Chuyến đi gian nan của Ngoại trưởng Pakistan

Cho dù không phải thăm song phương mà chỉ là tham dự Hội nghị Ngoại trưởng SCO với các đồng cấp Trung Quốc, Nga và chủ nhà Ấn Độ. Nhưng chuyến đi Ấn Độ của Ngoại trưởng Bilawal sắp tới lại thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.

Ngoại trưởng Bilawal Bhutto Zardari (phải) sẽ tham dự cuộc họp Ngoại trưởng SCO theo lời mời của người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar. (Nguồn: REVOI.I)

Ngoại trưởng Bilawal Bhutto Zardari (phải) sẽ tham dự cuộc họp Ngoại trưởng SCO theo lời mời của người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar. (Nguồn: REVOI.I)

Trong họp báo ngày 20/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pakistan Mumtaz Zahra Baloch thông báo, Ngoại trưởng Bilawal Bhutto Zardari sẽ đến thành phố Goa để tham dự cuộc họp Ngoại trưởng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) từ ngày 4-5/5 theo lời mời của người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar.

Thông tin trên lập tức thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Tại sao lại như vậy?

Rào cản lịch sử

Trước hết, chuyến đi của ông Bilawal vào thời điểm quan hệ giữa hai nước láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân trở lại tình trạnh bên bờ vực chiến tranh sau cuộc chiến tranh nóng lần thứ 3 năm 1972.

Ở trong nước, một năm sau khi Thủ tướng Imran Khan bị lật đổ, Thủ tướng Shabaz Sharif – em trai của Thủ tướng Nawaz Sharif - người từng đến New Delhi dự lễ nhậm chức của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi năm 2014, lên thay nhưng bất ổn vẫn tiếp tục gia tăng, kinh tế kiệt quệ, đặc biệt là tranh giành quyền lực giữa các đảng phái ngày càng gay gắt trước thềm cuộc bầu cử vào cuối năm nay.

Nhìn về quá khứ, quan hệ giữa New Delhi và Islamabad luôn trong tình trạng đối đầu, từng nổ ra 3 cuộc chiến tranh nóng và thường xuyên xung đột tại khu vực tranh chấp Jammu & Kashmir kể từ khi chia tách năm 1947.

Mặc dù cả hai bên thỉnh thoảng cũng bắn tín hiệu muốn cải thiện tình trạng đối đầu nhưng quan hệ giữa Islamabad và New Delhi bắt đầu đi xuống kể từ năm 2016. Đặc biệt, sau vụ tấn công vào đoàn xe của Ấn Độ làm 46 nhân viên an ninh thiệt mạng và nhiều người khác bị thương tại khu vực tranh chấp Kashmir hồi tháng 2/2019. Vụ việc do nhóm khủng bố Jaish-e-Mohammed có trụ sở tại Pakistan thực hiện khiến quan hệ hai bên xấu đi nghiêm trọng. Sau khi New Delhi cho máy bay tấn công đáp trả vào trại huấn luyện Balakot của Jaish-e-Mohammed nằm sâu trong lãnh thổ Pakistan thì quan hệ hai bên đã đặt trong tình trạng chiến tranh.

Đối đầu giữa hai nước lên đỉnh điểm sau khi Thủ tướng Modi tuyên bố hủy Điều 370 Hiến pháp, xóa quyền tự trị của Jammu và Kashmir vào tháng 8/2019. Hai bên hạ cấp quan hệ ngoại giao, đóng băng giao thương, đóng cửa biên giới và thường xuyên lên án, chỉ trích nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, trong đó có SCO.

Ngoại trưởng Pakistan Bilawal (thứ 4 từ phải) tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại trưởng SCO tại Kazakhstan, ngày 29/7/2022. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Kazakhstan)

Ngoại trưởng Pakistan Bilawal (thứ 4 từ phải) tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại trưởng SCO tại Kazakhstan, ngày 29/7/2022. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Kazakhstan)

Hy vọng mong manh

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của Ngoại trưởng Bilawal và cũng là quan chức cấp cao nhất của Pakistan đến Ấn Độ trong vòng 12 năm qua đã thắp lên hy vọng - dù mong manh, cho những ai trông đợi một quan hệ ấm dần lên với New Delhi.

Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào đầu năm nay, Thủ tướng Shabaz Sharif, người đã bổ nhiệm ông Bilawal làm Ngoại trưởng ngay sau khi nhậm chức một năm trước nói rằng, “Pakistan đã rút ra bài học sau ba cuộc chiến với Ấn Độ và muốn chung sống hòa bình với nước láng giềng”.

New Delhi cũng từng bắn tín hiệu tới Islamabad về mong muốn có quan hệ láng giềng bình thường với Pakistan nhưng nhấn mạnh trách nhiệm của Islamabad là tạo ra một môi trường không có khủng bố và thù địch để có thể cải thiện tình hình.

Trong khi đó, Islamabad đưa ra điều kiện tiên quyết rằng, New Delhi phải rút lại sắc lệnh của Thủ tướng Modi, trao lại quy chế tự trị cho Kashmir thì mới có thể ngồi vào đàm phán. Nhưng đây lại là điều mà New Delhi khó có thể chấp nhận.

Giới quan sát ghi nhận, cả hai bên đã có những động thái và thiện chí hướng tới việc cải thiện quan hệ.

Năm 2021, Islamabad và New Delhi bắt đầu nối lại cơ chế họp thường niên Ủy ban nguồn nước sông Indus vốn bị gián đoạn sau khi xung đột nóng nổ ra hồi tháng 2/2019. Lực lượng quân đội hai nước được cho là đã có một số cuộc tiếp xúc “ngoại giao cửa hậu”, dưới thời Tư lệnh quân đội Javed Bajwa, với kết quả hai bên bất ngờ thông báo lệnh ngừng bắn dọc đường kiểm soát tại Jammu & Kashmir (LoC) vào tháng 2/2021.

Thế nhưng, với những điều kiện tiên quyết mà hai bên đưa ra, thì mong muốn “cải thiện quan hệ”, tạo bước đột phá vẫn là một nhiệm vụ bất khả thi đối với cả New Delhi và Islamabad.

Nay, với việc Ngoại trưởng Bilawal công du Ấn Độ, cho dù “chỉ là dự SCO” như Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pakistan Baloch thông tin với báo giới, nhưng cũng là một cơ hội thuận lợi hiếm có để Islamabad cử đại diện mà không vấp phải chỉ trích dữ dội từ các đảng phái chính trị theo “chủ nghĩa dân tộc” trong nước.

Hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế Pakistan đang trên bờ vực phá sản, việc đóng băng giao thương với thị trường Ấn Độ, khiến thiệt hại hàng trăm tỷ USD mỗi năm đẩy nền kinh tế thêm suy yếu. Bởi vậy, chuyến đi của ông Bilawal đã thắp lên hy vọng cho những người ủng hộ việc cải thiện quan hệ với New Delhi.

Trong trao đổi với báo giới, ông Bilawal cũng cho biết “sẽ đến đó gặp các đồng cấp Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và là đại diện cho Pakistan, phản ánh cam kết của nước này đối với SCO, cũng như tầm quan trọng mà Islamabad dành cho khu vực”.

Binh lính Ấn Độ và Pakistan thực hiện nghi lễ hạ cờ ở cửa khẩu biên giới hai nước. (Nguồn: Nation)

Binh lính Ấn Độ và Pakistan thực hiện nghi lễ hạ cờ ở cửa khẩu biên giới hai nước. (Nguồn: Nation)

Chặng đường còn xa

Nhiều nhà quan sát cho rằng, với chuyến đi “dự Hội nghị SCO chứ không phải thăm song phương” của Ngoại trưởng Bilawal là một bước đi tích cực của Islamabad, nhưng vẫn chỉ là “muối bỏ bể” nếu muốn cải thiện mối quan hệ vốn rất phức tạp này.

Họ nhắc lại rằng, khi lệnh ngừng bắn ở LoC được công bố đã khiến rất nhiều người vui mừng nhưng nó chỉ được duy trì ổn định trong vài tháng đầu. Sau đó, hai bên tiếp tục cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn. Các cuộc đấu súng dẫn đến thương vong cả dân thường vẫn tái diễn khiến nỗ lực cải thiện quan hệ trở lại vạch xuất phát.

Thế nhưng, lịch sử quan hệ Pakistan-Ấn Độ có thể lặp lại. Chỉ vài giờ sau khi Bộ Ngoại giao Pakistan tuyên bố về chuyến công du của Ngoại trưởng Bilawal và người phát ngôn Baloch úp mở về việc Ngoại trưởng Bilawal có thể sẽ có dịp tiếp xúc với Thủ tướng Narenda Modi, thì lại xảy ra vụ tấn công xe của quân đội Ấn Độ ở Jammu & Kashmir, giết chết ít nhất 5 binh sĩ và một người bị thương nặng.

Các vụ tấn công như vậy không phải chuyện hiếm ở khu vực tranh chấp Kashmir và LoC, nhưng vụ việc diễn ra ngay sau khi thông tin Ngoại trưởng Bilawal đi Ấn Độ được phát đi. Điều này cho thấy, mong muốn làm ấm lên quan hệ với New Delhi là điều khá xa vời đối với Islamabad và chắc chắn không phải là chuyện một sớm một chiều và chỉ bằng một chuyến đi.

Đức Trí

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuyen-di-gian-nan-cua-ngoai-truong-pakistan-224459.html