Chuyện dạy học trong cung đình xưa
Nhà Nguyễn thành lập 'Tôn Học Đường' để theo dõi các hoàng tử, hoàng thân học tập. Việc quản lý do một hoàng thân, hai hàn lâm viện thị giảng, học sĩ làm tổng quản.
Theo lịch sử triều Nguyễn vào năm 1918, Vĩnh Thụy lên 6 tuổi, vua Khải Định quyết định chọn thầy dạy cho hoàng tử. Cẩn trọng, chu đáo, nhà vua triệu tập 4 vị quan có phẩm hạnh và học vấn uyên thâm nhất vào cung để chọn thầy giáo dạy cho con. Bốn vị quan trịnh trọng ngồi thẳng hàng chờ ý kiến của nhà vua. Khải Định cho gọi Vĩnh Thụy ra trình diện. Vĩnh Thụy khi “nhìn” vào Lê Nhữ Lâm, liền tỏ vẻ sợ hãi. Vua Khải Định quyết định chọn ông làm giáo đạo cho hoàng tử.
Bốn anh em vua Thành Thái (ngồi chính giữa hàng đầu) chụp ảnh kỷ niệm cùng với các thầy giáo Quốc Tử Giám.
Vua Duy Tân là con thứ 5 của vua Thành Thái. Sau khi vua cha bị thực dân Pháp bắt thoái vị, ông được đưa lên ngôi vào năm 1907, nhưng việc nước do Tòa Khâm sứ điều khiển. Khâm sứ Pháp cử Tiến sĩ khoa học Philippe Ebérhardt sang dạy cho vua, tuy nhiên, triều đình vẫn mời thêm một nhà nho phụ đạo. Lần lượt các vị quan nổi tiếng thay nhau đến dạy vua, trong số đó vua chọn ông Mai Khắc Đôn làm thầy “chính thức” và lấy con gái thầy làm vợ.
Kể từ thời Tự Đức, vua đã ra “nội quy” khá cụ thể:“Các công tử, công tôn đi học, người nào cáo bệnh thì giao cho các quan ở Tôn Nhân Phủ hợp lại xem xét, nếu ai giả bệnh và nghỉ học không duyên cớ thì sẽ giảm lộc bổng trong năm để trách phạt người lười biếng”.Khi hoàng tử Ưng Chân học hành không thấy tiến bộ, vua Tự Đức ban một cây roi mây (ngự ban) cho các thầy giáo để làm dụng cụ “giáo hình”.
Người thầy dạy vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng thời Nguyễn là ông Lê Nhữ Lâm, sinh năm 1881, quê quán xã Vân Trình, Phong Điền, Thừa Thiên - Huế. Ông Lâm theo học Trường Quốc tử giám 11 năm (1895-1906). Năm 1906 thời vua Thành Thái, ông đi thi Hương và đậu cử nhân, làm quan Hành tẩu ở Bộ Hộ và Văn phòng Nội các. Dạy hoàng tử Vĩnh Thụy được 4 năm thì thầy cũng khăn gói theo trò sang Pháp. Trong thời gian ở Pháp (1922-1932), ông Lâm vừa dạy phần Nho học cho Vĩnh Thụy vừa tự học thêm tiếng Pháp và văn minh, văn hóa Pháp. Ông tiếp tục làm thầy dạy cho đến ngày Bảo Đại về nước chấp chính (1932) mới chuyển sang Bộ Lễ.
Xa xưa chuyện học
Rất cụ thể, trong sách Đại Nam hội điển sự lệ ghi lại quy định của triều đình đối với lễ khai giảng năm học mới. Trước khi vào lớp, hoàng tử và các thầy (giảng quan) phải mặc mũ áo đại triều đến giảng đường có đặt bàn thờ Khổng Tử làm lễ. Tiếp đó, hoàng tử kính cẩn lạy các thầy của mình bốn lạy, rồi các thầy cũng lạy đáp lễ bốn lần. Sau đó, họ mới thay thường phục để bắt đầu học tập. Việc học tập kéo dài cả ngày. Vào các ngày lẻ, học “Ngũ kinh”, ngày chẵn học “Tứ thư”; đều phải học thuộc lòng. Hàng tháng vào những ngày 30, mùng một, các hoàng tử mới được nghỉ học. Những buổi chiều của các ngày ngày 6, 16 và 26 phải vào chầu ở điện Quang Minh để vua kiểm tra lại.
Ngoài lầu “Tứ phương vô sự” làm nơi học hành của các hoàng tử, công chúa, trong Tử cấm thành Huế còn có “Thái Bình Lâu” là công trình dành riêng để các vua triều Nguyễn đến học và đọc sách. Nó được xây dựng từ năm 1887 dưới thời vua Đồng Khánh. Đến khi vua Bảo Đại lên ngôi, ông vua “Tây học” này không thích giáo điều “Khổng Mạnh” nên truyền chỉ sắp xếp Thái Bình Lâu lại thành nơi thờ “vọng” vua cha (Khải Định).
Những bậc thầy lớn
Trong lịch sử nước ta có những bậc thầy dạy vua nổi tiếng, nhất hạng là “Vạn thế sư biểu” Chu Văn An (1292-1370), giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám thời Trần. Ông dạy cho Thái tử Trần Vượng, tức vua Trần Hiến Tông tương lai. Đến đời Dụ Tông, thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, ông dâng “Thất trảm sớ” xin chém 7 tên gian nịnh, nhưng vua không nghe, ông về ở ẩn.
Bậc thứ hai là Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585). Ngay từ khi đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dạy học, đào tạo rất nhiều học trò nổi tiếng về sau, trong đó có Lương Hữu Khánh trở thành tướng giỏi, văn võ song toàn; Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan có tài năng toàn diện về võ bị, văn học và ngoại giao; Nguyễn Dữ - một nhà văn nổi tiếng trong lịch sử văn học Việt Nam.
Bậc thứ ba là Nguyễn Thiếp (1723-1804), danh sĩ nổi tiếng thời Hậu Lê và Tây Sơn. Năm 1788 sau khi vua Quang Trung đánh đuổi giặc Thanh, Nguyễn Thiếp trở thành một trong những vị học giả được vua tin cậy nhất. Vua quý trọng học vấn và tư cách của ông, khi triều kiến vua chỉ gọi là Tiên sinh chứ không gọi tên. Thời đó, vua Quang Trung đã ngỏ ý muốn La Sơn phu tử ở lại Phú Xuân dạy học cho chính mình và khuếch trương nền giáo dục. Khi vua Quang Trung thành lập “Viện Sùng chính” ở Nghệ An đã mời ông làm Viện trưởng.
Người cuối cùng là một nhà thơ, “cô giáo” đặc biệt: Bà Huyện Thanh Quan (1805-1848), tên thật Nguyễn Thị Hinh, là phu nhân của ông Lưu Nghị làm quan tri huyện Thanh Quan (Thái Thụy, Thái Bình). Dưới thời vua Minh Mạng, bà là người phụ nữ duy nhất được mời vào kinh đô Huế giữ chức “Cung trung giáo tập” để dạy học cho các công chúa và cung phi.
Theo Giáo dục Thời đại
Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/chuyen-day-hoc-trong-cung-dinh-xua-20190916090322933.htm