Chuyện của những người ở lại
ĐBP - Thế hệ sau này, nhất là những người từ nơi khác chuyển tới Ðiện Biên sinh sống thì những 'phiên hiệu' C1, C2, C4, C12, C13… khá lạ lẫm hoặc chưa hiểu rõ cội nguồn; song đó lại là những địa danh thân thương, đầy lưu luyến gắn với một thời hào hùng, rực lửa của những chiến sĩ Ðiện Biên Phủ năm xưa, những cựu thanh niên xung phong và các thế hệ cán bộ, công nhân Nông trường Quốc doanh Ðiện Biên. Những địa danh ấy, con người ấy gắn với một thời hào hùng 'Lấy nông trường làm gia đình, lấy Tây Bắc làm quê hương'...
Ông Nguyễn Bá Linh, nguyên Giám đốc Nông trường Quốc doanh Ðiện Biên (bên trái) hàng ngày vẫn theo dõi, cập nhật thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trên Báo Ðiện Biên Phủ.
Chiều cuối tuần mùa hạ, dưới cái nắng nóng còn bỏng rát; chúng tôi có mặt trong ngôi nhà cấp bốn nhỏ nhưng gọn gàng bên ven đường đối diện Trường THCS Thanh Bình. Ðây là nơi sinh sống của gia đình ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Nông trường Quốc doanh Ðiện Biên thời kỳ những năm 70 của thế kỷ trước. Ở tuổi “xưa nay hiếm”, đi lại tuy không còn nhanh nhẹn, bắt đầu run run do ảnh hưởng của bệnh song trí nhớ của ông Linh vẫn còn minh mẫn lắm! Bồi hồi nhắc lại những ngày đầu gian khó theo tiếng gọi của Ðảng, Nhà nước đi xây dựng Ðiện Biên, ông Linh như cuốn nhật ký dày sắp xếp rõ ràng từng sự kiện, từng chi tiết khi nói về những ngày quyết tâm thực hiện Cuộc vận động “Lấy nông trường làm gia đình, lấy Tây Bắc làm quê hương” của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp hơn 60 năm trước.
Hồi ấy, năm 1953 thanh niên Nguyễn Bá Linh rời quê nhà Tĩnh Gia (tỉnh Thanh Hóa) trở thành “Bộ đội Cụ Hồ”, biên chế vào Sư đoàn 316 trực tiếp tham gia giải phóng Ðiện Biên. Sau khi cùng đồng đội hoàn thành sứ mệnh đặc biệt quan trọng ấy, ông lại tiếp tục chuyến công tác dài tới 5 năm ở tỉnh Thái Bình. Rồi vào vào năm 1958, theo lời Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Linh trở về Ðiện Biên thực hiện “sứ mệnh xanh” chung tay góp sức cùng đồng bào các dân tộc trên địa bàn xây dựng Ðiện Biên và về quê đưa vợ con, người làng lên xây dựng kinh tế. Vừa như là cơ duyên của mỗi chiến sĩ tham gia giải phóng Ðiện Biên cũng là tình cảm đặc biệt dành cho mảnh đất hào hùng trong chiến tranh còn nhiều gian khó, ông Linh gắn bó với Ðiện Biên và Ðiện Biên trở thành quê hương thứ 2 của ông và nhiều người quê Thanh Hóa khác có mặt từ thời điểm ấy cho tới tận bây giờ.
Những ngày đầu thành lập Nông trường Quốc doanh Ðiện Biên (trực thuộc Cục Nông - Binh, Bộ Quốc phòng) năm 1958 còn vô cùng gian khó. Nông trường có nhiệm vụ vừa huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, vừa phá dỡ bom mìn, khai hoang, cải tạo đồng ruộng để phát triển sản xuất; đồng thời hướng dẫn đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Thời điểm ấy để đảm bảo lương thực cho hơn 1.950 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 176 (Sư đoàn 316) chẳng phải chuyện giản đơn chút nào; song với phương châm “lấy cây ngắn nuôi cây dài”, tích cực khai hoang sản xuất; phát triển đa dạng ngành nghề để phát triển kinh tế rồi đến giai đoạn vừa sản xuất vừa trực chiến đấu vô cùng gian khó nhưng không làm phai nhạt ý chí của những cán bộ, chiến sĩ, công nhân nông trường. Nhớ về cái thời rộn ràng, tấp nập ở nhà máy đường, nông trường trồng mía, trồng lạc và các loại cây lương thực, cà phê..., ông Linh bảo, đúng là có sức người sỏi đá cũng thành cơm. Ít ai tin trên những vùng đất chằng chịt dây thép gai, ụ mìn, hố pháo... được thay bằng cánh đồng Mường Thanh phì nhiêu, màu mỡ; những nương, đồi lương thực xanh màu tươi tốt. Sau nhiều năm cống hiến, trở thành cán bộ cốt cán và giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Nông trường Ðiện Biên, đến năm 1979, ông Linh được điều sang giữ chức vụ Chủ nhiệm Công ty Giống thuộc Ty Nông nghiệp tỉnh Lai Châu tiếp tục làm công tác nghiên cứu, sản xuất các loại giống nông nghiệp góp phần tạo nên nhiều loại giống phục vụ nhân dân các dân tộc trên địa bàn sản xuất, đa dạng cơ cấu giống nông nghiệp.
Không có mặt từ những ngày đầu thành lập Nông trường Ðiện Biên như ông Nguyễn Bá Linh và nhiều người khác, song câu chuyện của cựu thanh niên xung phong Hà Thị Lụa, công nhân Nông trường Quốc doanh Ðiện Biên (hiện sinh sống tại tổ dân phố 6, phường Thanh Bình, TP. Ðiện Biên Phủ) mỗi khi nhắc lại khiến nhiều người xúc động. Dáng người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, bà Hà Thị Lụa gắn bó với nông trường từ cái tuổi “bẻ gẫy sừng trâu”. Bà Lụa nhớ lại, sau 2 năm Bác Hồ mất cũng là lúc bà hoàn thành chương trình học lớp 7. Ngày ấy vùng nông thôn tỉnh Hưng Yên có đợt về vận động người dân lên Tây Bắc phát triển kinh tế, bố mẹ bà biết nhưng giấu nhẹm thông tin vì không muốn con gái lên nơi được nhiều người xem là “rừng thiêng nước độc”, cho con đi rồi mất luôn cả con vì giao thông cách trở... Giấu gia đình, lá đơn tình nguyện đi Tây Bắc xây dựng kinh tế được bà viết rồi lén gửi và rồi đến hôm nhận quyết định lên đường mà người mẹ thương con khóc dấm dứt mãi không thôi. Biên chế về C6 (khu Khe Chít, phường Noong Bua ngày nay) trồng cà phê và có những tháng ngày vừa sản xuất vừa trực chiến đấu, tiếng máy bay Mỹ quần tầm thấp gầm rú, nhưng không làm cô gái trẻ ngày ấy run sợ.
Nghỉ chế độ và sinh sống tại phường Thanh Bình, song sự nhiệt huyết của cựu thanh niên xung phong năm nào vẫn vẹn nguyên khi bà Lụa được cấp ủy, nhân dân ở khu dân cư tin tưởng bầu giữ nhiều chức vụ quan trọng ở tổ dân phố. Sau nhiều năm làm tổ trưởng tổ dân phố 14, sau khi sáp nhập thành tổ dân phố 6 bà tham gia Ủy viên Ban Chấp hành Chi bộ và nhiều hoạt động đoàn thể, vẫn “vác tù và” như nhiều người vẫn bông đùa. Tâm sự với chúng tôi, bà Lụa bảo: Là đảng viên còn sức khỏe thì còn phải cống hiến để góp phần làm đẹp cho đời, cho xã hội.
Ngày đầu lên Ðiện Biên khó khăn là thế mà bao lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ, cựu thanh niên xung phong đã làm được những điều phi thường, lập nhiều kỳ tích. Công sức, sự hi sinh của những người một thời Nông trường Ðiện Biên năm nào đã tạo nên trái ngọt Ðiện Biên hôm nay với cánh đồng Mường Thanh thẳng cánh cò bay và một Ðiện Biên đang ngày càng phát triển, vươn xa.