Chuyến đi của cảm xúc 'Bên trong vỏ kén vàng'
Đạo diễn nhận giải thưởng danh giá tại Liên hoan phim Cannes vừa qua với hạng mục giải Máy quay vàng (Ảnh: Internet)
Đậm chất thơ của điện ảnh nghệ thuật, bộ phim Bên Trong Vỏ Kén Vàng đã chạm tới giải thưởng danh giá tại Liên hoan phim Cannes vừa qua với hạng mục giải Máy quay vàng. Có lẽ, sự đánh giá, công nhận này không chỉ do các yếu tố của nghệ thuật điện ảnh mà còn bởi đây là một bộ phim đậm hình ảnh Việt Nam không lẫn vào đâu được.
Biên kịch kiêm đạo diễn của bộ phim là Phạm Thiên Ân - một người con của đất cao nguyên Lâm Đồng hiện sinh sống tại Mỹ. Đạo diễn trẻ Phạm Thiên Ân cùng êkip cũng là những người bạn học từ thuở nhỏ đã thực hiện nên bộ phim. Bên Trong Vỏ Kén Vàng là một dự án bắt đầu từ năm 2020.
Đầu tiên, phải nói rằng, đây là bộ phim có phần kén khán giả bởi chọn hình thức thuộc dòng slow cinema (điện ảnh chậm) và tính tài liệu được đưa vào. Phong cách tài liệu là điều mà đạo diễn Phạm Thiên Ân nhiều lần chia sẻ với truyền thông. Nếu tóm lược nội dung của phim, có thể nói ngắn gọn rằng, đây là hành trình của nhân vật chính tên Thiện đưa xác chị dâu bị tai nạn về quê ngoại.
Trên chuyến đi, Thiện mang theo cả đứa cháu nhỏ tên Đạo (5 tuổi) vừa mất mẹ. Chuyến đi này là một hành trình đặc biệt với câu hỏi sâu sắc về đức tin (Thiện là người có đạo) và về cuộc đời.
Phim mượn cuộc hành trình của một nhân vật trong cuộc khủng hoảng với cuộc sống, cuộc đời để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Mình là ai? Mình cần gì?... Tất cả những nhân vật mà Thiện gặp khi về quê giữa không gian yên bình như giúp anh tìm kiếm được câu trả lời cho bản thân.
Ngôn ngữ điện ảnh trong toàn phim dù tối giản nhưng tự nhiên và tinh tế đã dẫn dắt người xem trải qua hành trình nội tâm của nhân vật và của chính mình. Đạo diễn Phạm Thiên Ân từng chia sẻ cảm hứng dựng nên bộ phim được gợi từ những người xung quanh anh. Hình ảnh vỏ kén ngụ ý cho sự đấu tranh bên trong của mỗi con người để thoát ra, phá bỏ lớp vỏ thành con người mới. Dù bộ phim có yếu tố về tôn giáo nhưng không có nghĩa chỉ dành cho người theo đạo.
Hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời của Thiện là điển hình cho bất kỳ ai… Một cuộc hành trình với nhiều câu hỏi to tát nhưng lại được thể hiện mềm mại, giản dị. Không giáo điều, không nhồi nhét mà bộ phim để nhiều khoảng trống cho người xem cảm nghiệm.
Một màu quê hương của người con miền cao nguyên với nhân vật Thiện và cả đạo diễn bộ phim hiện ra đẹp trong mọi góc ảnh. Một xóm đạo an bình được bao phủ bởi sương trắng bảng lảng và xanh thẳm rừng cây. Chính chất liệu, hình ảnh rất Việt Nam, rất thật, gần gũi, không chỉnh sửa mà đạo diễn chủ ý nhắm tới đã làm nên nét đặc biệt cũng như thành công của bộ phim. Việt Nam rất đẹp và rất thật trên màn ảnh rộng thực sự chứa đựng sức hút không chỉ với người Việt xa quê, người Việt đang sống trên quê hương mà ngay cả với bạn bè quốc tế.
Một điều phải nói đến nữa là bộ phim khai thác cách quay chậm và những cảnh quay one-shot (một cú bấm máy), long take (quay dài không cắt, không chuyển camera). Nhiều đoạn như đứng yên, cả con người và thiên nhiên. Ống kính như thể đi theo từng bước chân của Thiện. Các cảnh quay rất nghệ thuật và đẹp mắt.
Ba tiếng đồng hồ của phim đòi hỏi sự kiên nhẫn, tập trung tuyệt đối và người xem cần một chút thời gian mới có thể bắt nhịp vào mạch phim chậm rãi. Ba tiếng đắm chìm trong những nhịp phim chậm rãi không phải với khán giả nào cũng là một trải nghiệm đào sâu suy tưởng thành công. Nhiều người cảm thán rằng, họ khó lòng trải qua hết nửa thời lượng của phim khi đến rạp.
Tuy nhiên, như chính đạo diễn Phạm Thiên Ân từng chia sẻ, nếu mọi người coi hơn 1/3 phim đã là một thành công. Có lẽ, khi chúng ta vượt qua được định kiến phim nghệ thuật khó hiểu mà mở lòng để đón nhận bộ phim thì chắc hẳn sẽ tận hưởng được một món quà tinh thần ở nhiều phương diện./.
Danh tiếng tại Liên hoan phim Cannes đã giúp bộ phim đến với khán giả Việt Nam và thế giới. Hiện tại, ở Việt Nam, bộ phim đã được công chiếu từ ngày 11/8/2023.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chuyen-di-cua-cam-xuc-ben-trong-vo-ken-vang-a161702.html