Chuyện dài bảng xếp hạng các trường đại học
Bảng xếp hạng 100 trường đại học (VNUR) tại Việt Nam vừa được công bố với sự biến động khá lớn so với bảng xếp hạng năm 2023.
Bảng xếp hạng cao, điểm tuyển sinh thấp
Bảng xếp hạng các trường đại học (ĐH) tại Việt Nam năm 2024 (VNUR-2024, Viet Nam’s University Rankings) được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu độc lập do GS.TS Nguyễn Lộc - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và 5 cộng sự. Theo thông tin do nhóm của GS Nguyễn Lộc cung cấp, VNUR-2024 rà soát tất cả 237 cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) của Việt Nam thông qua việc xử lý dữ liệu thông tin lớn bao gồm các báo cáo ba công khai (công khai tài chính, công khai chất lượng, công khai điều kiện bảo đảm chất lượng); các Đề án tuyển sinh; các dữ liệu về xếp hạng của các bảng xếp hạng toàn cầu như QS, THE, ARWU; kiểm định của Bộ GD&ĐT; định hạng của QS Stars và UPM; dữ liệu của Web of Science (WOS) và SCOPUS trong giai đoạn 5 năm (2019 - 2023); dữ liệu về cơ sở dữ liệu tài liệu điện tử bản quyền cùng với nhiều thông tin được tham khảo có chọn lọc trên các nguồn uy tín có liên quan...
Tổng cộng có 193 trường có đầy đủ số liệu để tiến hành xếp hạng. Việc xếp hạng được thực hiện thông qua 6 tiêu chuẩn và 18 tiêu chí được lựa chọn do nhóm quy định, phản ánh toàn diện các sứ mạng cơ bản của CSGDĐH như đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Kết quả cho thấy, có sự thay đổi về thứ hạng trong bảng xếp hạng top 100 CSGDĐH của VNUR-2024 so với VNUR-2023. Theo đó, trong top 100 năm nay, có 7 trường ĐH giữ vững vị trí xếp hạng so với 2023, trong đó có 6 trường thuộc top đầu của VNUR - 2023 và VNUR - 2024 theo thứ tự lần lượt gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP HCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Duy Tân, ĐH Kinh tế TP HCM. ĐH Huế rời nhóm dẫn đầu xuống vị trí 11. Đặc biệt Trường ĐH Thương mại lần đầu tiên lọt vào top 10 này với mức tăng 27 hạng và xếp hạng 8.
Có 36 trường có mặt trong top 100 năm 2023 tăng hạng trong top 100 của VNUR - 2024. Mức tăng hạng có giá trị từ 1 đến 52. Trong nhóm này tăng hạng nhiều nhất là Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Trường ĐH Việt Pháp) với mức tăng là 52 bậc. Nhưng cũng có 41 trường có mặt trong top 100 năm 2023 xuống hạng. Mức xuống hạng có giá trị từ 1 đến 42. Có 16 trường trong top 100 năm trước không có mặt trong top 100 năm nay. Thay vào đó là 16 trường khác lọt top. Trong đó, Trường ĐH Nha Trang thăng hạng lớn nhất, 63 bậc và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, có thứ hạng cao nhất là 45. Số lượng các trường phân bổ theo vùng kinh tế không có nhiều sự thay đổi so với năm 2023. Cụ thể là trường có thứ hạng cao tập trung nhiều nhất ở Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ. So với bảng xếp hạng năm 2023, trường công lập vẫn chiếm đa số trong top 100 của năm 2024 với tỷ lệ là 83% mặc dù có giảm 1 cơ sở so với năm 2023, còn lại là trường tư thục. Theo nhóm thực hiện VNUR, bảng xếp hạng này dùng để định hướng cho học sinh phổ thông cùng với phụ huynh của Việt Nam và nước ngoài có thể chọn trường ĐH phù hợp để theo học. Lãnh đạo các trường ĐH cũng có thể dùng VNUR để đánh giá mức độ cạnh tranh của mình với các trường ĐH khác trong nước.
Dẫu theo các nhà nghiên cứu, nếu không xếp hạng các trường ĐH sẽ bị thua trong cuộc chiến tuyển sinh ngày càng gay gắt. Thế nhưng, theo các chuyên gia, dù bảng xếp hạng trong nước hay quốc tế cũng chỉ là hình thức tham khảo đối với phụ huynh, thí sinh. Vì thực tế cho thấy có một số CSGDĐH lọt bảng xếp hạng quốc tế hay lọt top cao trong VNUR nhưng điểm chuẩn tuyển sinh ĐH đầu vào chỉ ở mức trung bình 5 điểm/môn thi. Trước đó vào năm 2017, có một nhóm nhà khoa học đã tự xếp hạng 49 trường ĐH tại Việt Nam và đã gây ra rất nhiều tranh cãi. Sau đó các nhà khoa học này đã dừng triển khai tiếp. Năm 2023, VNUR lần đầu tiên công bố bảng xếp hạng top 100 trường ĐH tại Việt Nam cũng có nhiều ý kiến trái chiều của những trường được xếp hạng.
Không phải trường nào cũng công khai chính xác 100%
TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT cho rằng các tiêu chí mà nhóm VNUR đưa ra dựa trên những dữ liệu do các trường ĐH công khai còn rất thô sơ. Tuy nhiên, cũng cần thông cảm với nhóm xếp hạng vì họ chỉ có thể tiếp cận được với những dữ liệu như thế. Các bảng xếp hạng nổi tiếng thế giới cũng vậy, họ cố gắng hoàn thiện dữ liệu nhưng cũng chỉ đạt được ở mức độ nào đó do chỉ là một góc nhìn về một trường ĐH. “Có thể nói, VNUR mới chỉ có những số liệu nghèo nàn trong tay và cố gắng xếp hạng nên không có tính thuyết phục và chỉ có tính chất tham khảo”, TS Lê Trường Tùng cho hay.
GS.TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP HCM nhận định: “Việt Nam rất nên có một bảng xếp hạng uy tín, của một tổ chức được nhà nước công nhận hoặc của cơ quan nhà nước trực tiếp thực hiện. Những tiêu chuẩn, tiêu chí với trọng số của mỗi tiêu chí phải thật khoa học, được phản biện và kiểm chứng chứ không thể chủ quan theo một nhóm. Bởi kết quả của bảng xếp hạng là vô cùng quan trọng, nó ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, thương hiệu của một trường, đến cách nhìn của học sinh, phụ huynh và xã hội”. Bên cạnh đó, nên có các bảng xếp hạng theo định hướng khác nhau, ví dụ hướng hàn lâm hay hướng ứng dụng để dễ dàng đối sánh...
Theo GS.TS Nguyễn Minh Hà, bảng xếp hạng VNUR chắc chắn cũng được thực hiện công phu, tuy nhiên độ tin cậy ra sao, dữ liệu có đủ chính xác hay không cũng cần xem xét kỹ lưỡng vì với những thông tin các trường công bố trên trang web, không phải trường nào cũng công khai chính xác 100%. Còn GS-TSKH Hoàng Văn Kiếm, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TP HCM cũng cho rằng: “Tại Việt Nam, việc xếp hạng toàn phần rất khó chính xác, vì thế nên có giải pháp xếp hạng theo một số tiêu chí mà phụ huynh và xã hội quan tâm như cơ sở vật chất, số lượng sinh viên vào học và tốt nghiệp có việc làm phù hợp, số lượng công trình ứng dụng và tổng giá trị các hợp đồng chuyển giao công nghệ…”.
Theo Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, ĐH New South Wales, Úc thì, khi xếp hạng ĐH, cần dựa vào 3 nhóm tiêu chí: nghiên cứu khoa học, giảng dạy và cơ sở vật chất. Một bảng xếp hạng ĐH hợp lý phải đáp ứng 3 yêu cầu: khoa học, phương pháp và phương pháp luận, minh bạch. Bất cứ bảng xếp hạng nào cũng phải mang tính khoa học, hiểu theo nghĩa phải có nghiên cứu và nghiên cứu phải được công bố. Đa số bảng xếp hạng ĐH, kể cả ở Việt Nam chưa công bố phương pháp luận trên một tập san chuyên ngành nào và đây là một nhược điểm. Vì thế, Việt Nam nên ưu tiên xây dựng bảng xếp hạng với những phương pháp luận cho tốt và tiêu chí hợp lý nhằm khuyến khích nâng cao năng lực, tự chủ và phẩm chất nghiên cứu khoa học.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công thương TP HCM cũng cho rằng: “Cần có một bảng xếp hạng ĐH trong nước do tổ chức uy tín hoặc do Cục Quản lý chất lượng của Bộ GD&ĐT thực hiện. Lúc đó, trang web của Cục sẽ đưa thông tin công khai các tiêu chí và công khai thứ hạng theo từng tiêu chí để thí sinh, phụ huynh có thể lựa chọn trường phù hợp với mục tiêu học tập của mình”.
Các chuyên gia cho rằng, xếp hạng mang đến nhiều danh tiếng cho nhà trường nhưng thí sinh hãy là những người “thông thái”. Các em nên dành thời gian đọc kỹ trước khi chọn trường. Chẳng hạn, tại sao vị trí xếp hạng cao nhưng vị trí xếp hạng giảng dạy lại như vậy? Ông Ngô Tiến Nhật, nghiên cứu viên - Viện Đảm bảo chất lượng, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, xếp hạng là cuộc đua để các trường thể hiện năng lực đến đâu. Trong cuộc đua này, ai cũng muốn đứng ở vị trí cao như cuộc đua marathon. Vì vậy, các trường nên tham gia để thấy năng lực thực tế của mình đang ở đâu, đang yếu ở điểm nào?
Thực tế, việc xếp hạng đại học giúp giải trình xã hội, qua đó tạo dựng uy tín, danh tiếng và thu hút nguồn lực, người học, đồng thời so sánh với các đơn vị khác hoặc với bộ quy chuẩn sẵn có nếu các trường thực sự cầu thị…
VNUR không phải là bảng xếp hạng đầu tiên của Việt Nam. Năm 2017, một nhóm chuyên gia độc lập gồm 6 người Việt (sinh sống và làm việc trong nước hoặc nước ngoài) đã xây dựng bảng xếp hạng 49 trường ĐH của Việt Nam. Đây có thể coi là bảng xếp hạng ĐH đầu tiên của Việt Nam, tuy số lượng các trường được xếp hạng không lớn. Nhóm chuyên gia độc lập cho biết đã tiến hành xếp hạng các trường ĐH của Việt Nam trong vòng 3 năm với tiêu chí xây dựng bảng xếp hạng phù hợp với Việt Nam. Nhưng sau khi nhóm chuyên gia công bố, kết quả xếp hạng đã gây tranh cãi trong dư luận. Điều gây tranh cãi ở bảng xếp hạng 49 ĐH hàng đầu tại Việt Nam là việc các trường trẻ như ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Duy Tân lại có mặt trong top 10, còn các trường ĐH khối Kinh tế lại có vị trí khá thấp dù cũng thuộc hàng tên tuổi, như Trường ĐH Ngoại thương chỉ đứng thứ 23, còn Trường ĐH Thương mại là 29, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân 30, Học viện Tài chính 40 và Học viện Ngân hàng 47.
Trong khi đó, ngày 1/2 vừa qua, Phòng Thí nghiệm Cybermetrics Labs (thuộc Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha - Webomatrics) đã công bố bảng xếp hạng lần thứ nhất các trường đại học trên thế giới năm 2023. Trong top 10 của Việt Nam, cơ bản vẫn là danh sách các trường như của VNUR đã xếp hạng chỉ có thay đổi vị trí một chút. Nhưng ở top 100, có sự thay đổi đáng kể vị trí đối với một số trường như Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội xếp thứ 98 ở Webometrics và xếp thứ 55 ở VNUR, chênh nhau 43 bậc. Trường ĐH Thủy lợi, Webometrics xếp trường thứ 31, còn VNUR xếp thứ 12. Trường ĐH Nông Lâm TP HCM trong bảng xếp hạng của Webometrics, trường đứng thứ 22, trong khi đó tại bảng xếp hạng VNUR chênh 60 bậc và đứng thứ 82.