Chuyện của nhà văn 'Người không mang họ'

Không phải bỗng dưng mà nhà văn, nhà viết kịch Xuân Đức (quê Vĩnh Hòa, Vĩnh Linh, Quảng Trị) khi qua đời đã được nhiều tờ báo chạy tít rằng: Nhà văn của 'Người không mang họ' đã ra đi... Dù rằng với một cây bút tên tuổi như ông thì tác phẩm vừa nêu chưa phải là đỉnh cao sáng tác của Xuân Đức.

Nguyên mẫu là một tướng cướp

Cách đây 4 năm người viết bài này đã có dịp trò chuyện với nhà văn Xuân Đức về bếp núc nghề văn, trong đó có tiểu thuyết “Người không mang họ”.

Lạ một điều trong khi hầu hết tiểu thuyết cách mạng thời bao cấp thì nhân vật chính, nhân vật trung tâm thường là chiến sĩ cách mạng trung kiên đằng này cuốn truyện lại xoay quanh cuộc đời của một tướng cướp có nhiều tên như Trương Sỏi, Hoàng Lạng, Đệ nhị mãi võ… là một tội phạm cộm cán; một người mà thân phận không rõ ràng, đến họ của mình là gì (liên quan đến người cha) cũng mơ hồ, tùy tiện? Tôi đem câu này hỏi nhà văn.

Nhà văn Xuân Đức.

Nhà văn Xuân Đức.

Theo như ông kể thì đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, có một người bà con ở xã Vĩnh Hòa báo cho ông một tin dữ: có một người đàn ông cũng quê Vĩnh Hòa làm tướng cướp vừa bị bắt ngoài thành phố Vĩnh, thuộc tỉnh Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ và chắc sẽ bị tử hình. Biết thì biết vậy nhưng thời bao cấp nên đi lại cũng không dễ dàng. Nhưng nhà văn Xuân Đức vẫn nhớ về thông tin ấy và khi có dịp ông đã ra Vinh xin tiếp cận hồ sơ vụ án dù lúc đó phạm nhân đã bị tử hình.

Ông kể: “Sau khi đọc hồ sơ, tôi nung nấu ý định phải viết một cuốn tiểu thuyết lấy cảm hứng từ nguyên mẫu, nhưng thời đó nhiều điều chưa được cởi mở nên mình phải có cách viết phù hợp. Phải sáng tác nó như là một truyện hình sự hay nói nôm na là truyện vụ án về một tướng cướp còn ý đồ chính, cốt lõi của tác phẩm, đáng ra phải nhấn mạnh thì tác giả phải làm mờ đi để tránh những rắc rối có thể xảy ra trong quá trình biên tập, duyệt in. Ý đồ chính của tôi là nói về thân phận con người trong hoàn cảnh đất nước chia cắt, chiến tranh khốc liệt…”.

Năm 1983 tiểu thuyết được Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành với con số kỷ lục: 3 vạn bản in, một số lượng lớn (nói như bây giờ có mơ cũng không thấy). Năm 1990, tiểu thuyết được dựng thành phim truyện, công chiếu rộng rãi trong cả nước. Chuyện đời thực xen lẫn chuyện phim với nhiều giai thoại, suy đoán, thêu dệt râm ran trong dân gian. Nhiều tờ báo, một số đài truyền hình đã khai thác những chuyện liên quan đến “Người không mang họ” để phục vụ thị hiếu công chúng.

Tôi hỏi: “Các nhà phê bình văn học đã nói khá nhiều về tiểu thuyết này rồi. Chỉ xin hỏi chính tác giả: theo ông, điều gì làm nên thành công của tác phẩm?”. Rít một hơi thuốc lào rồi chiêu một ngụm trà theo thói quen của nhà văn, Xuân Đức tâm sự: “Chuyện tôi đưa các pha đánh đấm, kiểu như “chưởng” của Kim Dung để thu hút độc giả, hay nôm na là câu khách thì đã rõ, truyện hình sự mà. Nhưng cái chính tôi muốn phản chiếu, tái tạo nên thân phận nhân vật thông qua những biến động lịch sử. Nếu Lạng không sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh éo le như thế, mang tiếng là con địa chủ nhưng kỳ thực là con nông dân, bị kỳ thị, định kiến rồi vượt tuyến vào Nam trước năm 1975, dòng đời lại xô đẩy từ một thanh niên vốn thiện lương, trượt dài trên đường đời mãi võ, rồi gặp nghịch cảnh mà biến thành tướng cướp khét tiếng thì kết cục chắc rằng đã khác.

Còn như trong truyện thì kết thúc thật đáng buồn và đáng suy ngẫm. Tội ác trong truyện của anh ta thì đã rõ nhưng có lẽ người đọc vẫn thấy cảm thông cho số phận éo le, xót xa và day dứt cho nhân vật chính, bởi dù trở thành tướng cướp nhưng nhân tính cũng không phải đã mất hẳn, vẫn le lói soi chiếu tận cùng tâm hồn. Tôi thiết nghĩ chắc đã nói một điều gì đó chạm vào trái tim người đọc nên họ đồng cảm, dĩ nhiên điều đó phải từ gan ruột và mang tính nhân văn. Và cũng từ đó cần nhắc lại rằng: nếu không có chia cắt, không có chiến tranh thì chắc rằng sẽ tránh được những bi kịch như “người không mang họ”. Nhân vật sẽ có một cuộc đời đáng sống hơn”.

Số phận nổi nênh của một vở kịch

Năm 1985, Đoàn Kịch nói Quân đội nơi nhà văn Xuân Đức công tác lúc đó, giao cho ông viết một vở kịch về Bác Hồ. Ông bắt tay vào sáng tác và hoàn thành kịch bản “Cái chết chẳng dễ dàng gì” tái hiện cuộc kháng chiến chống Mỹ mà trung tâm là hình tượng Bác Hồ. Cứ nghĩ mọi chuyện thông suốt nhưng bất ngờ kịch bản đã không được cấp trên chấp thuận, đành phải bỏ vào ngăn kéo.

Nhà văn Xuân Đức (ngoài cùng bên trái), NSND Kim Quý (ở giữa) và NSND Xuân Đàm (ngoài cùng bên phải).

Nhà văn Xuân Đức (ngoài cùng bên trái), NSND Kim Quý (ở giữa) và NSND Xuân Đàm (ngoài cùng bên phải).

Khoảng hơn 5 năm sau, khi nhà văn Xuân Đức đã về công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Trị thì lại nhận được thông báo có cuộc phát động sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh do Tổng cục Chính trị - Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức. Ông nhớ lại kịch bản cũ nên định bụng đem ra xem lại để sửa chữa, bổ sung rồi tham gia.

Nhưng lạ thay, đọc đi đọc lại ông vẫn thấy không thể thay đổi, nghĩa là một thì bỏ lại vào ngăn kéo, hai là giữ nguyên. Vậy là sau khi xem xét, ông vẫn giữ nguyên rồi gửi tác phẩm tham gia. Kịch bản được 8 giám khảo chấm 8 giải A, đoạt giải nhất tuyệt đối của cuộc thi. Tiếp đó vở kịch được NSND Dương Ngọc Đức, Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, một đạo diễn gạo cội dàn dựng và đưa lên sàn diễn được công luận hoan nghênh.

Tưởng mọi chuyện qua khúc quanh co, cứ thế là xuôi chèo mát mái. Ngờ đâu…

Năm 2005, khi có cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm hưởng ứng “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh” đương nhiên vở kịch của Xuân Đức lại tham gia, do NSND Xuân Huyền đạo diễn. Nhưng lần này vở kịch không gặp may vì có ý kiến của một ai đó có tiếng nói trọng lượng nên bị “soi” dữ dội, dù chỉ là một vài chi tiết với những phê phán gay gắt. Có thể là do những quan niệm khác nhau từ góc nhìn cá nhân vẫn thường xảy ra với một vài tác phẩm cụ thể, mặc dù tác phẩm đó đã từng được khẳng định một cách chính thống, công khai. Chính nhà văn Xuân Đức, một người từng trải khi kể chuyện này cũng phải cảm thán: “Đúng là ở đời không ai học được chữ ngờ. Ngay chuyện sáng tác, nhiều lúc cũng thế”.

Đến nỗi khi nhớ lại, nhà văn Xuân Đức đã thốt lên: “Bị phê dữ dội, đến nỗi đạo diễn tài năng Xuân Huyền mệt mỏi, phát ốm, phải nằm dưỡng bệnh hàng tháng trời. Tôi cũng không hiểu tại làm sao một vở kịch trước đó 20 năm thì không được duyệt, sau đó lại đoạt giải nhất, rồi đến lúc ấy lại gặp nạn như thế. Tôi đã gặp một người có thẩm quyền và trình bày cho rõ ý kiến của mình. Tôi vẫn tin vào sự chân thành, trong sáng của vở kịch khi cẩn trọng xem xét lại tác phẩm của mình”.

Nhưng rồi, sau cơn mưa trời lại sáng, đến năm 2010 vở kịch lại được tiếp tục công diễn và được vinh danh. Từ đó đến nay, chất lượng nội dung và nghệ thuật của tác phẩm đã hoàn toàn được khẳng định, góp phần làm nên tên tuổi Xuân Đức.

Xem thế quanh chuyện sáng tác văn học nghệ thuật cũng không hề đơn giản, như câu chuyện của nhà văn Xuân Đức.

Phạm Xuân Dũng

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/chuyen-cua-nha-van-nguoi-khong-mang-ho-i747607/