Chuyện của những nữ y tá Mỹ trong chiến tranh

Tiểu thuyết 'Nữ nhân' của Kristin Hannah kể về hành trình trưởng thành và hòa giải của những nữ cựu binh quân y Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam.

Qua tiểu thuyết Nữ nhân (tên tiếng Anh: The Women), nhà văn Mỹ Kristin Hannah mang đến một góc nhìn ít được nhắc đến trong văn chương về cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam: trải nghiệm của những nữ quân nhân Mỹ từng tham gia phục vụ tại chiến trường, chủ yếu là các y tá. Tác phẩm được đánh giá là nỗ lực tái hiện chân thực và cảm động cuộc sống và nỗi đau của hàng nghìn phụ nữ chịu số phận của lịch sử.

 Tiểu thuyết Nữ nhân (phải) của tác giả Kristin Hannah xoay quanh câu chuyện của những y tá Mỹ trong cuộc chiến ở Việt Nam.

Tiểu thuyết Nữ nhân (phải) của tác giả Kristin Hannah xoay quanh câu chuyện của những y tá Mỹ trong cuộc chiến ở Việt Nam.

Lý tưởng lầm lạc

Câu chuyện theo chân Frances “Frankie” McGrath - cô gái 20 tuổi lớn lên trong nhung lụa và những kỳ vọng của gia đình lẫn xã hội ở đảo Coronado, California. Bị lời kêu gọi “phục vụ Tổ quốc” của Tổng thống Kennedy cuốn hút, cùng nguyện vọng viết tiếp truyền thống gia đình dang dở khi người anh bỏ mạng nơi chiến trường, cô quyết định gia nhập quân đội với vai trò y tá và được điều sang Việt Nam vào năm 1965, trong bối cảnh cả nước Mỹ đầy rẫy biến động vì dấn sâu vào cuộc chiến.

Tại đây, cô đối diện với bộ mặt thật của thảm trạng chiến tranh: thương vong, bệnh tật, nỗi sợ hãi thường trực và cả cái chết. Trước trò giả trá của chính quyền Mỹ, những người trẻ đầy nhiệt huyết phụng sự đất nước đều mất đi điểm neo đậu cho lý tưởng của mình.

Nhưng bên cạnh đó là những tình bạn sâu sắc, những khoảnh khắc nhân văn hiếm hoi trong bối cảnh khắc nghiệt bạo tàn. Kristin Hannah khắc họa quá trình trưởng thành của Frankie từ một cô gái ngây thơ, đầy lý tưởng trở thành một người phụ nữ từng trải, kiên cường nhưng cũng mang nhiều tổn thương nội tâm.

Sự vỡ mộng ấy chỉ là khởi đầu cho rất nhiều thương tổn khác sau khi họ trở lại đất Mỹ. Phần sau tác phẩm thuật lại trải nghiệm tâm lý hậu chiến. Trở về Mỹ, Frankie phải đối diện với thực tế phũ phàng: Cô bị cô lập, chối bỏ, và phải vật lộn với những sang chấn tâm lý không ai gọi tên.

Trước sự bội bạc của xã hội bấy giờ, những cựu binh như Frankie tiếp tục đối mặt với cuộc chiến mới, cuộc tìm kiếm tương lai cho bản thân, đấu tranh với bóng ma quá khứ trong chính mình. Hành trình hàn gắn vết thương của họ giữa những bi kịch cá nhân và biến động của xã hội Mỹ cũng phản ánh thân phận của cả một thế hệ bước ra từ chiến tranh: đầy đau thương và bị quên lãng, nhưng vẫn gan góc tìm lại lẽ sống.

Xấu hổ.

Cụm từ đó tác động ghê gớm đến Frankie. Cô đã tự để mình phải chịu xấu hổ; có thể mọi chuyện bắt đầu khi cô bị nhổ nước bọt ở sân bay, hoặc khi Mẹ yêu cầu cô không được nói đến chiến tranh, hay có thể là khi cô theo dõi phiên tòa xử vụ thảm sát Mỹ Lai. Gần như mọi thường dân cô gặp từ khi về nhà, bao gồm cả gia đình mình, đều kín đáo hoặc công khai dành cho cô thông điệp: việc cô làm ở Việt Nam thật đáng xấu hổ. Cô vẫn là một phần của những điều xấu xa. Cô đã cố không tin điều đó; nhưng có thể đúng là như vậy. Cô đã bước vào chiến tranh với tâm thế một người yêu nước và trở về nhà thì thành kẻ bị ruồng bỏ. “Làm sao để em trở lại là chính mình?”

(trích Nữ nhân, Kristin Hannah, Nguyễn Việt Hải dịch)

Một người lính, một người phụ nữ

Như nhiều tác phẩm trước đây của Kristin Hannah, cuốn sách được đánh giá là phơi bày bản chất dã man và vô nghĩa của chiến tranh. Không chọn nhân vật nam giới hoặc góc nhìn của những quân nhân, binh lính làm trung tâm, Nữ nhân đưa phụ nữ vào vị trí trung tâm, không chỉ như những người hỗ trợ hậu phương mà là những người có mặt trực tiếp nơi tiền tuyến.

Kristin Hannah đã dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu lịch sử, lắng nghe lời kể từ các nữ cựu binh để xây dựng nên một câu chuyện mang tính nhân chứng rõ nét. Giọng văn trong Nữ nhân không quá nặng tính sử thi hay chính trị, mà nghiêng về cảm xúc cá nhân, sự mất mát, giằng xé nội tâm của những người từng tham chiến.

Ra mắt trong bối cảnh ngày càng nhiều tác phẩm, nghiên cứu hướng tới việc phục dựng ký ức chiến tranh một cách toàn diện, Nữ nhân góp phần làm rõ vai trò và thân phận của những người phụ nữ từng bị lịch sử bỏ quên. Đó là những người không làm ngôi sao trên màn ảnh, không được ghi tên trong sử sách, nhưng đã có mặt, đã sống và chịu đựng như bất kỳ người lính nào. Bằng lối viết cảm xúc và giàu chất liệu thực tế, Kristin Hannah đã khắc họa một hành trình nội tâm phức tạp, vừa riêng tư vừa mang tính đại diện cho nhiều phụ nữ từng khoác áo lính.

Tháng 1/2024, hãng Warner Bros đã mua bản quyền cuốn sách để chuyển thể thành kịch bản phim. Hè năm ngoái, Bill Gates cho biết đã đọc cuốn sách ngay trong chuyến đi Đà Nẵng và ca ngợi đây là "lời tri ân đẹp đẽ dành tặng những cựu chiến binh xứng đáng được trân trọng hơn vì những hy sinh to lớn của họ".

Kristin Hannah là tác giả Mỹ có nhiều sách bán chạy và từng đoạt nhiều giải thưởng, trong đó một số tác phẩm đã xuất bản tiếng Việt: Sơn ca vẫn hót, Bốn ngọn gió, Nữ phi công, Đường đom đóm bay, Những điều chúng ta làm yêu...

Phong Khang

Nguồn Znews: https://znews.vn/chuyen-cua-nhung-nu-y-ta-my-trong-chien-tranh-post1566144.html