sở duy nhất điều trị bệnh nhân Covid-19 là Bệnh viện Phonthong. Chỉ có một ê-kíp năm người trực, thiếu toàn bộ trang thiết bị cho công tác hòi sức cấp cứu. Thời điểm đó, cơ sở chưa có ca bệnh nặng nên mọi việc chỉ dừng lại ở chia sẻ, tư vấn kinh nghiệm điều trị, nâng cao thể trạng cho bệnh nhân.
Tối cuối cùng trước khi chia tay lãnh đạo tỉnh, đoàn nhận được cuộc gọi trợ giúp y tế gấp từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Champasak cấp cứu cho một sản phụ mắc Covid-19 đang có diễn biến xấu. Đây là ca bệnh nặng đầu tiên tại tỉnh này. Các bác sĩ tại đây khá bỡ ngỡ.
Bỏ dở bữa chia tay, đoàn cán bộ y tế gấp rút chạy về Phonthong. Lúc này, bệnh nhân trong tình trạng suy hô hấp khá nặng, khó thở, tuần thai thứ 21. Phổi bệnh nhân tổn thương nặng nề. “Nhìn sản phụ thoi thóp thở, cả đoàn quyết tâm phải cứu bằng được ca bệnh này”, BS Dương nói.
Một cuộc hội chẩn diễn ra giữa các bác sĩ tại tỉnh Champasak và đoàn y tế Việt Nam. ThS, BS Vũ Tưởng Lân (Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai) cùng BS Tú Anh (khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai) quyết định cho bệnh nhân thở ô-xy mash, chụp X-quang phổi và dự trù khả năng bệnh nhân tiến triển nặng lên.
“Nếu bệnh nhân nặng lên sẽ phải chuyển sang Bệnh viện ở thủ đô Vientiane may ra mới cứu sống cả mẹ và con. Đoàn chúng tôi giải thích cho bác sĩ tại Champasak và người nhà bệnh nhân nắm được tình huống xấu nhất”, BS Tú Anh kể lại.
Dù vậy, ai cũng hy vọng tình trạng nặng của bệnh nhân sẽ giảm dần. Đoàn chuyên gia y tế Việt Nam đã đề xuất thêm các xét nghiệm cần thiết để đánh giá sâu hơn về tình trạng nhiễm trùng và tình trạng rối loạn đông máu của bệnh nhân mà hiện tại bệnh viện chưa thực hiện được. Đồng thời, đoàn công tác cũng yêu cầu có bác sĩ chuyên khoa sản và máy siêu âm tại chỗ để phục vụ cho việc thăm khám đánh giá tình trạng thai nghén của bệnh nhân.
Sau hai ngày thở ô/xy mask, tình trạng hô hấp của bệnh nhân vẫn nguy hiểm. Đêm hôm sau, đoàn bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai lại xuống hỗ trợ. Trước tình trạng nguy kịch, các bác sĩ quyết định lắp máy thở không xâm nhập. Ngặt nỗi, tại cơ sở điều trị Covid-19 duy nhất của tỉnh không có một máy thở nào. Các bác sĩ tại đây không có chuyên môn để can thiệp.
Sau cuộc điều động, một máy thở được chuyển gấp từ Bệnh viện quân đội của tỉnh về Phonthong để cấp cứu kịp thời cho sản phụ. Nhóm chuyên gia y tế Việt Nam gồm ba bác sĩ, một điều dưỡng và một kỹ sư về trang thiết bị đã nhanh chóng lắp máy thở và lên kế hoạch tối ưu nhất để hồi phục cho bệnh nhân.
“Rất may một giờ sau, độ bão hòa ô-xy trong máu của bệnh nhân tăng dần. Gần 12 giờ đêm anh em rút về. Sáng hôm sau bệnh nhân dần bình phục. Các bác sĩ của đoàn vẫn tiếp tục hội chẩn qua hình ảnh và video clip các bác sĩ tại đây gửi về, thấy bệnh nhân tốt dần lên. Ai nấy đều rất phấn khởi vì sự can thiệp cụ thể đã có thành tựu”, BS Dương kể.
Những ngày sau, BS Vũ Tưởng Lân cài đặt sẵn máy thở các chỉ số và hướng dẫn nhanh cho các bác sĩ ở đây những điều cơ bản nhất cách sử dụng máy thở tùy thuộc vào tình trạng diễn biến lâm sàng của bệnh nhân. Sau đó, họ lên đường sang tỉnh Savannakhet.
“Tôi là Sophavan Saichandee, tôi bị nhiễm dịch Covid-19, nhưng tôi đã không căng thẳng vì có đội ngũ y, bác sĩ quan tâm mọi mặt. May mắn khi có các bác sĩ Việt Nam giúp đỡ, cùng với đội ngũ y, bác sĩ Lào cũng rất giỏi trong công tác điều trị. Hiện tại tôi đã đỡ nhiều, cảm thấy cả mẹ và con đều an toàn, thai nhi đã được 5 tháng tuổi. Tôi thấy các y, bác sĩ đã phải hy sinh rất nhiều thứ để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân; cuối cùng xin chúc các y, bác sĩ luôn mạnh khỏe, cảm ơn tất cả các y, bác sĩ đã chăm sóc, điều trị; tôi rất vui khi khỏi bệnh Covid-19, một dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp. Cảm ơn rất nhiều - Sophavan”.
Những dòng thư mộc mạc của sản phụ mắc Covid-19 được viết dù không ngay ngắn nhưng xuất phát từ tận đáy lòng, sau cơn nguy kịch và nay đã hồi sức và khỏe mạnh. Sau khi biết đoàn bác sĩ Việt Nam đã di chuyển sang bệnh viện khác để tiếp tục điều trị các trường hợp Covid-19 khác, bà đã đề nghị quay lại video, chắp tay thể hiện sự cảm ơn các bác sĩ Việt Nam.
Sau bốn, năm ngày từ tình trạng phức tạp, được các bác sĩ Việt Nam chăm sóc trực tiếp như cài đặt máy thở, xây dựng phác đồ điều trị, chăm sóc điều dưỡng, sản phụ 31 tuổi mắc Covid-19 đã bỏ được máy thở và nay đã sinh hoạt bình thường.
Đó là dấu ấn đầu tiên đáng nhớ nhất sau ba ngày đoàn công tác y tế của Việt Nam sang Lào hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Để rồi sau đó, các bác sĩ Việt Nam đã có những can thiệp thực tế cho một vài ca bệnh nặng được các cán bộ y tế tại đây rất thán phục.
Trước khi trở về Việt Nam nửa ngày, đoàn lại nhận được cuộc gọi xin trợ giúp về ca bệnh nặng tại Bệnh viện Mittaphab ở Vientiane. Đoàn lại dỡ bỏ hành lý, mặc trang phục bảo hộ tranh thủ từng phút chạy tới bệnh viện.
Trước mắt họ là một nữ bệnh nhân này mắc Covid-19 nhưng bị tắc mạch, phù nề cẳng chân phải, rối loạn đông máu. Các bác sĩ ở Mittaphab đánh giá được tình trạng bệnh nhân nhưng họ không biết làm gì hơn khi không có máy chụp mạch, không làm được xét nghiệm đông máu. Đặc biệt, khả năng can thiệp ngoại khoa cho bệnh nhân là không thể. Chưa một ai tại đây được đào tạo kỹ năng này.
ThS, BS Vương Anh Tuấn, khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy, người trực tiếp tư vấn cho ca bệnh này kể lại, đoàn y tế Việt Nam chỉ có thể hỗ trợ cho đội ngũ tại đây triển khai siêu âm tại giường đánh giá tình trạng bệnh nhân và sử dụng thuốc chống đông.
“Trường hợp này nếu qua khỏi cũng sẽ phải loại bỏ chân phải. Đó là điều rất đáng tiếc. Nhưng tiếc hơn cả, các bác sĩ tại đây đủ khả năng chẩn đoán nhưng lại không đủ năng lực chuyên môn để can thiệp. Tôi nhìn thấy sự bất lực trong mắt của đồng nghiệp nước bạn”, BS Tuấn mang theo sự tiếc nuối kết thúc chuyến công tác.
ThS, BS Nguyễn Tú Anh, khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai tâm sự: “Có nhiều thứ chúng tôi không thể áp dụng cách làm của Việt Nam vì điều kiện mỗi nơi khác nhau. Có những kiến nghị đưa ra phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế nước bạn”.
Là thành viên trẻ tuổi nhất đoàn, và tự nhận mình còn rất ít kinh nghiệm, ThS, BS Nguyễn Tú Anh, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai tâm sự, trên hành trình sang Lào, Tú Anh rất lo lắng: “Liệu mình sẽ làm được gì cho công tác hồi sức cấp cứu tại Lào nếu không có ca bệnh nặng. Nhưng ngay ngày thứ 2 của chuyến công tác, ca bệnh nặng đầu tiên đã được chúng tôi xử trí thành công”.
Và sau đó, tất cả những kinh nghiệm cấp cứu, hồi sức tích cực, truyền nhiễm đã được đội ngũ y, bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ cho đồng nghiệp tại Lào. “Có nhiều thứ chúng tôi không thể áp dụng cách làm của Việt Nam vì điều kiện mỗi nơi khác nhau. Có những kiến nghị đưa ra phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế nước bạn”, BS Tú Anh chia sẻ.
Dự định ban đầu chỉ đi hai tỉnh nóng nhất về dịch Covid-19, nhưng trong 15 ngày công tác, đoàn đã đi thêm tới thành phố Vientiane. Trong 15 ngày đó, đoàn tranh thủ từng giây phút để có thể đi hết được các bệnh viện từ tuyến Trung ương tới tuyến xã tại ba địa phương này, để hỗ trợ Lào bảo vệ các cơ sở y tế không bị “thủng lưới”.
TS, BS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế, trưởng Đoàn công tác nhận định, nhìn chung, công tác phòng, chống dịch Covid-19 từ Trung ương đến địa phương của Lào đã và đang thực hiện quyết liệt, huy động được sự vào cuộc đồng bộ hệ thống chính trị, các ban, ngành và chính quyền địa phương; Công tác chỉ đạo điều hành đồng bộ, xuyên suốt; Phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các đơn vị, bảo đảm lồng ghép chặt chẽ và nghiêm ngặt trong quản lý điều trị ca bệnh Covid-19; Các đơn vị được phân công nhiệm vụ đang thực hiện nghiêm túc và hiệu quả.
Tuy nhiên, công tác thu dung, quản lý điều trị, năng lực chuyên môn các cơ sở khám, chữa bệnh của Lào mới dừng lại ở khả năng điều trị cấp cứu cơ bản, kiểm soát hô hấp bằng thở máy xâm nhập, chưa có những can thiệp ở mức sâu hơn cho các tình trạng nặng như viêm phổi ARDS, cơn bão Cytokine, chưa có thiết bị tim phổi nhân tạo (ECMO), lọc máu liên tục, các xét nghiệm hỗ trợ theo dõi điều trị hồi sức nâng cao ở cả tuyến Trung ương và tỉnh để điều trị những ca bệnh rất nặng.
“Tại Lào mặc dù đã có quy định chung thống nhất nhưng cách triển khai chống dịch tại mỗi cơ sở, mỗi địa phương lại có sự khác nhau. Có cơ sở y tế chỉ sàng lọc người đi bộ, bỏ qua người đi xe máy và ô-tô; chỉ sàng lọc đo thân nhiệt mà chưa quan tâm đến triệu chứng liên quan đến Covid-19. Nguy cơ bỏ lọt ca nhiễm vào bệnh viện rất lớn. Nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh còn nhiều hạn chế trong công tác hồi sức tích cực. Bệnh nhân nặng lên sẽ là gánh nặng cho hệ thống điều trị”, BS Dương cho hay.
TS, BS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh: “Điều chúng tôi tâm đắc nhất là đã vẽ được sơ đồ cụ thể cho từng bệnh viện, chỉ ra những nguy cơ dự phòng trước nguy cơ lây nhiễm chéo. Về công tác chuyên môn, chúng tôi đánh giá các trang thiết bị chỉ đủ năng lực đáp ứng điều trị các ca bệnh nhẹ, trung bình và nặng.
Bằng những buổi chia sẻ kinh nghiệm liên tục khi khảo sát tại 14 cơ sở y tế, BS Dương chia sẻ, dấu ấn lớn nhất trong lĩnh vực điều trị tại chuyến đi hỗ trợ y tế này là các chuyên gia Việt Nam đã đề xuất được cách thức thống nhất để Lào có phương án sàng lọc triệt để các ca bệnh khi tới cơ sở y tế.
“Điều chúng tôi tâm đắc nhất là đã vẽ được sơ đồ cụ thể cho từng bệnh viện, chỉ ra những nguy cơ dự phòng trước nguy cơ lây nhiễm chéo. Về công tác chuyên môn, chúng tôi đánh giá các trang thiết bị chỉ đủ năng lực đáp ứng điều trị các ca bệnh nhẹ, trung bình và nặng. Do đó, chúng tôi đã đề xuất ngành y tế Lào phải nhanh chóng thiết lập các đơn vị hồi sức nâng cao, chủ động thực hiện các kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO) và lọc máu liên tục để sẵn sàng điều trị cho các ca bệnh rất nặng và nguy kịch”, BS Dương hạnh phúc nói.
Chỉ đạo nội dung: VIỆT ANH
Thực hiện nội dung: XUÂN SƠN - THIÊN LAM
Đồ họa & kỹ thuật: ĐỨC DUY
Ảnh: XUÂN SƠN - ÁNH DƯƠNG