Chuyện của những phụ nữ vùng biển: Đứng dậy
Đối diện sự mất mát không phải là gục ngã mà là bản lĩnh. Phụ nữ nghèo, đơn thân vùng biển, với nhiều câu chuyện ấm lòng về sự vượt khó, vươn lên...
1. Vẫn là vùng biển Ngư Lộc. Câu chuyện của 27 năm về trước. Trận áp thấp nhiệt đới năm 1996 đã nhấn chìm hàng chục con tàu, cướp đi 54 đàn ông, thanh niên trong xã. 27 năm qua đi, chuyện cũ nhắc lại, vẫn còn đó ngổn ngang nỗi niềm.
Những người vợ ở lại, nhiều người hiện đã già, phần lớn sống cùng con cháu. Cũng có người từ đó đến nay, ở vậy, thờ chồng nuôi con khôn lớn trưởng thành. Chị Nguyễn Thị Dân, 50 tuổi ở thôn Nam Vượng, là người có chồng mất trong trận áp thấp nhiệt đới năm 1996. Khi anh mất, chị mới 23 tuổi, đang mang bầu đứa con đầu lòng của 2 vợ chồng. Anh mất 27 năm thì con trai của anh chị giờ cũng đã 27 tuổi.
27 năm, chị Dân ở vậy. Tần tảo ngược xuôi, chị đi làm giúp việc nuôi con. Sau này, thông qua Hội LHPN xã Ngư Lộc, chị đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước với số tiền vay 50 triệu đồng. Chị dùng số tiền này để mở một quầy hàng tạp hóa nhỏ ở chợ, những mong góp phần phát triển kinh tế gia đình. Chị đã chia sẻ, rằng: “Tôi không dám nghĩ điều gì cho bản thân, kể từ khi anh mất. Có khoảng thời gian tôi cũng khủng hoảng tinh thần, rồi trầm cảm. Giờ thì chỉ mong cho mẹ con, bà cháu luôn mạnh khỏe”.
Một phụ nữ lập gia đình khi hãy còn trẻ và lại đối diện với mất mát quá lớn, sẽ không tránh khỏi sự chống chếnh. Cách đây 3 năm, chị Trương Thị Số ở thôn Đa Phạn, xã Hải Lộc (Hậu Lộc) trở thành người mẹ đơn thân nuôi 4 con đang tuổi ăn học. Năm 2020, chồng chị, một người lái tàu thuê đã gặp nạn trên biển, không trở về. Khi anh còn sống, chị đi đào ngao thuê. Anh mất, chị thôi nghề. Để có cuộc sống ổn định hơn, chị chăn nuôi lợn, gà và mua một chiếc xe máy kéo để đi bán đồ ăn vặt tại các xã trên địa bàn huyện. “Tôi đã được hội LHPN xã đấu mối với Ngân hàng Chính sách, quỹ tài chính TYM để vay vốn mua xe”. Chị Số nói. “Một ngày không biết đi bao nhiêu cây số. Mưa to mới phải chịu. Còn bình thường ngày nào tôi cũng trên đường. Nghĩ đến các con, để phấn đấu”.
2. Không chỉ làm chủ gia đình, nhiều phụ nữ đơn thân đã phấn đấu nỗ lực thoát nghèo. Đồng thời còn tạo việc làm cho nhiều lao động. Câu chuyện của chị Phùng Thị Ngân, 57 tuổi ở thôn Bắc Sơn, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa). Chồng mất, một mình chị nuôi 3 con. Khi anh còn sống, gia đình chị làm nghề chế biến nước mắm. Chồng mất, chị tiếp tục theo nghề. Vừa làm nghề vừa lo trả nợ tiền chữa bệnh cho chồng trước đó vừa lo học hành cho con cái... Việc chồng việc, khó chồng khó. Thông qua hội LHPN xã, chị đã được tiếp cận với nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển, mở rộng quy mô sản xuất. Hiện, trung bình mỗi tháng, gia đình chị xuất ra thị trường khoảng 1 nghìn lít nước mắm. Bên cạnh đó còn tạo việc làm cho khoảng 10 lao động thời vụ. Chị cho biết: “Có những khoảng thời gian rất khó khăn. Nhưng tôi vẫn tin, cái khó đấy sẽ vượt qua được và đến giờ, cuộc sống đã ổn định hơn, nghề cũng phát huy hiệu quả hơn”.
Khi được gặp những nhân vật như chị Dân, chị Số, chị Ngân, những phụ nữ vùng biển đảm nhiệm “2 vai trong 1”, tôi bỗng nhớ đến chị Trần Thị Năm, “con trâu” của thôn Đông ở xã Quảng Nham (Quảng Xương). “Con trâu” là tên gọi mà nhiều người trong thôn đặt cho chị. Bởi chị Năm lam lũ quanh năm, lao động cật lực lo cho gia đình.
Cách đây vài năm, chồng chị Năm bị đột quỵ khi đi biển. Đưa về nhà được một thời gian thì anh mất. Từ ngày đó, chị phải bươn trải nhiều hơn. 1h sáng ra biển bán đá lạnh cho ngư dân. Bán đá xong lại mua cá từ biển về mang ra chợ bán. Mấy chục năm nay, gia đình chị theo nghề bán đá lạnh, mua đá cây về xay nhỏ. Trước, một mình chị kéo bộ 1 xe 20 cây đá. Sau này, có điều kiện thay bằng xe máy kéo. Chị bảo: “Một mình với 5 người con. Giờ mình không gắng thì con khổ. Dân làng cứ gọi tôi là con trâu, cứ hì hục làm việc cả ngày, cứ vắt chân lên cổ cả ngày...”.
Tôi không muốn nói nhiều đến những rủi ro của nghề biển hay những ốm đau bệnh tật với những mất mát, chia ly. Tôi chỉ muốn nói đến câu chuyện ở đằng sau đó, đằng sau nỗi buồn là niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống của những phụ nữ vùng biển. Sự không đầu hàng số phận, vẫn cứng cỏi, vươn mình giữa giông bão. Đối diện sự mất mát không phải là gục ngã mà là bản lĩnh. Như khi tôi xin phép được gọi chị Năm, một nhân vật trong bài viết này là “con trâu”, chị cười hiền lành: "Cứ gọi đi. Tên dân làng đặt đấy. Tôi cũng thấy mình là trâu thật vì vẫn không hình dung được, qua nhiều biến cố, bản thân lại mạnh mẽ đến thế, vẫn dai sức để gồng gánh khó khăn...".