Chuyện của thợ đào gốc cây thuê

Để sở hữu được những gốc cây gỗ quý, cây ăn quả nhiều năm tuổi, có hình dáng độc và lạ, nhiều người chẳng ngại bỏ ra vài chục đến vài trăm triệu đồng để mua gốc cây ở các khu vườn, rẫy và thuê người đào rồi mang về trồng tại sân vườn nhà.

Ông Nguyễn Văn Tập (ngụ xã Suối Cát, H.Xuân Lộc) bôi thuốc xử lý các vết trầy xước trên cây sau khi đào xong gốc. Ảnh: H.Đình

Ông Nguyễn Văn Tập (ngụ xã Suối Cát, H.Xuân Lộc) bôi thuốc xử lý các vết trầy xước trên cây sau khi đào xong gốc. Ảnh: H.Đình

Xuất phát từ thú chơi cây xanh của các “đại gia”, những nhóm “thợ đào” gốc cây xanh chuyên nghiệp ở H.Xuân Lộc đã hình thành.

* Kiếm tiền triệu mỗi ngày

Vào giữa trưa một ngày cuối tháng 2-2020, trời nắng như đổ lửa, chiếc áo thun đã ướt sũng, dính sát vào lưng nhưng ông Nguyễn Văn Tập (ngụ xã Suối Cát, H.Xuân Lộc) cùng một người bạn vẫn cố đào cho xong 2 cây mai vàng để giao cho chủ vì chiều còn hẹn đi làm chỗ khác.

Ông Tập chia sẻ, mùa này, ruộng vườn đều khô hạn, chẳng có gì thu hoạch nên anh phải tranh thủ “chạy sô” để kiếm tiền. Năm nào cũng vậy, cứ từ trong Tết đến tháng 3 là những người làm nghề đào gốc cây thuê như ông làm không hết việc. Bởi lẽ, vào mùa này, cây thường “săn da, đặc nhựa” nên nếu bị đào lên và di chuyển đi chỗ khác, cây vẫn rất khỏe, tỷ lệ sống cao.

Dừng tay nghỉ giải lao, ông Tập kể, công việc chính của ông là làm ruộng, chăn nuôi bò, dê. Cứ đến mùa nắng, ruộng đồng khô cằn nên ông tương đối rảnh rỗi, cứ ai thuê gì ông làm nấy. Ông đến với nghề đào gốc cây cũng rất tình cờ. Cách đây khoảng 3 năm, mấy người bạn trong xóm rủ ông đi đào cây thuê để kiếm thêm thu nhập. Ban đầu do chưa “rành” việc nên ông chỉ phụ đan rọ bầu hoặc đào sơ sơ lớp đất mặt. Sau này ông được mọi người hướng dẫn kỹ thuật đào ở phần rễ dưới.

Theo kinh nghiệm của ông Tập, công việc này không dễ như đào đất, muốn đào sao cũng được. Thợ đào cây phải tỉ mỉ, kiên nhẫn bới từng lớp đất một nếu không bầu đất sẽ vỡ, đứt rễ cám. Khi đã chạm rễ thì tùy theo rễ to hay rễ nhỏ, người đào có thể dùng kéo, cưa hoặc búa chuông để chặt nhưng tuyệt đối không để dập rễ (vì “vết thương” này thường khó lành, dễ làm cây chết). Đồng thời, trước khi rọ bầu, thợ đào sẽ lau sạch các “vết thương” trên rễ cây, sau đó thoa đều hỗn hợp keo kích thích “mau liền da” cho cây. Tùy theo từng loại cây, loại đất mà cây sẽ có những tầng rễ khác nhau. Theo đó, thợ đào sẽ quyết định khoanh bầu đất to hay nhỏ, sâu hay cạn.

Theo những người đào gốc cây thuê ở TT.Gia Ray (H.Xuân Lộc), hiện nay, nhu cầu chơi cây của người dân rất nhiều nên nghề đào gốc cây cũng “sống được”. Tùy theo từng loại cây, kích thước to, nhỏ, từng loại đất thì chủ sẽ trả công khác nhau, có khi từ 500-700 ngàn đồng/gốc cây. Đối với những cây to, có giá trị, địa thế khó đào thì mức thù lao có thể lên đến 3-4 triệu đồng. Riêng trường hợp chủ cây yêu cầu phải đi xa, có khi 2-3 ngày mới về thì toàn bộ chi phí đi lại, ăn, ở sinh hoạt sẽ được bao trọn gói. Khi cây về đến vườn ổn định, thân, cành ít bị trầy tróc thì chủ cây sẽ bồi dưỡng thêm. Một thợ đào cây bình thường mỗi ngày có thu nhập trung bình khoảng 1 triệu đồng.

* Nghề nặng nhọc

Anh Lê Văn Đạt, một thợ đào cây tại TT.Gia Ray (H.Xuân Lộc) chia sẻ, nghề đào gốc này có thu nhập cao nhưng rất vất vả, phải ở trong rẫy thường xuyên bị muỗi, côn trùng cắn, đốt nên ít người muốn gắn bó. Riêng anh Đạt đến với nghề này rất tình cờ. Cách đây hơn chục năm, anh Đạt là tài xế lái xe. Những ngày thất nghiệp, anh theo bạn đi đào cây cho khuây khỏa, rồi yêu thích và “rành” nghề hồi nào không hay.

Tương tự, nói về những khó khăn của nghề đào cây, ông Tập cũng bộc bạch, vào mùa mưa, nhựa cây rất lỏng, nếu đào vào thời điểm này cây “bị thương”, mất nhiều nhựa nên tỷ lệ sống rất thấp. Còn vào mùa nắng (từ tháng Chạp, đến tháng Giêng, tháng 2, tháng 3) nhựa cây đặc lại, “vết thương” mất ít nhựa nên tỷ lệ cây sống rất cao. Thế nhưng, thời điểm này thời tiết thường nắng nóng, anh em thợ đào mất nhiều sức, nhất là những cây mọc ở vùng sỏi đá, khó đào, mỗi nhát cuốc, nhát xà beng bổ xuống như “nảy lửa”. Còn đối với những vùng đất thịt, dễ đào hơn thì cần phải tỉ mỉ vì dễ vỡ bầu đất, gặp chủ khó sẽ bị la hoặc trừ công.

“Lúc mới vào nghề thì còn hay bị phồng da tay chớ bây giờ da tay còn dày hơn cả da chân thì sao phồng được” - ông Tập nói vui.

Tuy vậy, ông Tập nói nghề này cũng có niềm vui, khi xong việc thường thì chủ cây rất hào phóng với thợ đào trong việc ăn, uống bồi dưỡng. Tuy nhiên họ cũng tỏ ra rất khó chịu khi mình lỡ làm cây bị trầy xước hoặc gãy cành khi vận chuyển nên đòi hỏi thợ đào cây phải làm thật cẩn thận. Ngoài ra, nhiều chủ cây còn ra điều kiện đào thật nhanh để chuyển cây về nhà cho đúng “giờ lành”. Đối với những trường hợp đó, anh em thường phải làm xuyên trưa. Người đói thì ăn vội hộp cơm, uống ca trà đá rồi lại tiếp tục đào để kịp giờ giao cây cho chủ.

Mặc dù đây chỉ là công việc làm thêm nhưng cách đây khoảng 2 năm, ông Tập cũng phải bỏ ra hơn 3 tháng để học lớp chăm sóc cây cảnh do Trung tâm dạy nghề huyện phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức. Nhờ lớp học này, ông nắm rõ đặc tính sinh trưởng của từng loại cây; biết cách sử dụng các loại phân, thuốc chăm sóc ra rễ, đâm chồi non; kỹ thuật cắt tỉa cành, tạo tán cho cây nên rất được chủ cây quý mến thuê ông làm thêm công việc chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh tại nhà. Nhờ đó, ông có thu nhập ổn định hơn và sống được với nghề.

Hải Đình

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202003/chuyen-cua-tho-dao-goc-cay-thue-2991040/