Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: 'Nobel không phải là đích đến của một nhà văn'

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đánh giá cao lực lượng nhà văn trẻ tại TP.HCM và ông cho rằng giải Nobel không phải là đích đến của một nhà văn.

Hội nghị Người viết trẻ TP.HCM năm 2024 đã diễn ra tại Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật TP.HCM với sự tham gia của 100 đại biểu.

Bên cạnh những nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Nhật Ánh, Xuân Phượng… hội nghị còn có sự tham gia của các nhà văn trẻ như Cao Việt Quỳnh (sinh năm 2008), Trần Phú Minh Anh (sinh năm 2007)…

 Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

PLO đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam để lắng nghe chia sẻ của ông về lực lượng người viết trẻ TP.HCM hiện nay.

Nhà văn trẻ TP.HCM đầy tính sáng tạo

. Phóng viên: Ông đánh giá ra sao về Hội nghị Người viết trẻ TP.HCM năm 2024 cũng như những thành tích mà những nhà văn trẻ tại TP.HCM đạt được?

+ Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Nhà văn trẻ TP.HCM hiện nay có nhiều tính đột phá. Trong những năm gần đây, nhiều cái tên như Vỹ Hạ, Lê Quang Trạng hay Trần Phú Minh Anh, Cao Việt Quỳnh… đã gây sốt trên văn đàn và đạt được những giải thưởng rất cao.

Tôi theo dõi và thấy rằng lực lượng viết văn trẻ TP.HCM rất đông đảo, đầy tính sáng tạo và có chất lượng. Đặc biệt, ở hội nghị vừa qua, tham luận của các nhà văn trẻ cho thấy niềm đam mê, ý thức của họ rất rõ rệt.

Cụ thể, qua những tác phẩm của họ, đam mê, ý thức với cộng đồng và văn hóa dân tộc, sự phát triển trong tương lai của nền văn học nói riêng cũng như việc phát triển văn hóa, kinh tế… của thành phố và cả nước nói chung thể hiện rất rõ.

Để có được những điều đó, có thể nói TP.HCM là nơi giao thoa văn hóa, bắt nguồn cảm hứng để những nhà văn trẻ tại đây từ viết tiểu thuyết, thơ ca, lý luận phê bình hay dịch thuật, đều có thể tiếp cận rất nhanh những xu thế trên thế giới. Từ đó, họ có thể tạo ra được thế giới riêng biệt trong ngôn ngữ cũng như sự sáng tạo của mình.

. Bên cạnh những điểm đáng mừng thì những điểm hạn chế là gì thưa ông?

+ Theo tôi, điểm hạn chế ở đây là hệ thống xuất bản quảng bá cho các nhà văn trẻ và việc tổ chức những buổi sinh hoạt, tọa đàm hội thảo, ra mắt sách còn rất ít.

Bên cạnh đó, các nhà văn trẻ thường xuất phát ban đầu rất tuyệt vời nhưng họ không đủ ý chí, đam mê để theo hết con đường này…

Đặc biệt, các nhà văn trẻ TP.HCM có lợi thế về công nghệ, kinh tế...nên họ thuận lợi trong việc kiếm việc làm, sự nghiệp ở các lĩnh vực khác vì thế có khi văn học bị lùi lại.

Tôi mong những tác giả, nhà văn trẻ đã được điểm tên tham dự hội nghị, họ hãy tiếp tục con đường này và thấy rằng văn học có thể không mang lại đời sống vật chất nhưng sẽ mang đến những điều khác cho cá nhân họ và cộng đồng.

. Nói về việc hỗ trợ quảng bá thì đầu tiên chính là kinh phí và đây cũng là điều khiến các bên đau đầu?

+ Tôi nghĩ vấn đề này phải kêu gọi các doanh nhân, doanh nghiệp cùng chung tay. Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố cần có chính sách rõ ràng, đặc biệt là sự quan tâm đến văn học.

Hội Nhà văn TP.HCM cũng như Hội Nhà văn Việt Nam là người có thể đảm bảo phát hiện ra những nhân tài. Nhưng nhà nước phải là nơi đứng ra đầu tư trọn vẹn cho sự sáng tạo của họ. Có như thế chúng ta mới hi vọng nền văn học trẻ sẽ phát triển.

Vừa qua, Hàn Quốc đã có giải Nobel Văn học từ một tác giả rất trẻ. Chính phủ Hàn Quốc cực kỳ quan tâm, luôn chủ trương văn hóa đi đầu tiên trong đó có văn học. Vì thế chính sách đầu tư vào nền văn học của Hàn Quốc cực kỳ lớn.

Cách đây hơn 1 năm, khi Tổng thống Hàn Quốc sang thăm Việt Nam, con trai tôi - một kỹ sư máy tính làm cho tập đoàn LG của Hàn Quốc, đã được mời dùng bữa cùng Tổng thống Hàn Quốc. Suốt 2 tiếng gặp gỡ nói chuyện, con trai tôi rất ngạc nhiên bởi ông chỉ nói về văn hóa và những vấn đề liên quan đến nghệ thuật.

Hàn Quốc thắng lợi nhiều mặt về kinh tế bởi họ đã để văn hóa dẫn đường trong đó có văn học.

 Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cùng các nhà văn trẻ tại TP.HCM.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cùng các nhà văn trẻ tại TP.HCM.

Nobel không phải đích đến của nhà văn

. Từ những vấn đề ông đề cập, trong đó có việc nhà văn Hàn Quốc đạt Giải Nobel Văn học, theo ông, những nhà văn trẻ TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung có những bài học ra sao?

+ Thế giới xung quanh chúng ta là những đề tài khổng lồ. Bất kể điều gì cũng có thể trở thành một tác phẩm văn chương. Những nhà văn trẻ chỉ cần đam mê, dấn thân vào đời sống nội tâm, suy nghĩ về đời sống xung quanh ta một cách tích cực và sáng tạo thì họ sẽ làm được như những gì người đi trước làm được.

Nếu chúng ta có một hiện thực phong phú, đời sống của thành phố bao nhiêu biến động… qua đó chúng ta có đủ hiện thực để làm nên một tác phẩm lớn. Bây giờ những người trẻ hãy ngồi xuống, phải dành thời gian suy ngẫm, sáng tạo với một tinh thần độc lập.

Tôi cũng muốn nói với họ rằng giải Nobel không phải là đích đến của một nhà văn. Nhà văn trẻ không nên viết văn vì giải Nobel. Chúng ta viết văn vì đích đến mà chỉ chúng ta mới biết nó cần ở đâu.

 Các nhà văn trẻ tiêu biểu của TP.HCM những năm gần đây.

Các nhà văn trẻ tiêu biểu của TP.HCM những năm gần đây.

. Ông có muốn gửi gắm gì đến các nhà văn trẻ hiện nay?

+ Nếu họ đã quyết định theo con đường văn học ngay cả những người làm công việc ở nước ngoài, có thể làm giảng dạy, kinh doanh, nhà báo… nhưng họ vẫn phải viết văn.

Người viết văn phải coi đó như một cách sống, lẽ sống, một cách trò chuyện với chính bản thân mình; xem viết văn như một cách xóa bỏ, giải tỏa những khúc mắc bên trong mình. Khi những nhà văn trẻ gặp gỡ được chính họ, họ sẽ gặp gỡ được nhân loại, cộng đồng.

Hãy xem viết văn là một hành động đóng góp vào sự phục dựng và lan tỏa cái đẹp của đời sống; làm cho con người mỗi ngày một tử tế hơn. Có những người đọc xong một cuốn sách họ có thể thay đổi cuộc đời, cách sống của họ và tôi nghĩ sứ mệnh của nhà văn là như vậy.

. Xin cảm ơn ông!

VĂN HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/nha-tho-nguyen-quang-thieu-nobel-khong-phai-la-dich-den-cua-mot-nha-van-post815386.html